Cần thiết phải xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi)

Cần thiết phải xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi)

Khánh Dung –  Thứ sáu, 23/09/2022 08:36 (GMT+7)

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi).

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Luật Việc làm số 38/2013/QH13 đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 16/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật Việc làm đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế.

Theo đó, một trong những nội dung quản lý nhà nước về việc làm là “quản lý lao động”. Tuy nhiên, nội dung này không được đề cập trong phạm vi điều chỉnh và quy định cụ thể tại các Chương trong Luật Việc làm. Đồng thời, thực tế, hầu như chưa quản lý được toàn bộ lực lượng lao động, nhất là nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động.

Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm chủ yếu thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội, chưa quy định cụ thể nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội, thúc đẩy cho vay giải quyết việc làm. Các quy định cho vay giải quyết việc làm cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế về Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn, đối tượng và điều kiện vay không còn phù hợp với thực tiễn.

Thiếu quy định khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo và tuyển dụng lao động nông thôn đã qua đào tạo, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm, nhất là việc làm tại chỗ cho lao động ở khu vực nông thôn.

Đối tượng được nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ tập trung 05 nhóm đối tượng chính sách trong khi một số đối tượng khác cũng cần được nghiên cứu, xem xét, bổ sung.  Đồng thời, chưa có quy định khung nhằm tạo cơ hội tiếp cận chính sách tín dụng, học nghề cho mọi lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.

Bất cập hiện nay là chưa có quy định về chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi; chính sách thúc đẩy chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức. Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ thanh niên cần được nghiên cứu, bổ sung như vấn đề làm thêm của học sinh, sinh viên.

Các quy định về hỗ trợ phát triển thị trường lao động về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu; chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể tham gia thị trường lao động cho các đối tượng yếu thế, đặc thù.

Một bất cập nữa là vấn đề bảo hiểm thất nghiệp, tại Luật Việc làm hiện hành, đối tượng tham gia chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động; một số quy định về tham gia bảo hiểm thất nghiệp cần được sửa đổi, bổ sung.

Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp; quy định điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề khá chặt chẽ; chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học, chưa chú trọng đào tạo, phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề…

Từ những bất cập nêu trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, cần thiết phải xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến đề xuất xây dựng 4 nhóm chính sách: Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

Trong đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng người lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng quy định bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động, người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đảm bảo phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Sửa đổi, bổ sung quy định người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích