Cần Thơ: Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, tạo chuyển biến về năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Mục tiêu của kế hoạch nhằm tuyên truyền về mô hình năng suất chất lượng để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, nhân rộng điển hình tạo sự chuyển biến về năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng; công cụ cải tiến năng suất chất lượng…; đào tạo nguồn nhân lực cho các sở, ngành thành phố, các doanh nghiệp về lĩnh vực năng suất chất lượng góp phần nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Về nội dung, thứ nhất, hoạt động thông tin, tuyên truyền: tuyên truyền đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố về Chương trình NSCL bằng văn bản, gửi qua hộp thư điện tử, đăng tải trên trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ…; phát hành tờ rơi nhằm tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố tham gia Chương trình NSCL; thực hiện phóng sự về chương trình NSCL trên đài phát thanh và truyền hình thành phố Cần Thơ.
Ảnh minh họa.
Thứ hai, hoạt động hỗ trợ đối tượng là các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ Chương trình 1322 trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Nội dung hỗ trợ: hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng phổ biến (ISO 9001, ISO 14000, ISO 22000, ISO 50001, ISO/IEC 17025, BRC, GMP, HACCP, HALAL, 5S, Kaizen,…), đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù của ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố; hỗ trợ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.
Số lượng doanh nghiệp hỗ trợ dự kiến khoảng 10-20 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố xây dựng và áp dụng (tư vấn, chứng nhận) các hệ thống quản lý chất lượng/công cụ cải tiến.
Thứ ba, hoạt động đào tạo: tổ chức, phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và người lao động; tham gia các khóa đào tạo chuyên gia NSCL nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tham gia Chương trình NSCL.
Về tổ chức thực hiện, Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì giúp Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch này với các nhiệm vụ cụ thể như sau: Tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ về hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình NSCL năm 2023; Triển khai, xét chọn doanh nghiệp hỗ trợ theo Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn tuyển chọn, xét giao trực tiếp và ký Hợp đồng với doanh nghiệp được xét giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Ban hành các biểu mẫu phù hợp để triển khai hiệu quả Chương trình NSCL năm 2023.
Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tuyên truyền sâu rộng đến tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn thành phố về Chương trình NSCL; Giao Sở Tài chính phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, triển khai sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ được giao năm 2023 theo quy định; Các Sở, ngành thành phố có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tuyên truyền và triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch này.
An Hạ