Cần rà soát tổng thể để giải quyết khó khăn cho lĩnh vực bất động sản
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ sáu, sáng 24/10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng cần sớm giải quyết điểm nghẽn cho lĩnh vực bất động sản. |
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nhìn nhận, tuy tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, GDP chỉ đạt 5% nhưng so với bức tranh chung của nền kinh tế thế giới thì rất đáng ghi nhận. Sau đại dịch có làn sóng nợ rất mạnh, cả khu vực công và doanh nghiệp, nhưng chúng ta kiểm soát nợ công khá tốt; nợ doanh nghiệp là yếu tố đe dọa an toàn, cuối năm 2022 rất đáng báo động, nhưng với các chính sách điều hành linh hoạt, thích nghi, nguy cơ vỡ nợ của doanh nghiệp đã vượt qua, đây là thành công khá ấn tượng, tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
“Dự báo kết quả tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5%, tôi cho rằng có thể đạt con số cao hơn”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng quan ngại về những đình trệ đang diễn ra phổ biến, đó là tình trạng không dám nghĩ, dám làm không chỉ ở khu vực công mà cả các doanh nghiệp. Trong bối cảnh các yếu tố nguồn vào sẵn có như nguồn vốn được hỗ trợ, sẵn sàng cho vay, nhưng khả năng hấp thụ vốn, lao động và chính sách hỗ trợ gần như bão hòa.
Theo đại biểu, đây là điểm rất đáng suy nghĩ, nếu không có chính sách và giải pháp tạo ra sự đột phá mới thì sẽ có nguy cơ giẫm chân tại chỗ, không tạo ra sự chủ động, phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, thì khó vượt qua được.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận. |
Dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục khó khăn, kinh tế chưa có sự phục hồi, hầu hết các tổ chức kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng thấp hơn 2023, nên mục tiêu tăng trưởng 6,6%, tuy thấp hơn so với nhiệm vụ của nhiệm kỳ nhưng đại biểu cho rằng là mục tiêu cần nỗ lực phấn đấu mới đạt được.
Đồng tình với các giải pháp Chính phủ dự kiến, đại biểu Hoàng Văn cường đề nghị cần thực hiện tiếp chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, nghĩa vụ tài chính, thuế đất cho doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách bổ trợ, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp cao hơn sẽ tạo động lực phát triển.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, khi báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã rất thẳng thắn chỉ ra các tồn tại như tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho thấy trong 9 tháng vừa qua kinh tế đất nước vẫn có những điểm sáng như: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%… Đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ đồng tình với 5 bài học được Thủ tướng nêu, trong đó nhấn mạnh lấy yếu tố con người làm động lực cho phát triển.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận. |
Về các tồn tại, hạn chế, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu hai vấn đề là tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị vật tư y tế chưa được khắc phục và cải cách sách giáo khoa chưa đạt yêu cầu. Theo đại biểu, hơn 2 năm vừa qua, Chính phủ tập trung sửa đổi rất nhiều văn bản để tháo gỡ, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề cập vấn đề này, những tưởng đã khắc phục được nhưng trong thực tế tình trạng này vẫn còn, thậm chí nghiêm trọng hơn. Do đó, cần có cuộc giám sát về vấn đề này.
“Chữa bệnh không có thuốc, lấy máu không có túi thì sao mà làm được. Tôi mong Quốc hội có ý kiến để Chính phủ giải quyết bằng được, vì đây là vấn đề sống còn của người bệnh”, đại biểu nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị dành nguồn lực hợp lý đầu tư cho các vùng còn nhiều khó khăn, để đảm bảo an sinh xã hội.
Phát biểu thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, tăng trưởng kinh tế từ giờ đến cuối năm và cả năm sau tiếp tục khó khăn; đầu tư công, giải ngân so với năm trước cao hơn, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; xuất khẩu suy giảm. Doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng khó khăn.
Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận tại tổ. |
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho hay, tín dụng đang rất khó khăn, ngân hàng thừa thanh khoản, doanh nghiệp thiếu tiền do không tiếp cận được. Nếu tháo gỡ được vấn đề này này sẽ kích thích sản xuất, trong khi lạm phát đang thấp so với kế hoạch.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh là cần sớm tháo gỡ thị trường bất động sản, vì cả nước không biết bao nhiêu dự án bất động sản đang bất động. Riêng tại Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai lâu năm, nhiều dự án đã 10 năm, 20 năm rồi, người dân thì bức xúc. Vừa rồi Thành phố đã xử lý được hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, nếu giải quyết được khó khăn cho thị trường bất động sản thì sẽ khơi thông được nhiều vấn đề khác như thị trường vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời, việc giải quyết được điểm nghẽn với bất động sản cũng sẽ giúp ổn định vĩ mô, thông được vấn đề tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, Quốc hội nên sớm có chỉ đạo, chủ trương rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết để giải quyết những khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, bởi vướng mắc ở đây chủ yếu là liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Với các dự án chậm triển khai cần tính đúng, tính đủ giá đất, phù hợp với quy định hiện hành và thị trường. Đối với chủ đầu tư nào không còn khả năng phải có giải quyết dứt điểm, không để các dự án chậm triển khai kéo dài nhiều năm.
Nguồn: Báo lao động thủ đô