Cần thành lập các khu bảo tồn rừng mang tính chiến lược
Cần thành lập các khu bảo tồn rừng mang tính chiến lược
Các nhà sinh thái học cho biết cần phải thành lập các khu bảo tồn rừng mang tính chiến lược để giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.
Trong bài báo mới công bố trên Communications Earth & Environment, nhóm nghiên cứu dẫn đầu là nhà sinh thái học Bev Law thuộc Đại học Tiểu bang Oregon và các đồng nghiệp đã phân tích trường hợp cụ thể ở Mỹ và đưa ra một khung hướng dẫn để thành lập các khu bảo tồn rừng mang tính chiến lược. Đây là gải pháp hiệu quả giúp giải quyết cả hai vấn đề cấp bách là biến đổi khí hậu và sự đa dạng sinh học, đồng thời thúc đẩy việc bảo vệ tài nguyên nước.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành kiểm kê đối với các vùng đất bảo tồn ở 11 bang: Washington, Oregon, Idaho, California, Nevada, Arizona, New Mexico, Utah, Colorado, Wyoming và Montana.
Sau khi phân tích, các nhà khoa học phát hiện ra: 8% trong tổng diện tích đất của khu vực nghiên cứu được bảo vệ theo mức bảo tồn vĩnh viễn như các khu vực hoang dã và công viên quốc gia, nơi các biến động tự nhiên như hỏa hoạn có thể xảy ra mà không bị can thiệp (GAP 1). 5% diện tích khác là các khu vực mà các hoạt động hoặc việc sử dụng đất làm suy giảm chất lượng của các cộng đồng tự nhiên, chẳng hạn như xây dựng đường, hoặc các biện pháp ngăn chặn các biến động tự nhiên được cho phép áp dụng. (được bảo vệ ở mức GAP 2).
Các khu vực bảo tồn vĩnh viễn tương đương với các khu vực hoang dã chiếm trung bình 14% diện tích rừng ở các bang được nghiên cứu. Theo Law, việc bảo vệ rừng ở mức độ tương đương với các vùng hoang dã là biện pháp tốt nhất cho đa dạng sinh học, do đó ở trên toàn khu vực, vùng bảo tồn ở cấp độ này sẽ cần tăng 16% để đạt được mục tiêu bảo vệ diện tích rừng vào năm 2030, và 36% để đạt được mục tiêu năm 2050.
Để bảo vệ 30% diện tích rừng ở miền Tây vào năm 2030, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một khung phân tích có khả năng áp dụng ở nhiều khu vực khác nhau, nhằm xác định các khu vực có thể đóng vai trò là khu bảo tồn khí hậu chiến lược. Khung phân tích này giúp xếp hạng các ưu tiên bảo tồn thông qua việc sử dụng các thước đo không gian về đa dạng sinh học, trữ lượng và khả năng tích lũy carbon dưới tác động của biến đổi khí hậu và khả năng xảy ra hạn hán hoặc cháy rừng. Theo Law, nhiều vùng đất rừng của liên bang có thể được bảo vệ theo mức GAP 2 đơn giản bằng cách loại bỏ dần việc chăn thả, khai thác, đồng thời tăng các quy định hành chính.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu và sự đa dạng sinh học có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, do đó việc thiết lập các khu bảo tồn rừng mang tính chiến lược là điều cần thiết. Nhiều quốc gia đã cam kết đáp ứng các mục tiêu 30×30 (bảo vệ 30% diện tích đất và nước trên toàn cầu vào năm 2030) và 50×50 (bảo vệ 50% vào năm 2050), trong đó việc đạt được mục tiêu 50×50 là điều cần thiết để đảm bảo sự đa dạng sinh học của Trái đất.
Việc thành lập các khu bảo tồn rừng mang tính chiến lược là một biện pháp có chi phí thấp để đồng thời đáp ứng các mục giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị