Cản trở, chống người thi hành công vụ phòng dịch Covid-19 bị xử lý thế nào?

Cản trở, chống người thi hành công vụ phòng dịch Covid-19 bị xử lý thế nào?

Bất chấp việc cả nước đang căng mình phòng dịch vẫn còn nhiều trường hợp người dân thiếu ý thức cản trở, chống người thi hành công vụ phòng chống dịch.

can tro kiem dich

Đối tượng Vũ Nhật Tân (38 tuổi, ngụ P.Xuân Tân (TP.Long Khánh) bị Công an TP. Long Khánh – Đồng Nai tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi “chống người thi hành công vụ” tại một chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn (Ảnh: Thanh niên)

Giữa lúc các cơ quan chức năng đang nỗ lực phòng chống dịch, thời gian qua đã xuất hiện 1 vài trường hợp cá nhân thiếu ý thức có hành vi cản trở, chống đối, thậm chí lăng mạ, xúc phạm, hành hung lực lượng phòng chống dịch.

Những hành vi như có lời lẽ xúc phạm khi bị nhắc nhở đeo khẩu trang, lăng mạ cán bộ kiểm soát tại chốt phòng dịch, thậm chí đánh cả người thi hành công vụ phòng dịch, đánh cả chính bác sỹ chữa bệnh cho mình tại Bắc Giang, Đồng Nai và mới đây là tại chợ Yên Phụ, Hà Nội. Những hành vi thiếu ý thức nói trên không chỉ bị pháp luật trừng trị, có trường hợp đã phải ngồi tù mà hành vi đó còn để lại sự bức xúc, phẫn nộ trong dự luận.

Cụ thể, sáng 28/7, Viện KSND TP.Tuy Hòa (Phú Yên) đã ra cáo trạng và chuyển hồ sơ sang TAND TP.Tuy Hòa đề nghị đưa ra xét xử bị can Nguyễn Tấn Thạch (29 tuổi ở thôn Thượng Phú, xã Bình Kiến) về tội “chống người thi hành công vụ” trong vụ việc xảy ra ngày 20/7 tại xã Bình Kiến.

Theo cáo trạng, khoảng 19 giờ 45 phút ngày 20/7, Thạch chạy xe máy BKS 78C1-462.16 chở ông L.N.C (50 tuổi, ở cùng thôn) đến tại chốt phong tỏa phòng chống dịch Covid-19 trên đường liên thôn thuộc thôn Thượng Phú, xã Bình Kiến. Lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt chặn lại, yêu cầu Thạch đeo khẩu trang và không được đi ra khỏi khu vực phong tỏa.

Thạch không chấp hành và chở ông C. vượt chốt phong tỏa. Khoảng 5 phút sau, Thạch chạy xe quay lại chốt phong tỏa lớn tiếng, đe dọa, chửi bới, cầm dao tự chế đe dọa tổ công tác.

Hay trước đó, vào tháng 6/2021, TAND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lương Văn Tiến (SN 1984, trú tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) về tội “Chống người thi hành công vụ”, theo quy định tại Điều 330 BLHS năm 2015 liên quan sự việc xảy ra vào ngày 21/5/2021 với Tổ trực chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 khu vực thôn Nội, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, Bắc Giang.

Untitled-1

Đối tượng Tiến tại tòa

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Nếu người vi phạm có các hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ, hành vi chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị xử phạt hành chính theo Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Hoặc phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ”.

Bên cạnh đó, cũng theo theo Luật sư Đặng Văn Cường, dưới góc độ pháp lý, Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 đã quy định về việc nghiêm cấm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm;…

Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính Phủ cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế trong đó có thể phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính Phủ.

Đối với hành vi không khai báo y tế, khai báo y tế không đầy đủ hoặc khai báo gian dối dẫn đến việc làm bên làm dịch bệnh ra cộng đồng thì người vi phạm quy định về khai báo y tế sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người. Hình phạt cao nhất đối với tội danh này có thể lên đến 12 năm tù.

Ngoài các khung hình phạt nói trên, các hành vi chống đối, cản trở hoạt động phòng, chống dịch có thể bị đưa ra truy tố trước pháp luật và thậm chí là phải ngồi tù. 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bạn cũng có thể thích