Cần siết chặt quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam
(Xây dựng) – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, các quy định về sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn còn đơn giản, có thể tạo ra kẽ hở trong đảm bảo an ninh quốc phòng và cũng không đảm bảo hài hòa quyền lợi của các bên.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu chỉnh sửa quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo hướng chặt chẽ hơn. |
Trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, Điều 3 có quy định về giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 3 về giấy tờ chứng minh đối tượng là cá nhân được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đối với cá nhân nước ngoài phải có hộ chiếu nước ngoài và cam kết bằng văn bản về việc không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.
Về giấy tờ chứng minh điều kiện được sở hữu nhà ở quy định tại khoản 3 Điều 3, cá nhân nước ngoài phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam hoặc giấy tờ pháp lý tương đương nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 17 của Luật Nhà ở.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá quy định này chưa chặt chẽ. Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các điều kiện sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam, đó là thời gian sinh sống, thời hạn cấp thị thực tại Việt Nam, chứng minh về thu nhập và công việc ổn định tại Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng phải lưu ý các quy định về sở hữu nhà ở đối với trường hợp người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam.
Hiện nay, Luật Nhà ở quy định: Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.
Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu nhà ở như người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Phó Thủ tướng cho rằng quy định này còn đơn giản, có thể tạo kẽ hở trong công tác đảm bảo an ninh quốc phòng. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần phải nghiên cứu, xem xét khả năng điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở trong khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh “thì phải” chuyển nhượng nhà ở cho cá nhân, tổ chức Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Trong khi đó, đại diện Bộ Công an đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý quy định xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp có thay đổi về yêu cầu khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cụ thể, trường hợp có sự thay đổi về khu vực cần bảo đảm an ninh dẫn tới dự án nhà ở thương mại đã cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở nằm trong khu vực cần bảo đảm an ninh thì UBND cấp tỉnh phải có thông báo cho chủ đầu tư để chủ đầu tư không được tiếp tục bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu nhà ở tại dự án nằm trong khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh không được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, “cần phải” chuyển nhượng nhà ở này cho cá nhân, tổ chức Việt Nam.
Để đảm bảo lợi ích cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu nhà ở, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu quy định cụ thể về thời gian chuyển nhượng.
Đồng tình với ý kiến của Bộ Công an, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trong trường hợp quá thời hạn quy định mà không có tổ chức, cá nhân người Việt Nam mua lại nhà ở thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi, bồi thường và tái định cư theo pháp luật về đất đai nhằm bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên.
Nguồn: Báo xây dựng