Cẩn thận hơn với tội phạm trên nền tảng số

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Những tháng cuối năm, nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch tăng lên rất nhiều cho dịp lễ Tết. Nhắm vào tâm lý này, nhiều đối tượng sử dụng các chiêu trò nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền như: Mạo danh thương hiệu, quảng cáo tour giá rẻ không có thật…Đặc biệt trên nền tảng trực tuyến, các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Mặc dù liên tục được các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cảnh báo, nhưng số lượng nạn nhân “sập bẫy” lừa đảo vẫn không ít.

Cẩn thận hơn với tội phạm trên nền tảng số
Đại uý Lý Ngọc Tuấn Công an phường Bồ Đề (quận Long Biên) tư vấn cho người dân biết thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu.

Chị Trần Linh Nhi, ở quận Thanh Xuân, chuyên bán hàng trực tuyến chia sẻ, vào các tháng cuối năm, trên nhiều diễn đàn mua bán xuất hiện những dấu hiệu lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng việc cạnh tranh, đưa ra nguồn hàng với mức giá ưu đãi nhất để nạn nhân dễ sập bẫy. Chị Nhi cho biết, bản thân đã bị lừa số tiền hơn 20 triệu đồng khi tham gia là thành viên nhóm “bán buôn hàng Quảng Châu” trên mạng xã hội. Ban đầu khi tham gia vào nhóm, chị Nhi đã được một thành viên giới thiệu nguồn hàng với mức giá ưu đãi nhất. Theo nguyên tắc phải đặt cọc tiền, chị vui vẻ làm theo, nhưng sau đó hoàn toàn không liên lạc được với phía bạn hàng, rồi chị bị mất quyền là thành viên nhóm.

Hình thức lừa đảo mới xuất hiện đã được cơ quan chức năng cảnh báo gần đây, đó là tội phạm sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người bị giả mạo) để tạo lòng tin với nạn nhân. Với thủ đoạn này, tội phạm sẽ làm giả hoặc chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức. Nhóm lừa đảo có thể sử dụng công nghệ Deepfake và thực hiện cuộc gọi video để nạn nhân tưởng rằng đang nói chuyện với người thân của mình và nhu cầu vay tiền là có thật, từ đó chuyển tiền cho các đối tượng.

Người dân phải đề cao cảnh giác

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến quý III/2023, lực lượng Cảnh sát hình sự đã điều tra làm rõ 132 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình điều tra, lực lượng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ 165 đối tượng liên quan và làm rõ thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra gần 14 tỷ đồng. Hoạt động tội phạm lừa đảo rất tinh vi, đa dạng. Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm lừa đảo vào dịp cuối năm, song song triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, Công an Thành phố khuyến cáo mỗi người dân cần tự bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình. Trên thực tế, cơ quan Công an hay các cơ quan Nhà nước khác không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để bảo lãnh, xác minh hay gửi các lệnh, quyết định, giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng qua điện thoại và mạng internet. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc…

Trung tá Nguyễn Duy Định -Trưởng Công an phường Phương Mai, quận Đống Đa, cho biết, để ngăn chặn tội phạm lừa đảo, nhất là vào dịp cuối năm, đơn vị đã phân công cán bộ, chiến sĩ đến từng gia đình trên địa bàn tuyên truyền, dán áp phích cảnh báo. Công an phường cũng gửi thông báo đến các chi nhánh ngân hàng, trường học, trụ sở cơ quan, tiệm vàng… tuyên truyền về thủ đoạn của các đối tượng phạm tội cũng như một số biện pháp phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Tuyên truyền đối với từng nhân viên bảo vệ tại các chi nhánh ngân hàng, tiệm vàng, trường học, trụ sở cơ quan Nhà nước để nâng cao cảnh giác, có ý thức liên hệ ngay với Công an phường khi có các dấu hiệu bất thường, phòng ngừa xảy ra các vụ trọng án…

Trung tá Nguyễn Duy Định cũng đưa ra lời khuyên cho người dân nhằm tránh bị lợi dụng, lừa đảo bởi tội phạm công nghệ cao trong dịp cận Tết: “Người dân cần cân nhắc kĩ khi cung cấp thông tin vào các trang mạng: Nhìn, kiểm tra địa chỉ website đúng chuẩn, khi chat thì nhìn đúng tên người dùng và không gửi thông tin cá nhân cho những người lạ. Khi chuyển tiền thì chú ý cần xác minh qua nhiều kênh (ví dụ như khi chat Zalo nhận được đề nghị chuyển tiền thì xác minh thêm qua kênh gọi điện trực tiếp).Trong trường hợp bị lừa đảo, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường phải có ý thức tự bảo vệ như thực hiện đổi mật khẩu tài khoản, thông báo cho bạn bè, người thân biết việc tài khoản riêng của mình có thể bị xâm nhập trái phép để tránh bị lừa đảo; nhanh chóng đến cơ quan công an gần nhất để trình báo trong trường hợp bị chiếm đoạt tài sản.

Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích