Cần “thẩm thấu” chính sách cho liên kết vùng

Chính sách liên kết vùng cần “thẩm thấu”

Từ năm 2022, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng. Mỗi vùng đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức riêng nên các Nghị quyết của Bộ Chính trị cho rằng, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước cũng cần phải có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, phù hợp với từng vùng.

Máy nông nghiệp Tập đoàn Lộc Trời tặng các HTX ở huyện Thoại Sơn. Ảnh Trọng Triết

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu đẩy mạnh triển khai các Nghị quyết phát triển vùng, hoạt động của Hội đồng điều phối vùng… Trước đó, ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký các quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Nguyên. 4 Hội đồng điều phối vùng được thành lập nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng – an ninh.

Có thể thấy, cơ chế, chính sách cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước trong liên kết đã cơ bản đầy đủ. Các doanh nghiệp mong muốn chính sách được “thẩm thấu” nhanh, hiệu quả hơn, giúp liên kết trong sản xuất, kinh doanh của các địa phương nói riêng, kinh tế cả nước nói chung phát triển lớn mạnh hơn, các doanh nghiệp phát huy tốt hơn vai trò, tiềm năng của mình cho quá trình phục hồi và phát triển.

Liên kết mang đến những cơ hội kinh tế

Việt Nam là nước nông nghiệp, hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn và canh tác nông nghiệp. Cho nên, trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt. Tuy vậy, thách thức lớn hiện nay là việc liên kết kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn khá lỏng lẻo, chuỗi giá trị kém hiệu quả và thiếu hành động tập thể.

Điều này khẳng định hơn nữa vai trò thực chất của liên kết kinh tế trong ngành nông nghiệp. Trong đó, vai trò của liên kết chặt chẽ giữa sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản là cực kỳ cần thiết nhằm giúp nông dân thấy được sự cần thiết và tự nguyện hợp tác với nhau. Bản thân các doanh nghiệp cũng muốn ký hợp đồng với nông dân thông qua các tổ chức hợp tác để giảm thiểu chi phí quản lý. Từ đó hình thành các tổ chức hợp tác mới (tổ hợp tác, HTX), liên doanh, liên kết góp vốn cổ phần của nông dân trong các doanh nghiệp.

Việc liên kết nông dân với người kinh doanh, chế biến, buôn bán dọc theo chuỗi giá trị sẽ mang đến cơ hội kinh tế quan trọng cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp, giúp nhiều gia đình nghèo thoát nghèo nhờ duy trì được sản xuất bền vững. Do đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nhận thức về hiệu quả của liên kết kinh tế, từ đó chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thiết lập các mối liên kết phù hợp ở nhiều lĩnh vực khác nhau như liên kết về thị trường, liên kết trong chuỗi giá trị của nông sản…

Để liên kết vùng là động lực

Các cơ quan quản lý cần giải quyết được các thách thức, điểm nghẽn về hợp tác và liên kết vùng ở các địa phương. Đó là về quy hoạch, tính đồng nhất của các địa phương. Cùng với đó là tạo kênh thông tin thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương trong vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, huy động đa dạng các nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động, dự án liên kết vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội vùng bền vững.

Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng các cơ sở dữ liệu chung, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các tỉnh ở vùng, yêu cầu về quy mô, quy trình, tiêu chuẩn chất lượng hướng đến giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm. Một khi có cơ sở dữ liệu chung thì sẽ rất thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng, hướng đến giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm. Chẳng hạn có những mặt hàng đang hút hàng hay giá cả tăng vọt, trên cơ sở dữ liệu này, chỉ cần tra thông tin thì sẽ nắm được mặt hàng này ở địa phương nào, vùng nào đang dư thừa để điều phối cung ứng kịp thời, tránh nguy cơ thiếu hay đứt gãy chuỗi nguyên liệu sản xuất.

Các địa phương trong những vùng có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp cần hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, giống chất lượng cao vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đặc biệt là xây dựng các sản phẩm chủ lực của vùng với mục tiêu cung cấp cho các địa phương trong cả nước và phục vụ cho hoạt động xuất khẩu bên cạnh việc cung cấp cho từng thị trường trực thuộc kinh tế vùng.

Dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái. Ảnh Trọng Triết

Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung – cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh hướng đến ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung về sản phẩm, hạn chế tổn thất cho người nông dân; nâng cao giá trị sản phẩm. Các cơ quan quản lý cũng cần duy trì, đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương, đồng thời kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối của các tỉnh, thành phố với nhau. Hơn nữa, để cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy liên kết kinh tế vùng một cách thực chất và hiệu quả, các cơ quan cần nghiên cứu ban hành văn bản pháp luật ở cấp luật hoặc sửa đổi một số văn bản pháp luật có tính pháp lý cao./.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích