Cần tăng mức xử phạt hành vi che biển số xe
Nhiều mánh khóe qua mặt cơ quan chức năng
Vài năm trở lại đây, khi lực lượng chức năng triển khai áp dụng hình thức phạt nguội đối với các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhiều tài xế, chủ xe đã nghĩ ra đủ chiêu trò để đối phó với camera ghi hình phạt nguội. Có thể liệt kê ra một số “mánh khóe” của tài xế tránh phạt nguội như: Dùng băng dính đen có màu trùng với phần chữ đen của biển số, cắt cúp gọn gàng sao cho khi dán vào biển số nếu không để ý kỹ khó mà phát hiện được (việc che chữ số trên biển đăng ký hay được thực hiện với số 3, số 8 và chữ F biến thành E). Thậm chí nhiều người còn dùng băng dính dán vào biển số che kín một con số…
Cảnh sát giao thông phát hiện nhiều trường hợp phương tiện vi phạm trật tự giao thôngqua hệ thống camera giám sát tự động. |
Phòng Cảnh sát giao thông- Công an thành phố Hà Nội cho biết, trên tuyến đường Giải Phóng (đoạn trước cổng Bệnh viện Bạch Mai), từ trước tới nay luôn là điểm “nóng” về trật tự an toàn giao thông vì tình trạng xe taxi đỗ dừng, đón trả khách, gây lộn xộn. Sau khi khu vực trên được lắp biển báo cấm các phương tiện đỗ dừng, đồng thời có camera giám sát phạt nguội, tài xế taxi đã tìm cách đối phó. Trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện có người còn dùng một chiếc kẹp, dụng cụ văn phòng rồi lấy một tờ giấy kẹp vào biển số để che đi một phần biển số của mình. Tinh vi hơn, tài xế còn dùng một sợi dây cước gắn với cần gạt nước kính sau của xe, khi thấy Cảnh sát giao thông lái xe sẽ bật cần gạt nước giật tấm bài che biển số xe.
Nghị định 123/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng khi: Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).Người điều khiển xe máy không có biển số, biển không rõ chữ số; che biển, dán thêm làm thay đổi chữ hoặc màu sắc của chữ số được đề xuất mức phạt từ 1 – 2 triệu đồng. |
Theo Trung tá Vũ Văn Ngoại – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội), có hiện tượng tài xế taxi tự cạo lớp phản quang trên biển kiểm soát để không bị camera phát hiện vào ban đêm nếu vi phạm. Đặc điểm dễ nhận thấy, sau khi bóc lớp phản quang, biển kiểm soát sẽ bị lóa khi có đèn chiếu vào, không thể nhận diện. Ngoài ra, việc dùng khẩu trang, dán đề can che biển số xe máy cũng khá phổ biến đối với nhiều lái xe hành nghề xe ôm. Có trường hợp taxi, xe ôm gây tai nạn nhưng biển kiểm soát bị che, khiến cho việc điều tra, xử lý của lực lượng chức năng gặp khó khăn.
Anh Nguyễn Đình Khắc (quận Hà Đông) cho biết, tôi thấy thật buồn cho một thế hệ tài xế có tiền mua ôtô để tham gia giao thông vô ý thức, vi phạm luật giao thông, nhưng lại không đủ dũng cảm nộp tiền phạt. Trước đây, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi che lấp một phần hoặc toàn bộ biển số ô tô khi bị phát hiện xử lý, xe che biển số chỉ bị phạt cao nhất là 1 triệu, trong khi những hành vi khác như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, đi vào đường cấm có thể bị phạt đến hơn 10 triệu đồng, có thể là nguyên nhân chính khiến lái xe che biển số, trốn tránh vi phạm.
Tăng nặng mức xử phạt
Trung tá Phạm Đức Hoàng – Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1, cho biết, bất kỳ vì lý do gì, việc che và thay đổi biển kiểm soát vừa vi phạm pháp luật, vừa là kẽ hở cho tội phạm cướp giật lợi dụng nên cần xử lý nghiêm. Ngoài việc xử phạt theo luật định, Đội Cảnh sát giao thông số 1 cũng tuyên truyền và khuyến cáo người dân phải bảo đảm về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông, đặc biệt là về biển kiểm soát.
Theo Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông – Công an thành phố Hà Nội, Phòng thường xuyên bố trí các tổ tuần tra, xây dựng những chuyên đề riêng về xử lý phương tiện che biển kiểm soát, nhất là tại khu vực nội đô. Việc phương tiện tham gia giao thông không gắn biển số hoặc biển số bị che lấp, che mờ sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi truy tìm, điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông hoặc xử phạt nguội. Đây là hành vi cần phải lên án và ngăn chặn ngay.
Cảnh sát giao thông phát hiện một trường hợp che biển kiểm soát. |
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Hải Long (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, việc các đối tượng sử dụng biển số giả, biển bị tẩy xóa, che biển, biển kiểm soát không do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp, không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường về an ninh, trật tự. Theo luật sư Long, Nghị định 123/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó quy định việc tăng nặng mức xử phạt với hành vi che biển số, làm mờ biển số khi tham gia giao thông lên gấp 6 lần so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP trước kia sẽ có sức răn đe đối với một số lái xe cố tình vi phạm để trốn tránh phạt nguội. Ngoài ra, điều này cũng giúp lực lượng chức năng dễ dàng khi truy vết những vụ tai nạn giao thông hay những lỗi vi phạm khác./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô