Cần Thơ: Sẽ điều chỉnh quy hoạch chung để phù hợp với tình hình phát triển tại địa phương
(Xây dựng) – Theo Báo cáo số 231/BC-UBND về rà soát Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Cần Thơ ban hành ngày 23/8, qua rà soát, đánh giá cho thấy quá trình thực hiện quy hoạch, các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố được lập đã tuân thủ quy định và phù hợp với định hướng phát triển của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.
Một góc thành phố Cần Thơ. |
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cơ bản hoàn chỉnh
Theo báo cáo UBND thành phố Cần Thơ, thời gian qua, trên cơ sở Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung (QHC) thành phố Cần Thơ năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, thành phố Cần Thơ đã phê duyệt các đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị, từ đó các dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai đầu tư xây dựng hoàn chỉnh như:
Thành phố đã ưu tiên nguồn ngân sách thực hiện xây dựng và nâng cấp hệ thống đường tỉnh, nâng cấp hệ thống giao thông thủy phục vụ lưu thông, vận tải vùng sản xuất nông nghiệp của thành phố. Tập trung hoàn thành các tuyến có tính chất tăng cường kết nối giữa các đô thị, vùng sản xuất và nơi chế biến, sản xuất (đường Tỉnh 922 mới, các đường huyện). Về cơ bản, thành phố đã từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải kết nối các vùng, khu vực của Thành phố theo QHC2013, quy hoạch ngành trong thời gian qua, góp phần khai thông và nâng cao hiệu quả của sản xuất và thương mại của thành phố Cần Thơ. Đó là:
Đầu tư hoàn chỉnh các tuyến giao thông đối ngoại, hiện thành phố Cần Thơ gồm có 6 tuyến (Quốc lộ 1A; Quốc lộ 91; Quốc lộ 80; Quốc lộ 91B; Quốc lộ Nam Sông Hậu; Quốc lộ nối thành phố Cần Thơ đến thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), tất cả các tuyến hiện đều có kết cấu mặt bê tông nhựa hoặc nhựa.
Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các tuyến giao thông đối nội, gồm: đường Võ Văn Kiệt; đường nối thành phố Cần Thơ với thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang – giai đoạn 1; tuyến giao thông Bốn Tổng – Một Ngàn; đường Nguyễn Văn Cừ, đường Quang Trung – Cái Cui, xây dựng hoàn thành cầu Càng Đước, Ông Hào và đang triển khai đầu tư cầu Tây Đô trên đường Tỉnh 926 để đảm bảo tải trọng cầu phục vụ cho khu vực phòng thủ của thành phố; đồng thời các dự án quan trọng đang được triển khai đầu tư xây dựng cầu Quang Trung đơn nguyên 2; cầu và đường Trần Hoàng Na, đường nối Quốc lộ 91 – Đường tỉnh 918; đường sau kè Cần Thơ; đường Tỉnh 922 kết nối Quốc lộ 91B – Cờ Đỏ và trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, thành phố Cần Thơ đang xin vốn hỗ trợ của Trung ương để thực hiện đầu tư các dự án đường Tỉnh: 917, 918, 921 và 923 để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương và của cả vùng.
Hoàn chỉnh cơ bản cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển đô thị (cấp điện, cấp nước, nhà máy cấp nước vùng, nghĩa trang, công trình xử lý nước thải…) đảm bảo kết nối đồng bộ, phù hợp với định hướng quy hoạch vùng, kết nối chặt chẽ với các tỉnh thành lân cận, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh. Giao thông nông thôn: các tuyến đường huyện, đường xã đảm bảo vận tải bằng ôtô đến trung tâm (đến cuối năm 2015 đã có 85/85 xã, thị trấn, phường có đường ôtô đến trung tâm).Vận tải hành khách công cộng: Hiện nay thành phố có 07 tuyến xe buýt đang hoạt động (gồm 5 tuyến nội tỉnh và 2 tuyến đi các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long) với tổng số 82 phương tiện, chiều dài mạng lưới tuyến khoảng 223km, 90 nhà chờ và 626 trạm dừng.
Các bến xe khách trên địa bàn thành phố đã và đang được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, cơ bản đáp ứng yêu cầu vận tải hành khách liên tỉnh trong vùng và cả nước, bến xe khách trung tâm Cần Thơ tại Khu đô thị mới Nam Cần Thơ đã hoàn thành đưa vào khai thác đạt tiêu chuẩn bến xe loại I; đang triển khai đầu tư xây dựng các bến xe Ô Môn, Cờ Đỏ (bằng nguồn vốn tư nhân). Về bãi đỗ xe, thành phố đang kêu gọi đầu tư các bãi đỗ xe công cộng khu vực trung tâm thành phố tại đường Phan Đình Phùng, cồn Cái Khế, đồng thời tăng cường xã hội hóa xây dựng các bãi đỗ xe công cộng khi triển khai các dự án xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, từ góc độ các hạ tầng khung cấp vùng thì ngoài đường N2 (tuyến cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi) đã được hoàn thành và đưa vào khai thác, các kết cấu hạ tầng cấp quốc gia, cấp vùng khác theo định hướng QHC2013 đa phần chưa được triển khai kịp thời, giảm hiệu quả kết nối cũng ít nhiều ảnh hưởng đến phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của địa phương. Tỷ lệ quỹ đất dành cho hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông, logistics vẫn còn rất thấp (đa số đất hạ tầng hiện nay của thành phố là đất thuỷ lợi)…
Đô thị thiên về phát triển đất ở chưa kết hợp được với việc phát triển các động lực kinh tế đô thị
Theo số liệu thống kê thành phố Cần Thơ năm 2023, dân số thực tế thường trú của thành phố là 1.258.876 người; năm 2020 dân số thực tế thường trú của thành phố Cần Thơ là 1.240.731 người. Theo tính toán của các chuyên gia, dân số không chính thức (dân số tạm trú dưới 6 tháng và dân số khác – không bao gồm khách du lịch, khách vãng lai) năm 2020 của thành phố chiếm khoảng 9,6% dân số thực tế thường trú. Phương pháp đánh giá và dự báo mô hình kinh tế của Báo cáo tổng hợp Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 – tương đương khoảng 119.000 người. Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê, tổng số khách đến thành phố Cần Thơ năm 2020 khoảng 5,6 triệu lượt khách trong đó có khoảng 2,02 triệu lượt khách lưu trú, ngày khách lưu trú bình quân khoảng 1,27 ngày, dân số quy đổi từ khách du lịch, khách vãng lai khoảng 14.000 người. Như vậy, tổng dân số của thành phố Cần Thơ năm 2020 khoảng 1,374 triệu người. Theo QHC2013, dự báo dân số thành phố đến năm 2020 khoảng 1,5 triệu đến 1,6 triệu người. Như vậy, quy mô dân số thực tế thấp hơn quy mô dân số QHC2013 dự báo cho năm 2020 là khoảng 10%. Trên thực tế có hiện tượng di dân cơ học đến các địa phương vùng thành phố Hồ Chí Minh, có thời điểm, lực lượng lao động tại chỗ thiếu hụt. Nội dung này dẫn đến cần có đánh giá và dự báo phân bổ dân cư của quy hoạch chung ở các khu vực trên địa bàn thành phố Cần Thơ gắn với các động lực phát triển mới mà thành phố đang và sẽ có trong giai đoạn ngắn hạn sắp tới.
Qua kết quả điều tra dân số tập trung ở khu vực thành thị là 861.274 người chiếm 69,68%; nông thôn là 374.680 người chiếm 30,32%. Trong 10 năm qua (từ 2009 đến 2019), quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp các địa phương đã làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị, cụ thể từ năm 2009 đến năm 2019 dân số khu vực thành thị tăng 77.271 người (chiếm 9,8%), khu vực nông thôn giảm 30.535 người (chiếm 7,5%).
Định hướng QHC2013 được duyệt, hình thái phát triển không gian đô thị của thành phố Cần Thơ được xác định: Khu vực nội thành gồm: Khu đô thị truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy; Khu đô thị công nghiệp Trà Nóc; Khu đô thị công nghiệp Cái Răng; Khu đô thị sinh thái Phong Điền; Khu đô thị mới Ô Môn; Khu đô thị công nghiệp Thốt Nốt. Khu vực ngoại thành gồm: thị trấn Cờ Đỏ; thị trấn Thới Lai; thị trấn Vĩnh Thạnh và thị trấn Thạnh An.
Theo Báo cáo đánh giá: Việc đầu tư phát triển các đô thị trên địa bàn thành phố được triển khai từng bước, giai đoạn phân kỳ theo đúng định hướng QHC2013. Thực hiện mời gọi đầu tư các khu dân cư, khu tái định và khu đô thị khang trang cùng với các dịch vụ tiện ích phục vụ đời sống người dân thành phố ngày càng tiện lợi, chất lượng sống được nâng cao, góp thay đổi bộ mặt đô thị thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, việc đầu tư và phân bố dân cư trên địa bàn quận, huyện chưa thật sự đồng đều, cụ thể việc đầu tư các dự án tập trung chủ yếu tại các quận trung tâm như: Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng, đối với quận Ô Môn, quận Thốt Nốt và các đô thị vệ tinh (các thị trấn) vẫn chưa thật sự được đầu tư đúng tiềm năng, vị trí và lợi thế tự nhiên của quận, huyện. Qua đó, thành phố Cần Thơ đã đề xuất một số giải pháp đầu tư phát triển cho thành phố, trong đó có giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối và đây cũng là cơ hội sẽ tạo được động lực thúc đẩy phát triển đối với các quận, huyện trong giai đoạn tiếp theo. Các dự án phát triển đô thị vẫn thiên về mở rộng đất ở đô thị nhưng chưa kết hợp được với việc phát triển các động lực kinh tế đô thị, trong khi dân số không tăng như dự kiến, do đó các dự án còn chậm lấp đầy. Mối liên quan giữa việc làm và nhà ở còn chưa đồng bộ, có hiện tượng di dân cơ học. Tỷ lệ đất đô thị dành cho các công năng kinh tế, sản xuất, thương mại dịch vụ còn quá thấp. Các khu vực không gian kinh tế cấp vùng phân tán, chưa tạo được sức mạnh tích hợp.
Đường Võ Văn Kiệt – con đường huyết mạch nối Trung tâm Cần Thơ với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. |
Điều chỉnh để phù hợp cơ sở pháp lý và các định hướng, chủ trương lớn liên quan đến thành phố Cần Thơ
Báo cáo UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, xác định phát triển Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ, thương mại, du lịch, logistic, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giáo dục và đào tạo; y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là cửa ngõ kết nối vùng với quốc tế; tăng cường kết nối hạ tầng giao thông giữa thành phố Cần Thơ và các địa phương trong vùng nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ có chất lượng cao tương đương trình độ của khu vực, quốc tế.
Để phù hợp đảm bảo đồng bộ với Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tại Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02/12/2023). Việc lập điều chỉnh Đồ án điều chỉnh QHC2013 được thực hiện nhằm cụ thể hoá nội dung Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy định… Qua các nội dung rà soát QHC2013, thực tế triển khai đã có nhiều định hướng mới thay đổi so với Đồ án Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ được duyệt. Những vấn đề cơ bản có sự thay đổi và cần điều chỉnh: Điều chỉnh, tổ chức lại cơ cấu không gian đô thị, bổ sung chức năng sử dụng đất; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông; quy hoạch ngành, lĩnh vực (công nghiệp, giáo dục, y tế); một số chương trình, dự án quan trọng của thành phố Cần Thơ; Rà soát, đề xuất bổ sung các giải pháp để ứng phó biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp (như ngập lụt đô thị, hạn hán xâm nhập mặn, sạt lở, giông lốc…) trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở đánh giá về bối cảnh thực tiễn phát triển chung của thành phố Cần Thơ, về điều kiện tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật – xã hội, sự tác động từ biến đổi khí hậu trên địa bàn các quận, đã phát sinh nhu cầu điều chỉnh cục bộ một số nội dung so với QHC thành phố Cần Thơ đã được phê duyệt nhằm tăng tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển tại địa phương:
Tổ chức lại cơ cấu không gian đô thị, bổ sung chức năng sử dụng đất để đảm bảo khai thác sử dụng hợp lý, phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển của thành phố Cần Thơ, đồng thời cập nhật một số định hướng mới được xác định tại Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02/12/2023.
Cập nhật, bổ sung một số vị trí dự án đã được Chính phủ có ý kiến thống nhất vào Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể: Tại Khu Trung tâm Văn hóa Tây Đô thuộc quận Cái Răng bổ sung Trung tâm Hành chính – Văn hóa thành phố Cần Thơ theo Công văn số 2621/TTg-KTN ngày 22/12/20214 của Thủ tướng Chính phủ.
Cập nhật nội dung về hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đã được chủ trương điều chỉnh về nguyên tắc theo Công văn số 7589/VPCP-KTN ngày 12/9/2016 của Văn phòng Chính phủ, cụ thể: Điều chỉnh, bổ sung phương án quy hoạch giao thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ (đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Đường tỉnh 918, Đường tỉnh 917, đường nối Cách mạng tháng Tám nối Đường tỉnh 918 (Hẻm 91 hiện hữu)…) để kết nối giao thông đồng bộ, liên hoàn giữa các quận, huyện và với các tỉnh khu vực trong vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh trong thời gian tới, phù hợp theo các đồ án quy hoạch phân khu các quận, quy hoạch chung các huyện và các quy hoạch ngành Giao thông vận tải của Trung ương và thành phố đã được phê duyệt, gồm: các quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường trục chính đô thị, đường trục chính khu vực, đường khu vực; các tuyến đường sắt đô thị; các tuyến xe buýt nhanh; các nút giao giao thông lớn; các công trình cầu lớn; các tuyến đường thủy nội địa; hệ thống cảng biển, cảng bến thủy nội địa, bến xe, bãi đỗ xe, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Xác định thời hạn quy hoạch chung đô thị theo Luật Quy hoạch đô thị để đảm bảo tính hiệu quả trong công tác dự báo và triển khai thực hiện quy hoạch chung thành phố Cần Thơ. Theo đó, thời hạn quy hoạch đến năm 2045 và xác định tầm nhìn đến năm 2065. Sau khi Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Cần Thơ được duyệt, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức lập đồ án quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Nguồn: Báo xây dựng