Cần Thơ: Quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) gần 560ha

(Xây dựng) – UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành Tờ trình số 114/TTr-UBND Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (Giai đoạn 2), thành phố Cần Thơ trình HĐND thành phố Cần Thơ. Theo đó, Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) có tổng diện tích 559,86ha, tại xã Vĩnh Trinh và xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.

Cần Thơ: Quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) gần 560ha
Một góc huyện Vĩnh Thạnh.

Sở Xây dựng là cơ quan tổ chức lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp (thực hiện theo Công văn số 664/UBND-KT ngày 23 tháng 02 năm 2024 của UBND thành phố) và được UBND thành phố Cần Thơ (theo Điều 34 Luật Xây dựng năm 2014) phê duyệt.

Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2), thành phố Cần Thơ, có tổng diện tích 559,86ha, tại xã Vĩnh Trinh và xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Giới hạn: Phía Tây Bắc giáp hành lang an toàn đường cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (Giai đoạn 1), xã Vĩnh Trinh; Phía Đông Nam giáp với khu dân cư hiện hữu và khu vực canh tác nông nghiệp xã Vĩnh Bình; Phía Tây Nam giáp với khu vực canh tác nông nghiệp xã Vĩnh Trinh và xã Vĩnh Bình; Phía Đông Bắc giáp với khu vực canh tác nông nghiệp, khu dân cư xã Vĩnh Trinh và xã Vĩnh Bình.

Đây là khu công nghiệp phát triển chuyên sâu dựa trên tiềm năng và lợi thế của khu vực, hình thành Khu công nghiệp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Đáp ứng linh hoạt nhu cầu đa dạng về quy mô sử dụng đất nhằm thu hút đầu tư đa dạng các ngành (công nghiệp nặng, công nghiệp tạo giá trị tăng cao, công nghiệp hỗ trợ, các ngành nghề đầu tư xây dựng, khai thác cảng, dịch vụ logistics…) tạo thành cụm liên kết ngành trong khu công nghiệp. Đồng thời, kết hợp với các khu công nghiệp khác (hiện hữu và định hướng quy hoạch) tạo thành cụm liên kết ngành công nghiệp trong thành phố Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Quy mô lao động dự kiến khoảng 25.000 – 32.000 lao động. Dự kiến bố trí đa dạng các ngành nghề với các loại hình hậu cần cảng biển, cảng cạn, kho tàng bến bãi.

Mục tiêu là cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng về việc xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ-TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể hóa định hướng của Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Hình thành khu công nghiệp mới với hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu hạ tầng của nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp, đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài khu công nghiệp, đảm bảo tối đa hiệu quả kinh tế trong đầu tư xây dựng, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội cho thành phố Cần Thơ.

Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (Giai đoạn 2) được phê duyệt sẽ là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng, lập quy hoạch chi tiết xây dựng (nếu có), triển khai các dự án đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

Theo đó có các khu chức năng: Khu sản xuất công nghiệp kho bãi các lô đất được bố trí linh hoạt với quy mô diện tích trung bình khoảng 3ha phù hợp loại hình, tính chất và đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư, các lô đất có thể cộng gộp hoặc phân chia tùy theo nhu cầu của nhà đầu tư. Khu hậu cần công nghiệp, logistics: Bố trí các công trình nhà xưởng có chức năng giao nhận hàng, đóng gói bao bì, làm thủ tục hải quan, vận chuyển, lưu kho, làm giấy tờ, ghi mã ký hiệu…

Khu hành chính – thương mại – dịch vụ: Bố trí khu công trình dịch vụ tại 4 khu vực điểm đầu vào của khu công nghiệp và trục đường Vành đai phía Tây, phục vụ nhu cầu của người lao động trong khu công nghiệp. Các công trình dịch vụ này sẽ là công trình điểm nhấn kiến trúc có tính chất cửa ngõ của khu công nghiệp. Các chức năng bố trí trong khu này bao gồm: Văn phòng điều hành khu công nghiệp, phòng họp, nhà hàng, cửa hàng, chi nhánh ngân hàng, bưu điện, trạm y tế…

Khu dịch vụ tiện ích – cơ sở lưu trú: Xây dựng các công trình phục vụ chuyên gia, người lao động được phép tạm trú, lưu trú làm việc trong khu công nghiệp. Bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật tại vị trí hợp lý, có hiệu quả kinh tế trong quy hoạch xây dựng. Khu cây xanh, mặt nước: Bố trí dải cây xanh cách ly giữa khu công nghiệp với các khu dân cư hiện trạng và khu dân cư đã có quy hoạch, theo đúng định hướng của quy hoạch chung và quy định hiện hành về dải cây xanh cách ly trong khu công nghiệp; Bố trí cây đất cây xanh dọc theo kênh, rạch có chức năng lưu thông thủy, cấp nước cho nông nghiệp các khu lân cận, vừa làm nơi nghỉ ngơi thư giãn cho người lao động trong khu công nghiệp.

Đất dự án khu công nghiệp 540,58ha, trong đó: Đất sản xuất công nghiệp, kho bãi 320,49ha, chiếm 59,2%; Đất hậu cần công nghiệp, logistics 25,80ha, chiếm 4,77%; Đất hành chính – thương mại – dịch vụ – cơ sở lưu trú 38,35ha, chiếm 7,09%; Đất hành chính – thương mại – dịch vụ 19,55ha; Đất cây xanh 54,46ha… Đất ngoài dự án khu công nghiệp 19,28ha, đường huyện 47 (nâng cấp theo quy hoạch thành đường Vành đai phía Tây).

Các lô đất quy hoạch sản xuất, kho bãi công nghiệp trong khu công nghiệp sẽ xác định cụ thể các chỉ tiêu sử dụng đất (mật độ xây dựng, chiều cao xây dựng, khoảng lùi và tỷ lệ các loại đất) đảm bảo quy định tại QCXDVN 01:2021/BXD và đảm bảo yêu cầu về khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường đối với khu vực lân cận.

Định hướng phát triển không gian và kiến trúc cảnh quan: Hình thành không gian, cảnh quan công nghiệp hiện đại xứng tầm với vai trò và vị thế là một trong những khu công nghiệp quan trọng của thành phố Cần Thơ, không gian khu công nghiệp nhiều cây xanh, mặt nước, tạo cảnh quan thoáng mát, tạo dựng môi trường làm việc và nghỉ ngơi tốt cho người lao động.

Cần Thơ: Quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) gần 560ha
Phối cảnh tổng thể Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh – VSIP.

Bố trí các công trình hành chính – thương mại – dịch vụ với quy mô phù hợp quy định hiện hành, nằm trên hai tuyến giao thông chính là đường Vành đai phía Tây và đường D2 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, đồng thời tạo bộ mặt cho khu công nghiệp.

Bố trí các công trình hậu cần công nghiệp, logistics tại khu vực cửa ngõ của khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hậu cần và vận chuyển hàng hóa ra vào khu công nghiệp. Bố trí các công trình dịch vụ tiện ích – cơ sở lưu trú cung cấp các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi có vị trí tại các tuyến giao thông chính và khu vực cửa ngõ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và tiếp cận cho người lao động và chuyên gia làm việc tại đây.

Bố trí quỹ đất cây xanh theo tuyến dựa trên hình thái của mạng lưới kênh rạch hiện hữu từ đó hình thành nên hệ thống mảng xanh gắn kết trong toàn khu, góp phần hình thành nên các không gian thư giãn, điều hòa không khí và giảm tiếng ồn giao thông từ các trục đường trong khu công nghiệp. Bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật tại vị trí hợp lý, có hiệu quả kinh tế trong quy hoạch xây dựng…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích