Cần thiết xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng

(Xây dựng) – Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Cần thiết xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng
Tìm kiếm, phát hiện người có tài năng trong nhóm học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, có tố chất, năng khiếu nổi trội từ các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Thu hút và trọng dụng người có tài năng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được khẳng định và thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, đặc biệt từ những năm đầu đổi mới cho đến nay, trong đó phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng đúng và đãi ngộ xứng đáng các tài năng là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng về thu hút, trọng dụng nhân tài, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đều đề cập đến nhân tài với cách thể hiện là “người có tài năng” trong hoạt động công vụ và trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ: “Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng; Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ” (Điều 6 Luật Cán bộ, công chức) và “Thực hiện… các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với viên chức là người có tài năng” (khoản 4 Điều 6 Luật Viên chức), “Nhà nước có chính sách… phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân” (khoản 4 Điều 10 Luật Viên chức).

Căn cứ quy định của luật, Chính phủ đã ban hành các Nghị định để cụ thể hóa một số nội dung chính sách về nhân tài và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế thừa thành tựu của công cuộc Đổi mới từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986), đến nay Việt Nam đã không ngừng nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu do dịch bệnh COVID-19 để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Trong khi đó, những yêu cầu, đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển kinh tế tri thức, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) đòi hỏi nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh của quốc gia. Trong bối cảnh đó, một trong những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cần không ngừng phát huy nhân tố con người mà trước hết là đội ngũ nhân tài để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo những đột phá trong tiến trình xây dựng đất nước, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam cần có sự chuyển mình mạnh mẽ để trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Từ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập là cần thiết và cấp bách.

Dự thảo Nghị định nêu rõ, tìm kiếm, phát hiện người có tài năng trong các ngành, lĩnh vực và theo các nhóm sau:

a) Học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, có tố chất, năng khiếu nổi trội từ các cơ sở giáo dục, đào tạo.

b) Người có học vị, học hàm giáo sư, phó giáo sư, thạc sỹ, tiến sỹ, có các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao vào đời sống thực tiễn.

c) Người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước.

d) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập có năng lực nổi trội, luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, công vụ.

Các trường hợp quy định tại điểm a, b và điểm c nêu trên sau khi được tuyển dụng vào làm công chức, viên chức và các trường hợp quy định tại điểm d nêu trên sau khi được tiến cử, giới thiệu được đưa vào diện theo dõi, bồi dưỡng để tạo nguồn người có tài năng.

Cấp ủy Đảng, cán bộ, công chức, viên chức ở các vị trí lãnh đạo, quản lý, các tổ chức chính trị – xã hội có trách nhiệm phát hiện, tiến cử, giới thiệu những người có phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, tiêu chí người có tài năng để tuyển dụng và tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức có tài năng. Tổ chức, cá nhân tiến cử, giới thiệu phải chịu trách nhiệm về việc tiến cử, giới thiệu của mình.

Người có tài năng được phân thành các nhóm sau:

1- Nhóm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, gồm: Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; công chức, viên chức, người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

2. Nhóm đối tượng được thu hút quy định tại điểm a, b và điểm c nêu trên.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích