Cần sự tham gia của cộng đồng vào thiết kế sản phẩm sinh thái và quản lý khu vực Bãi Giữa sông Hồng

Cần sự tham gia của cộng đồng vào thiết kế sản phẩm sinh thái và quản lý khu vực Bãi Giữa sông Hồng

Cần có sự tham gia của cộng đồng vào thiết kế các sản phẩm sinh thái và quản lý khu vực Bãi Giữa sông Hồng.

1. Giới thiệu

Năm 2019, Hà Nội vinh dự trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là hướng đi của thời đại: Thay các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên có tác động xấu tới môi trường bằng ngành công nghiệp sáng tạo – công nghiệp văn hóa. Để trở thành Thành phố sáng tạo, Hà Nội cũng như bất cứ thành phố nào cần thu hút lực lượng lao động sáng tạo, vì họ chính là động lực phát triển kinh tế văn hóa – sáng tạo trong thời đại ngày nay. Theo Richard Florida (2012), giai cấp sáng tạo thường dựa vào 03 tiêu chí sau để quyết định nơi sinh sống:

– Ở đó có gì? – Sự kết hợp giữa môi trường xây dựng và môi trường tự nhiên – Một khung cảnh hấp dẫn, kích thích để theo đuổi cuộc sống sáng tạo;

– Ai ở đó? – Những người đa dạng văn hóa, thuộc mọi sắc tộc, quốc tịch, tôn giáo và khuynh hướng tính dục, và có những tín hiệu rõ ràng (chính sách, văn hóa) rằng: Đây là một cộng đồng, nơi mọi người đều có thể hòa nhập và tạo dựng cuộc sống;

– Chuyện gì đang diễn ra? – Sự sôi động của cuộc sống đường phố, văn hóa quán cà phê, nghệ thuật và âm nhạc; sự hiện diện rõ ràng của những người tham gia vào các hoạt động ngoài trời – Nói chung là rất nhiều hoạt động năng động, thú vị và sáng tạo.

Trong các yếu tố này, môi trường tự nhiên và hoạt động ngoài trời ngày càng là yếu tố quan trọng đối với cư dân đô thị nói chung và tầng lớp sáng tạo nói riêng. Sự biến mất của các không gian xanh, sự ô nhiễm của các dòng sông, sự thoái lui của các không gian công cộng (KGCC) chắc chắn sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng sống đô thị. Chính vì vậy, để giữ chân và thu hút tầng lớp sáng tạo không chỉ trong nước mà cả khu vực và quốc tế, Hà Nội cần tập trung vào cải tạo môi trường thiên nhiên.

Trong bài viết này, tôi muốn điểm qua tác động của thiên nhiên lên con người và cộng đồng. Những dạng thức quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Tôi cũng giới thiệu một hoạt động trải nghiệm thiên nhiên “Về với Bãi Giữa” do mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống thực hiện trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Cuối cùng, tôi sẽ đưa ra một vài kiến nghị để thành phố tạo cơ hội cho các nhóm cộng đồng tham gia nghiên cứu, quy hoạch và phát triển Bãi Giữa sông Hồng theo hướng tăng kết nối con người với thiên nhiên, cải tạo môi trường sống hấp dẫn cho tầng lớp sáng tạo nói riêng và người dân thủ đô nói chung.

2. Tác động tích cực của thiên nhiên tới con người

Hơn một nửa dân số toàn cầu hiện đang sống ở các thành phố và “Thiên nhiên hóa” lại các thành phố là mục tiêu quan trọng của nhiều quốc gia (Chiesura 2004; Beatley 2011). Các khu vực đô thị và ven đô ngày càng được coi là địa điểm khuyến khích sự gắn kết của con người với thiên nhiên, đặc biệt là vì những tác động tích cực của môi trường tự nhiên đối với sức khỏe và chất lượng sống (Raymond và cộng sự 2017). Có nhiều nghiên cứu về lợi ích kết nối cư dân đô thị với thiên nhiên, trong đó, báo cáo “Bên ngoài cánh cửa: lợi ích cho thành phố khi con người và thiên nhiên đều phát triển” của the Nature Conservancy (2016) khá đầy đủ, nên tôi xin tóm tắt lại ở một số khía cạnh sau.

Điều kiện thiết yếu cho lối sống năng động

Hoạt động thể chất thường xuyên là một phần quan trọng của sức khỏe tổng thể và giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính. Tuy nhiên nhiều người trưởng thành không đáp ứng được mức độ hoạt động thể chất cơ bản cần thiết để phòng ngừa bệnh tật do thiếu không gian luyện tập. Các bằng chứng nghiên cứu cho thấy không gian tự nhiên ở các thành phố là nguồn “tài nguyên” y tế công cộng thiết yếu, vì thiên nhiên vừa thúc đẩy vừa tạo cơ hội cho mọi người hoạt động thể chất (Kathleen L. Wolf, 2010). Những người sống gần không gian xanh trong bán kính 3 km có sức khỏe tốt hơn, đặc biệt là những người thuộc nhóm nội trợ, người già và người nghèo. Nghiên cứu cũng cho thấy cư dân sống ở khu vực có nhiều không gian xanh hơn có khả năng hoạt động thể chất cao gấp ba lần so với những người sống ở khu vực có ít không gian xanh, và rủi ro mắc bệnh thừa cân hoặc béo phì thấp hơn khoảng 40% (Ellaway, Anne, Sally Macintyre, and Xavier Bonnefoy, 2005).

Nuôi dưỡng sức khỏe tâm trí

Cuộc sống đô thị luôn có tiếng ồn, ô nhiễm và đám đông, những điều ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, khả năng phục hồi tinh thần và khả năng nhận thức của cư dân, kể cả những người khỏe mạnh. Trải nghiệm thiên nhiên là chìa khóa cho sức khỏe tinh thần của cư dân thành thị. Nghiên cứu cho thấy: Ngay cả việc tiếp xúc ngắn ngủi với thiên nhiên cũng mang lại cơ hội phục hồi do giúp chống lại các tác nhân gây căng thẳng của cuộc sống sống đô thị. Một nghiên cứu dài hạn gần đây của các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Môi trường và Sức khỏe Con người Châu Âu của Đại học Exeter đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa thiên nhiên và các biện pháp về sức khỏe tâm thần của những người sống ở thành phố. Mọi người hạnh phúc hơn và giảm bớt căng thẳng tinh thần đáng kể khi họ sống ở những khu vực có nhiều không gian xanh hơn. Còn một nghiên cứu được tiến hành tại chín (09) thành phố của Thụy Điển cho thấy một cá nhân, bất kể giới tính, tuổi tác hay tình trạng kinh tế xã hội, càng lui tới thiên nhiên trong đô thị thì họ càng ít gặp phải căng thẳng (Patrik Grahn and Ulrika A. Stigsdotter, 2003).

Giúp tăng năng lực nhận thức

“Rừng bê tông” có thể gây bất lợi cho chức năng nhận thức của con người. Sự kích thích quá mức của môi trường đô thị có thể làm giảm khả năng tiếp thu và xử lý kiến thức, ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng giải quyết vấn đề và sự chú ý. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford gần đây đã nghiên cứu chức năng cảm xúc và nhận thức trước và sau 50 phút đi bộ trong môi trường tự nhiên hoặc môi trường đô thị không có thiên nhiên. Họ nhận thấy những người tham gia đi bộ trong thiên nhiên có mức độ lo lắng, và ảnh hưởng tiêu cực thấp hơn so với những người đi bộ trong môi trường không có thiên nhiên. Những người đi dạo trong khung cảnh tự nhiên cũng thực hiện các bài kiểm tra nhận thức đo lường trí nhớ tốt hơn người đi trong “rừng bê tông”.

Tác động tích cực lên sự phát triển của trẻ em

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy gần gũi thiên nhiên mang lại lợi ích to lớn cho trẻ em ở các thành phố, và là yếu tố thiết yếu cho sự phát triển của trẻ. Trẻ em ngày nay ít kết nối với thiên nhiên hơn bất kỳ thế hệ nào khác trong lịch sử, với thế giới đô thị và kỹ thuật số ngày càng bành trướng, kéo trẻ em ra khỏi cơ hội vui chơi ngoài trời và cơ hội tương tác với thế giới tự nhiên. Trong khi trẻ em ở trong nhà được kết nối toàn cầu thông qua công nghệ, chúng lại thiếu những kết nối quan trọng với môi trường xung quanh thiên nhiên ngoài trời. Một số hậu quả của “sự thiếu hụt thiên nhiên” này bao gồm tỷ lệ béo phì ở trẻ em ngày càng tăng, rối loạn chú ý và trầm cảm (Richard Louv, 2005). Một nghiên cứu do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên, cùng với các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford và Đại học California, Santa Cruz, đã phân tích tác động của không gian xanh trong trường học lên học sinh. Nghiên cứu cho thấy tác động tích cực của thiên nhiên lên học sinh rất lớn, thậm chí còn “lớn hơn tác động tiêu cực của nghèo đói lên họ” (Heather Tallis et al.,) do thiên nhiên mang lại lợi ích trong việc kiểm soát cảm xúc và phát triển nhận thức tổng thể ở trẻ em.

Tăng ý thức bảo vệ môi trường của người dân

Ngày càng có nhiều tài liệu cho thấy sự tương tác với thiên nhiên trong thời thơ ấu thúc đẩy mạnh mẽ mối quan tâm đến môi trường và nỗ lực bảo vệ nó ở tuổi trưởng thành. Một cuộc khảo sát người lớn ở Hoa Kỳ cho thấy sự tương tác thời thơ ấu với thiên nhiên có liên quan đến các hành vi của người lớn như tái chế rác và bỏ phiếu cho các ứng cử viên ủng hộ môi trường. Giữa những lý do thực dụng và đạo đức để bảo vệ môi trường, dữ liệu khảo sát luôn chỉ ra các lý do cá nhân như tiếp xúc với thiên nhiên khi bé luôn mạnh mẽ hơn. Những trải nghiệm thời thơ ấu là lý do tại sao các nhà lãnh đạo và nhà hoạt động môi trường đã chọn cống hiến hết mình cho việc bảo vệ thiên nhiên (Louise Chawla, 2007).

Tạo một xã hội hài hòa, gắn kết

Các không gian thiên nhiên, không gian chung trong khu dân cư đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các mối quan hệ xã hội giữa những người hàng xóm, tạo điều kiện và thúc đẩy các cá nhân kết nối với các thành viên cộng đồng của họ trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa và cá nhân hóa. Thanh niên trong các cộng đồng gắn kết ít có khả năng tham gia vào các hành vi như hút thuốc, uống rượu, tham gia băng đảng hoặc sử dụng ma túy, vì các cộng đồng gắn bó tạo ra điều kiện cho hành vi mẫu mực được thực hiện. Những cộng đồng này cũng cung cấp môi trường tốt hơn cho người cao tuổi – Khi người cao tuổi có mối quan hệ xã hội chặt chẽ, họ có tỷ lệ tử vong thấp hơn, tỷ lệ tự tử giảm, nỗi sợ tội phạm giảm và sức khỏe thể chất tốt hơn (Catherine Cubbin et al., 2008).

3. Quan hệ của con người với thiên nhiên đi từ gắn bó đến đứt gãy và chữa lành

Rõ ràng kết nối giữa con người với thiên nhiên mang lại nhiều lợi ích cho họ nhưng tại sao con người ngày càng sống xa thiên nhiên là một câu hỏi lớn. Có thể thấy, quá trình con người tha hóa khỏi thiên nhiên gắn liền với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Cuộc sống kinh tế, văn hóa và xã hội của cư dân đô thị thường bị ảnh hưởng bởi môi trường nhân tạo hơn là thiên nhiên. Trái ngược với các cộng đồng nông thôn hoặc vùng núi phụ thuộc vào môi trường tự nhiên để có thực phẩm, việc làm, nguyên liệu thô, nơi ở.., người dân thành thị có nhiều lựa chọn khác, thay thế cho các “dịch vụ” thiên nhiên mang lại. Hơn nữa, với sức ép phát triển dân số và đô thị, có sự đánh đổi các dịch vụ thiên nhiên với các tiện ích khác nhằm tối đa hóa phúc lợi phi thiên nhiên của cư dân đô thị. Do đó, sự mất kết nối giữa con người và thiên nhiên ở đô thị ngày càng nghiêm trọng.

Hậu quả trực tiếp của sự mất kết nối như vậy là quá trình giảm dần sự trân trọng của con người đối với thiên nhiên. Hiện tượng này được Pyle (1978) mô tả là hội chứng “Sự tuyệt chủng của trải nghiệm” – Trải nghiệm với thiên nhiên bị “tuyệt chủng” do con người bị tách biệt khỏi thiên nhiên, sự suy giảm của hệ động thực vật địa phương trong cuộc sống của họ, và sự xuất hiện của quá nhiều bề mặt nhân tạo trong đô thị.

Tuy nhiên, là một loài có lịch sử tồn tại trong săn bắn, hái lượm và/hoặc trồng trọt làm thực phẩm thì con người khó có thể tách mình ra khỏi thiên nhiên về mặt tâm lý (Miller RW, 1997). Một trong lý thuyết phổ biến là con người có một mong muốn bẩm sinh là thiết lập lại mối liên kết mong manh với thiên nhiên. Có nhiều bằng chứng cho thấy mặc dù con người đang sống ở thành phố nhưng nếu có cơ hội hầu hết mọi người đều thích sống gần gũi với thiên nhiên hơn (cạnh sông, hồ nước, công viên cây xanh). Hơn nữa, với kiến thức và thông tin ngày càng tăng về khoa học tự nhiên và các vấn đề môi trường, con người ngày càng nhận thức rõ hơn về sự phụ thuộc của họ vào tự nhiên. Điều này dẫn tới sự thay đổi về giá trị và nhận thức của con người về vai trò của thiên nhiên, dẫn đến mong muốn bổ sung các yếu tố thiên nhiên vào lối sống đô thị của họ (Miller RW, 1997).

4. Bãi Giữa và cơ hội kết nối con người với thiên nhiên

Nhu cầu kết nối với thiên nhiên ngày càng phát triển ở Việt Nam nói chung cũng như ở Hà Nội nói riêng. Hiện nay, có nhiều phong trào như “Xanh hóa học đường”, “Chung cư xanh, ban công xanh”… nhằm mang màu xanh vào các công trình xây dựng. Các chương trình “Về với thiên nhiên, chữa lành tinh thần”, “Tắm rừng”, hay “Bỏ phố về rừng” … cho thấy giữa bộn bề cuộc sống đô thị căng thẳng con người ngày càng nhận ra vai trò quan trọng của thiên nhiên. Tuy nhiên, các hoạt động này thường mang tính phản ứng hoặc khắc phục các hậu quả đã xảy ra. Nó cũng đòi hỏi đi xa ra khỏi thành phố gây tốn kém cả về thời gian và tiền bạc, khiến không phải ai cũng có thể thực hiện được.

Theo thống kê, tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người của Hà Nội hiện chưa đến 2m2/người. Thậm chí, tại các quận trung tâm, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ ở mức 0,9m2/người. Trong khi tiêu chuẩn đặt ra là 7m2/người (Đinh Đăng Hải, 2023). Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉ lệ cây xanh trung bình cũng mới đạt 10-15 m2/người, chỉ cao hơn mức tối thiểu 9 m2/người của WHO. Như vậy, Hà Nội cần tăng diện tích cây xanh lên 5 – 7 lần trong thời gian tới – Đây là một thách thức không hề nhỏ do quỹ đất đô thị không có nhiều.

Hà Nội có Bãi Giữa sông Hồng, rộng khoảng 312 ha, được quản lý bởi 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên. Đây là một cơ hội tăng diện tích xanh cho thành phố, cũng như tạo điều kiện để người dân thủ đô kết nối với thiên nhiên. Hiện nay, người dân đang sử dụng đất Bãi Giữa cho các mục đích nông nghiệp là chính (cây hàng năm, cây cảnh, cây lâu năm) bên cạnh một số hoạt động khác như cắm trại, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, có một số hoạt kết nối với thiên nhiên của CLB TDTT Hội Cựu chiến binh Sông Hồng, điểm tắm nude, hoặc các khu chơi thể thao. Bên cạnh đó, có một số hoạt động đi bộ, chạy bộ của khách du lịch nước ngoài, các nhóm thể thao địa phương.

Mặc dù thảm thực vật ở bãi giữa đang bị xâm lấn bởi các hoạt động nông nghiệp, nhưng nó vẫn là một mảng xanh đáng quý của Hà Nội. Ví dụ, chỉ riêng bãi giữa sông Hồng đoạn chảy qua Thành Phố Hà Nội đã có gần 200 loài chim di cư và hơn 40 loài chim định cư sinh sống (VBCS, 2023). Tuy nhiên, sự giàu có của các loài động và thực vật đang bị đe dọa do sự xuống cấp của hệ sinh thái bãi giữa sông Hồng. Hiện trạng phủ xanh của bãi giữa có thể thấy trong ảnh dưới đây.

Cần có sự tham gia của cộng đồng vào thiết kế các sản phẩm sinh thái và quản lý khu vực Bãi Giữa sông Hồng - Tạp chí Kiến Trúc
Ảnh: bãi giữa từ ảnh chụp google earth (bên trái) và đoạn ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (bên phải) chụp năm 2023

Từ nhu cầu của người dân và thực tế xuống cấp thảm thực vật ở Bãi Giữa, việc quy hoạch khu vực này để cân bằng mục đích cung cấp các tiện ích sinh thái và văn hóa cho người dân thủ đô với sự bảo vệ thiên nhiên là cần thiết.

5. Hoạt động trải nghiệm thiên nhiên “Về với Bãi Giữa”

Trong nỗ lực thử nghiệm các hoạt động kết nối người dân thủ đô với Bãi Giữa sông Hồng, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (VMHNĐS) thực hiện một hoạt động trải nhiệm “Về với Bãi Giữa” trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. “Về với Bãi Giữa” diễn ra trong 5 tiếng (từ 7h sáng đến 12h trưa), có lộ trình kéo dài khoảng 10-15 km, với hình thức di chuyển là đạp xe và đi bộ. Bắt đầu tại Vườn hoa Tháp nước Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm), người tham gia sẽ đạp xe qua cầu Long Biên, dừng tại một số điểm như CLB TDTT Hội Cựu chiến binh Sông Hồng, vườn quả của gia đình nông dân đến từ Hưng Yên, và nghỉ ngơi, ăn nhẹ tại nhà của người dân. Lộ trình chi tiết được thể hiện ở bản đồ dưới đây.

Cần có sự tham gia của cộng đồng vào thiết kế các sản phẩm sinh thái và quản lý khu vực Bãi Giữa sông Hồng - Tạp chí Kiến Trúc
Ảnh: Lộ trình của chuyền du khảo “Về với bãi giữa”

Như thông tin chia sẻ trên Facebook của VMHNĐS, chuyến du khảo “Về với bãi giữa” nhằm đem đến cơ hội thiên nhiên cho người tham gia. Qua những hoạt động như đạp xe, thiền, dạo bước trong vườn quả, và trò chuyện với người dân ở Bãi Giữa, người tham gia có cơ hội khám phá vẻ đẹp thiên nhiên xung quanh mình. Đây là một trải nghiệm với thiên nhiên qua các giác quan, từ đó thấy vẻ đẹp thiên nhiên tồn tại xung quanh ta và luôn gắn kết với con người. Triết lý của hoạt động này là người tham gia cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên như nó vốn là, chứ không phải dựa vào tiêu chí thẩm mĩ của con người, hoặc sự hữu ích của thiên nhiên với nhu cầu của con người. Từ triết lý này, những người tổ chức mong muốn Hà Nội quy hoạch và phát triển theo hướng bền vững, tôn trọng sự tồn tại không chỉ cho con người mà cho cả động vật, thực vật.

Hoạt động này thu hút sự quan tâm khá lớn của người dân Hà Nội. Ban tổ chức phải đóng đơn sau 3 ngày vì số người đăng ký đã lên đến 90 người, vượt gấp đôi con số dự định. Sự đa dạng của người đăng ký tham gia rất đáng chú ý, họ đến từ doanh nghiệp (công ty Ford Việt Nam, Mobiphone, Mckinsey), cơ quan nhà nước (Bộ Giao thông vận tải, Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy ban chứng khoán nhà nước), các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế (EU, USAID, UNDP, GIZ), các trường đại học, bệnh viện, và những người làm tự do. Điều này cho thấy nhu cầu kết nối với thiên nhiên có ở các nhóm đối tượng khác nhau.

“Về với Bãi Giữa” là một sáng kiến cộng đồng ban đầu được sự hưởng ứng của người dân Thủ đô. Cũng giống như các hoạt động của CLB TDTT Hội Cựu Chiến binh sông Hồng hay của những người tắm nude, các hoạt động kế nối với thiên nhiên này xuất phát từ nhu cầu của người dân. Chính vì vậy, khi quy hoạch Bãi Giữa cần có không gian và hành lang cho các nhóm cộng đồng tiếp tục các hoạt động của họ hoặc bổ sung các hoạt động mới gắn với thiên nhiên. Có thể nói, giống như sự sôi động của cuộc sống đường phố, văn hóa quán cà phê, nghệ thuật và âm nhạc của Hà Nội hiện có là do chính người dân mang lại, việc làm cho hoạt động tại khu vực Bãi Giữa sinh động, bền vững, và hài hòa cũng cần có sự tham gia đóng góp của cộng đồng.

6. Phát huy vai trò và nguồn lực của cộng đồng trong việc phát triển Bãi Giữa sông Hồng

Chúng ta thấy vai trò quan trọng của thiên nhiên đối với chất lượng sống của con người và sự bền vững của đô thị. Chính vì vậy, tái thiên nhiên hóa đô thị đang là chiến lược của nhiều thành phố trên thế giới. Hà Nội có Bãi Giữa sông Hồng rất tiềm năng để cải tạo không gian sinh thái, hấp dẫn tầng lớp sáng tạo, các nhà đầu tư, giới trí thức vì họ rất quan tâm đến chất lượng sống. Việc này cần có sự tham gia của các bên để đảm bảo hài hòa về lợi ích sinh thái, kinh tế và văn hóa.

Sự tham gia của cộng đồng vào việc quản lý và bảo vệ thiên nhiên, môi trường đã được nghiên cứu nhiều trên thế giới và đã được khẳng định rất cần thiết. Nhiều nghiên cứu kết luận rằng quản lý tài nguyên hiệu quả cần phải được thực hiện ở mọi quy mô, từ toàn cầu đến địa phương. Các nhà nghiên cứu cho rằng trong một xã hội được kết nối với các mối quan hệ đan xen dày đặc thì việc quản trị có thứ bậc, từ trên xuống là chưa đủ và cần được bổ sung – chứ không phải thay thế – bằng các hoạt động của các công dân và cộng đồng tích cực, các Tổ chức phi Chính phủ (NGO), doanh nghiệp và chính quyền thành phố (Hajer và cộng sự 2015).

Chính vì vậy, nhu cầu thu hút sự tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển đô thị ngày càng trở nên quan trọng, dẫn đến việc chuyển đổi mô hình quản trị giữa các bên liên quan. Theo Fredericks và cộng sự (2020), sự tham gia của cộng đồng trong bối cảnh đô thị nên theo mô hình hệ sinh thái, bao gồm các bên hành chính (chính phủ, các nhà hoạch định chính sách), doanh nghiệp (tư nhân và công cộng, dịch vụ thành phố, nhà cung cấp công nghệ, đô thị và trường đại học) và các bên liên quan phi hành chính (hiệp hội cộng đồng, tình nguyện viên, công dân hàng ngày, nhà hoạt động, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và nhà phát triển). Hệ sinh thái gắn kết cộng đồng sẽ mang đến cơ hội cho tất cả các bên liên quan nêu rõ quan điểm, mối quan tâm và ý kiến của họ. Khi đó sẽ hình thành quan hệ đối tác với người dân ở cấp cơ sở, cấp làm cho hệ sinh thái giàu có và hiệu quả.

Từ thực tế các hoạt động cộng đồng ở Bãi Giữa lẫn kinh nghiệm quốc tế, việc Hà Nội quy hoạch Bãi Giữa là cần thiết. Tuy nhiên, tiến trình quy hoạch này cần cởi mở, có sự tham gia của các nhóm cộng đồng khác nhau để làm cho quy hoạch dung hợp được các nhu cầu kết nối với thiên nhiên của người dân Hà Nội. Chỉ khi đó, Bãi Giữa mới phát huy được tiềm năng và giá trị to lớn nhất của nó, đó là vùng đệm thiên nhiên, sinh thái cho người dân Thủ đô.

Cần có sự tham gia của cộng đồng vào thiết kế các sản phẩm sinh thái và quản lý khu vực Bãi Giữa sông Hồng - Tạp chí Kiến Trúc

Lê Quang Bình 
Điều phối viên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống 
(Hội thảo khoa học Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng Tầm nhìn và giải pháp)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích