Cần sớm có cơ chế xử lý rác thải cồng kềnh

Lúng túng trong xử lý

Theo ghi nhận của phóng viên, không khó để bắt gặp hình ảnh rác thải cồng kềnh gồm bàn, tủ, giường, phản gỗ, chăn nệm, phế liệu xây dựng… bị người dân đổ ra vỉa hè, lòng đường phố.

Dạo quanh 1 vòng các tuyến phố như: Giải Phóng, Lê Duẩn, Hồng Hà (quận Hai Bà Trưng); Hoàng Tích Trí, Hoàn Cầu, Đường Láng (quận Đống Đa); Phan Kế Bính, Kim Mã (quận Ba Đình); Yên Phụ (quận Tây Hồ)… rác thải cồng kềnh thường xuyên bị chất đống, cứ dọn chỗ này lại “mọc” thêm chỗ khác.

Cần sớm có cơ chế xử lý rác thải cồng kềnh
Rác thải cồng kềnh trên nhiều tuyến phố của Hà Nội.

Bà Hoàng Thu Thủy, ngõ 41 Đông Tác, phường Kim Liên, quận Đống Đa bức xúc: “Ngay tại cầu Đông Tác tồn tại một khu tập kết rác thải cồng kềnh, người dân trong khu vực đã nhiều lần có ý kiến phản ánh về tình trạng này. Đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn quận cũng đã thường xuyên vận chuyển hàng đống rác thải. Song cứ vừa dọn hết thì người dân lại mang đến chất đống”.

Tình trạng này còn diễn ra nghiêm trọng hơn ở các quận, huyện ven đô, lợi dụng các khu vực vắng người, năng lực thu gom của đơn vị vệ sinh cũng chưa đảm bảo, nên việc rác thải cồng kềnh chất đống nhiều ngày không phải là hiếm gặp. Anh Đinh Duy Đức, công nhân môi trường Xí nghiệp Môi trường đô thị Đống Đa, cho biết, rác cồng kềnh có chất liệu rất đa dạng, từ gỗ, nhựa đến thạch cao, sắt, thép… nên không thể đem chôn lấp tất cả mà cần phải được phân loại để xử lý cho phù hợp. Trong đó, nhóm rác cồng kềnh như giường, tủ, bàn, ghế… còn tương đối dễ xử lý hơn các loại như tủ lạnh, biển hộp có gắn đèn, bình nóng lạnh… Tuy nhiên, hiện nay, Hà Nội mới chỉ có quy định riêng đối với chất thải xây dựng, y tế… mà chưa liệt kê chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh vào nhóm cần được quan tâm, xử lý riêng, dẫn đến việc các loại rác có cấu kiện điện tử và cả một số chất liệu có khả năng gây độc hại hiện vẫn được xử lý chung với rác sinh hoạt.

Được biết, đến nay, Hà Nội vẫn chưa ban hành quy trình, định mức và đơn giá áp dụng đối với chất thải rắn cồng kềnh, nên các đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn rất vất vả trong việc thu gom, vận chuyển đi xử lý vì không được thanh toán chi phí vận chuyển. Đơn cử như các đơn vị thu gom trực thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), vẫn bố trí khu vực để người dân bỏ rác thải cồng kềnh, nhưng số lượng người dân bỏ rác đúng nơi rất ít mà đa phần tiện đâu bỏ đấy. Bên cạnh đó, trong hợp đồng đấu thầu duy trì thu gom rác thải sinh hoạt, không có nội dung về kinh phí xử lý chất thải rắn cồng kềnh. Trong khi đó, Công ty vẫn đang phải mặc nhiên xử lý.

Hiện các đơn vị thuộc Urenco đang thực hiện xử lý chất thải rắn cồng kềnh theo 2 phương thức. Thứ nhất là sử dụng xe tải nhỏ thu gom, vận chuyển về điểm tập kết, sau đó phá dỡ, giảm thể tích, đưa lên xe cuốn ép và vận chuyển đi xử lý. Cách thứ hai là sử dụng xe cuốn ép thu gom rác thải sinh hoạt theo tuyến, quá trình thu gom nếu có chất thải rắn cồng kềnh, công nhân thực hiện phá dỡ, giảm thể tích sơ bộ và đưa lên xe cuốn ép, vận chuyển đi xử lý.

Có cần chờ?

Khái niệm “rác cồng kềnh” đã được đề cập tại nhiều văn bản pháp luật như tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; hướng dẫn chi tiết tại Hướng dẫn kỹ thuật về Phân loại rác tại nguồn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng nhiều văn bản quy định chi tiết của các địa phương trong kế hoạch, đề án, quy định phân loại rác, trong đó, nhiều địa phương có riêng một văn bản quy định về rác cồng kềnh.

Theo đó, chất thải rắn cồng kềnh được hiểu là vật dụng gia đình có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương tự khác hoặc gốc cây, thân cây, cành cây có kích thước lớn, cồng kềnh, quá khổ quy định. Hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tháng 11/2023, cũng quy định rõ thế nào là rác cồng kềnh, có ví dụ cụ thể về chủng loại, đồng thời quy định trách nhiệm chủ nguồn thải, đơn vị thu gom, xử lý; hướng dẫn cách thức xử lý rác cồng kềnh trước khi thải bỏ, hướng dẫn cách thức thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Tất cả những tổ chức, cá nhân liên quan đều phải có trách nhiệm tiếp cận các nội dung này để hành xử đúng theo quy định.

Rõ ràng, rác thải cồng kềnh là rác “quá khổ”, trong trường hợp chủ nguồn thải phân nhỏ kích thước thì sẽ được quy vào rác sinh hoạt thông thường, phí thu gom được tính theo rác sinh hoạt thông thường, trường hợp chủ nguồn thải thực hiện phân loại các bộ phận của rác cồng kềnh sau khi làm nhỏ kích thước thì sẽ được miễn phí thu gom. Quy định này vừa ràng buộc trách nhiệm của chủ nguồn thải, vừa khuyến khích chủ nguồn thải tham gia vào quy trình xử lý, phân loại rác. Bởi nếu để nguyên trạng rác cồng kềnh, thì phải chấp nhận phương thức thu gom riêng và chịu mức giá thu gom, vận chuyển, xử lý cao hơn hẳn so với giá rác sinh hoạt thông thường.

Bản chất của vấn đề ở đây là thời hạn bắt buộc áp dụng phân loại và các hình thức xử lý vi phạm chưa chính thức bắt đầu, nên người dân chưa thực sự thấy thiết thực phải tiếp cận, tìm hiểu quy định của luật, nghị định hay hướng dẫn về nội dung này. Tuy nhiên, cũng không thể chờ đến đúng ngày mới xử lý được. Rõ ràng, đã đến lúc chúng ta phải có sự tiếp cần phù hợp nhất là cần tuyên truyền sớm để người dân nắm được các quy định để thực hiện.

Tuấn Dũng

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích