Cần tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trên toàn quốc
(Xây dựng) – Thời gian vừa qua liên tiếp xảy các vụ ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, Công an khuyến cáo người dân đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC. |
Theo thống kê, năm 2023 toàn quốc xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, thiệt hại về tài sản sơ bộ ước tính khoảng 878 tỷ đồng và 236ha rừng. So sánh với năm 2022, số vụ cháy tăng 206 vụ (tăng 6,3%), thiệt hại về tài sản tăng 244 tỷ đồng (tăng 38,4%). Trong đó, địa bàn thành thị xảy ra 2.105 vụ (chiếm 61,2%), nông thôn xảy ra 1.335 vụ (chiếm 38,8%). Số vụ cháy nhà dân vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.016 vụ cháy (chiếm 29,5%); các loại hình khác đều chiếm dưới 10%.
Trong số 2.294/3.440 vụ (chiếm 66,7%) đã điều tra làm rõ nguyên nhân có 1.345 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 58,6%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 340 vụ (chiếm 14,8%); các nguyên nhân khác đều chiếm dưới 10%.
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an các địa phương đã xuất 11.383 lượt phương tiện và 65.198 lượt cán bộ chiến sỹ tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ 2.096/3.456 vụ cháy, nổ. Tổ chức hướng dẫn thoát nạn và trực tiếp cứu được 593 người; tìm kiếm được 157 thi thể nạn nhân trong các vụ cháy, nổ; bảo vệ tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng và cứu được tài sản trị giá khoảng 353 tỷ đồng trong các vụ cháy. Lực lượng tại chỗ và nhân dân tổ chức dập tắt 1.360/3.456 vụ cháy, nổ.
Đặc biệt, chỉ hơn nửa tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy, sự cố gây cháy. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ cháy vào ngày 15/1 tại ngôi nhà số 4 Hàng Lược (Hà Nội) làm 4 người thương vong. Tối ngày 19/1, vụ hỏa hoạn xảy ra tại tầng 3 ngôi nhà 3 tầng trên đường Định Công Hạ (Hà Nội), ngọn lửa bùng lên dữ dội thiêu rụi nhiều tài sản. Ngày 18/1, đã xảy ra cháy tại khu đất để ô tô nằm trong ngõ 509 phố Vũ Tông Phan (Hà Nội). Và gần đây nhất là vụ cháy xảy ra vào ngày 20/1 tại chùa Phật Quang (tỉnh Hà Nam) khiến nhiều nội thất của khu vực giảng đường bị thiêu rụi. Cùng ngày, cũng xảy ra vụ cháy xưởng sản xuất nệm mút rộng hơn 2.000m2 ở tỉnh Bình Dương…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 01, Công điện số 220, Công điện số 825 và đã đạt được một số kết quả nhất định, qua đó đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý, tổ chức và người dân đối với công tác PCCC và CNCH.
Đặc biệt sau khi Công điện số 825/CĐ-TTg ban hành, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tổng rà soát, kiểm tra đối với 100% các cơ sở nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện tại Công an 08 địa phương (Long An, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nam Định, Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước); kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh, hướng dẫn, chỉ đạo Công an các địa phương khắc phục tồn tại, hạn chế và tiếp tục triển khai hiệu quả.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), nguyên nhân của tình trạng trên là do tại nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn, các hộ gia đình tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mà chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý của Nhà nước; một số chủ đầu tư vẫn không chấp hành những quy định về PCCC, còn nhiều công trình chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng. Ý thức trách nhiệm của một bộ phận quần chúng nhân dân đối với công tác PCCC chưa cao, chưa nhận thức được tầm quan trọng của an toàn PCCC, còn chủ quan, lơ là trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, đặc biệt là thiết bị điện trong sinh hoạt; cá biệt có những trường hợp cố ý vi phạm gây mất an toàn về PCCC.
Một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý, nhất là quản lý đối với hoạt động xây dựng dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn có mật độ xây dựng cao. Nhiều loại hình nhà ở riêng lẻ bị người dân tự ý chuyển đổi công năng thành nhà ở nhiều căn hộ, nhà trọ với mật độ người ở cao, nhà kết hợp sản xuất kinh doanh… Các loại hình “biến tướng” này chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý, do không được xem xét, cấp phép thiết kế các điều kiện an toàn trước khi đưa vào sử dụng, gây nguy cơ mất an toàn rất cao. Nhiều công trình cố tình cho người dân vào ở khi chưa bảo đảm an toàn dẫn đến khó áp dụng các biện pháp xử lý, cưỡng chế do ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân.
Hà Nội tăng cường các biện pháp PCCC
Hà Nội là địa bàn có gần 10 triệu dân sinh sống với nhiều ngõ nhỏ, chung cư, cơ sở sản xuất nguy cơ cháy nổ cao, trong khi phương tiện chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Hà Nội triển khai mạnh mẽ công tác PCCC cho các khu dân cư. |
Quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 20/9/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong tình hình mới”, các quận, huyện đã triển khai mạnh mẽ công tác PCCC cho các khu dân cư. Tổ chức các buổi tập huấn tuyên truyền kỹ năng, kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, kỹ năng thoát nạn cho các hộ dân có nhà cho thuê trọ, hộ gia đình ở kết hợp kinh doanh dịch vụ, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở giáo dục mầm non, trung tâm tổ chức sự kiện trên địa bàn… Tổ chức diễn tập chữa cháy cho nhiều đối tượng, mua sắm trang thiết bị chữa cháy cho toàn bộ các tổ dân phố trên địa bàn, đảm bảo điều kiện chữa cháy “4 tại chỗ”.
Ngoài tuyên truyền, các quận cũng đã tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp thành phố tại các nhà ở riêng lẻ nhiều tầng trong ngõ sâu để các lực lượng, người dân có điều kiện tác chiến sát thật hơn. Qua đó đánh giá lại sự phối hợp giữa lực lượng chuyên nghiệp với Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy cơ sở trong tận dụng “thời điểm vàng” chữa cháy với tinh thần cứu người dân bằng mọi giá.
Đặc biệt, trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có gần 1.580 nhà chung cư cũ, chủ yếu được xây dựng từ trước năm 1994, nằm ở các quận nội thành. Nhà chung cư cũ ở Hà Nội có chung đặc điểm cao từ 2-6 tầng, kết cấu tường gạch chịu lực, bê tông lắp ghép hoặc khung bê tông cốt thép chịu lực. Sau vài chục năm sử dụng, nhiều chung cư cũ đã xuống cấp, thậm chí có chung cư được xếp vào loại nguy hiểm.
Theo đánh giá của Cảnh sát PCCC Hà Nội, các chung cư cũ đa số không đảm bảo yêu cầu về PCCC, đặc điểm chung của loại nhà ở này đều đã cũ, không được thiết kế và lắp đặt hệ thống PCCC, không có đủ các trang thiết bị về PCCC. Rất nhiều nhà nằm trong những con ngõ nhỏ, kết cấu hạ tầng xuống cấp, đường giao thông không thuận lợi khi có sự cố xảy ra, nhất là nhà tập thể ở phố cổ. Hầu hết các khu chung cư, nhà tập thể này không có ban quản lý nên việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn PCCC không được chú ý coi trọng.
Đặc biệt, tại các khu nhà chung cư cũ hiện nay không xây dựng các bể nguồn để phục vụ chữa cháy hoặc có nhưng các bể hỏng không chứa nước. Vì thế, nếu có cũng không đáp ứng cho việc chữa cháy bởi các trụ nước chữa cháy đô thị cách xa hàng trăm mét.
Ngoài ra, đa số những chung cư cũ, nhà tập thể có diện tích nhỏ nhưng đều xảy ra tình trạng người dân cơi nới thêm “chuồng cọp” để có thêm diện tích sinh hoạt. Khu vực này được nhiều người tận dụng làm ban công, kho chất chứa đồ đạc, nơi phơi quần áo… khiến lối thoát nạn của nhiều người bị bịt kín gây khó khăn tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn từ bên ngoài…
Trước thực trạng trên, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Cảnh sát PCCC thành phố tuyên truyền, tập huấn 100% hộ gia đình về PCCC, vận động hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thông thường; tuyên truyền, vận động đến 100% hộ gia đình chưa có “lối thoát nạn thứ 2” mở “lối thoát nạn thứ 2” để đảm bảo an toàn cho các hộ dân. Vận động các hộ gia đình tháo bỏ, cắt các “chuồng cọp”, tạo lối thoát nạn trong trường hợp phát sinh mất an toàn phòng, chống cháy nổ tại mỗi công trình. Rà soát về điều kiện thang thoát hiểm, lối thoát nạn, bổ sung lối thoát nạn đảm bảo các quy định về phòng cháy hiện hành.
UBND Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thành việc kiểm định các khu chung cư cũ, nhà chung cư cũ, đề xuất phương án đảm bảo an toàn đối với nhà chung cư cũ nói chung và các nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D đã có khuyến cáo di dời người dân không để xảy ra sự cố về công trình gây mất an toàn về người và tài sản.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, xây dựng phương án thoát nạn để đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố.
Nguồn: Báo xây dựng