Cần quản lý riêng biệt, chặt chẽ chất thải nguy hại
Cần quản lý riêng biệt, chặt chẽ chất thải nguy hại
Theo dõi MTĐT trên
Chất thải nguy hại – một loại chất thải phát sinh ngày càng nhiều bởi quá trình sản xuất công nghiệp, chất thải y tế tăng trưởng với tốc độ chóng mặt để lại những hậu quả xấu đối với môi trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cộng đồng.
Theo tổng hợp năm 2020 của Bộ TN&MT từ các địa phương, lượng chất thải nguy hại phát sinh trong khoảng 874.589 tấn. Ước tính trong chất thải rắn công nghiệp, lượng chất thải nguy hại chiếm tỷ lệ khoảng 20 – 30%. Tỷ lệ này thay đổi tùy loại hình công nghiệp, trong đó, ngành cơ khí, điện, điện tử, hóa chất là những ngành có tỷ lệ chất thải nguy hại cao.
Chất thải nguy hại phát sinh từ các khu công nghiệp của khu vực phía Nam khoảng 82.000 – 134.000 tấn/năm, cao hơn các khu vực khác (gấp 3 lần miền Bắc và khoảng 20 lần miền Trung). Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu đã đưa chất thải nguy hại chủ yếu là phế liệu kim loại, nhựa, săm lốp cao su thải, vỏ ô tô, tàu biển chưa làm sạch tạp chất, ắc quy chì thải, sản phẩm điện tử đã qua sử dụng về Việt Nam.
Tại khu vực nông thôn, mỗi năm, hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nguy hại, như bao bì và thùng chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không ít loại thuốc có độ độc hại cao đã bị cấm sử dụng. Lượng thuốc bảo vệ thực vật còn bám lại trên vỏ bao bì, các chai lọ hoặc các gói hóa chất chiếm tới 1,85% tỷ trọng bao bì.
Ngoài ra, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý. Những loại chất thải nguy hại của ngành nông nghiệp có tính độc hại rất cao, phát tán nhanh trong môi trường nước, rất dễ bay hơi và khuếch tán trong không khí, nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả và triệt để sẽ gây ra những tác động đến môi trường.
Cùng với đó, trong lĩnh vực y tế, tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 21.374 tấn (tăng 591 tấn so với năm 2017), trong đó, chất thải lây nhiễm là 19.370 tấn và chất thải không lây nhiễm là 2.004 tấn. Lượng chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý là 21.185 tấn/năm (chiếm 99,1%); trong đó, chất thải lây nhiễm được xử lý là 19.205 tấn/năm (chiếm 99,1%), chất thải không lây nhiễm được xử lý là 1.982 tấn/năm (chiếm 98,9%).
Từ những vụ việc vi phạm pháp luật về chất thải nguy hại trong thời gian qua, cơ quan quản lý khi sửa đổi các quy định pháp luật liên quan cần có định hướng, việc quản lý chất thải nguy hại, phải siết chặt cả quá trình thu gom và vận chuyển.
Chẳng hạn, một số công ty chất thải nguy hại bị dồn đống tại chỗ hoặc ở khu đất trống bởi vì không có một giải pháp xử lý phù hợp. Việc lưu giữ chất thải nguy hại đã dẫn đến rò rỉ một lượng các nguyên liệu độc vào môi trường. Đồng thời khả năng rò rỉ vào lớp đất tầng dưới và gây nhiễm bẩn nước ngầm có thể được xem như một nguy cơ lâu dài.
Nguồn nước ngầm và nước mặt thường được dùng làm nguồn nước uống, sinh hoạt gia đình, phục vụ nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Bất cứ sự ô nhiễm nào đối với các nguồn này đều có thể gây các nguy cơ tức thời hoặc tiềm tàng đối với sức khoẻ của người dân địa phương, chính những người làm việc trong khu vực đó hay gây ra các tác động môi trường nghiêm trọng.
Ở Việt Nam cho thấy mức độ cao bệnh tật có liên quan đến việc cung cấp nước và vệ sinh, chủ yếu là vấn đề vệ sinh. Việc thải các chất thải công nghiệp không được xử lý, thất thoát dầu và các hoá chất khác do sự cố vào các con sông và hệ thống cung cấp nước ngầm đã làm bẩn các nguồn nước uống cũng như làm chết cá và sinh vật đáy vốn được nhân dân địa phương đánh bắt sử dụng.
Rủi ro tăng bệnh tật do ngộ độc kim loại và ung thư do nhiễm các chất gây ung thư vẫn đang tồn tại. Tình trạng tăng bệnh ung thư, bệnh tim, nhiễm trùng hệ hô hấp và tiêu hoá, viêm da cũng đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian vừa qua. Không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nước chất thải nguy hại rò rỉ còn làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất,… Sự ô nhiễm này tích tụ không chỉ ảnh hưởng đến thế hệ chúng ta mà còn kéo dài cho những thế hệ sau.
Đó là những lý do mà chất thải nguy hại đang và sẽ cần sự quản lý riêng biệt và chặt chẽ hơn để giảm thiểu các tác hại của chúng đối với môi trường.
Những sai phạm liên quan đến chất thải nguy hại xảy ra trong thời gian qua đã cho thấy vẫn còn “lỗ hổng” trong công tác quản lý loại chất thải này.
Theo Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, thực tế qua quá trình kiểm tra, hoạt động quản lý chất thải nguy hại tại một số cơ sở vẫn còn nhiều bất cập và chưa đúng quy định tại Thông tư số 36 của Bộ TN&MT, kể cả một số cơ sở đã được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải, trong đó các cơ sở quy mô nhỏ chiếm tỷ lệ cao.
Đối với các cơ sở không thuộc diện bắt buộc phải lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, việc nhận thức và hoạt động quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn còn nhiều bất cập. Doanh nghiệp ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại với đơn vị không có giấy phép của cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường cấp hoặc không ký hợp đồng thu gom, vận chuyển…
Ngoài ra, ở một số cơ sở còn xảy ra tình trạng người dân tự ý tái chế chất thải làm thành các sản phẩm nhựa, chưng cất dầu thải; lén lút thu gom các loại can, thùng (bằng nhựa, kim loại) dính chất thải nguy hại đem bán. Bên cạnh đó, chất thải nguy hại (bóng đèn neon, pin, hộp dính sơn, dầu..) được thu gom và xử lý chung với rác thải sinh hoạt; việc lưu giữ chất thải nguy hại kém, gây rò rỉ các chất thải độc hại ra môi trường.
Trong khi lượng chất thải ngày càng gia tăng, thì hiện nay vẫn chưa có chế tài áp dụng việc phân loại chất thải rắn, chất thải nguy hại tại nguồn và không có sự đồng bộ trong các công đoạn thu gom, xử lý. Thêm vào đó, chi phí xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại tốn kém nên vì lợi nhuận trước mắt, một số doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định pháp luật về quản lý chất thải nguy hại. Đặc biệt, công nghệ sản xuất còn tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên liệu, thải ra nhiều chất thải; công nghệ xử lý thậm chí còn thiếu, lạc hậu là nguyên nhân khiến chất thải không được xử lý triệt để.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị