Căn phòng trọ 3m2, vợ chồng công nhân 8 năm sống chung với… chuột
Thu nhập thấp, nhiều công nhân chấp nhận ở trong những phòng trọ ẩm thấp, diện tích chỉ 3 – 4 m2. Không có lựa chọn cho sức khỏe, an toàn, sinh hoạt thoải mái với những người tha hương mưu sinh…
Ở nơi 8 năm không bao giờ thấy mặt trời
Dù dãy trọ luôn ẩm thấp, ngột ngạt nhưng vợ chồng chị Trang đã ở hơn 8 năm vì… rẻ. |
Căn phòng trọ chưa tới 4m2, không có gác, ẩm thấp và “tối đen như mực” nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Bờ Sông (quận Bình Tân) là nơi chị Mai Thị Hoa Trang (37 tuổi, quê Trà Vinh) cùng chồng sinh sống 8 năm nay.
Căn phòng nhỏ, ít khí trời nên luôn ngột ngạt. Tuy vậy, chị Trang bảo “ở riết cũng quen” và “đôi khi phải chấp nhận”.
“Phơi đồ ở đây 3, 4 ngày chưa khô vì không có nắng. Cũng muốn mua máy giặt để nó vắt kỹ hơn nhưng nhà nhỏ không có chỗ để, xài nhà vệ sinh chung nên không có chỗ xả nước”, chị Trang mô tả về căn phòng mình ở đã nhiều năm.
Quần áo quanh năm ẩm mốc vì thiếu ánh sáng. |
Chị Trang cho biết, nhiều người đến khu trọ ở nhưng chỉ được vài bữa phải dọn đi vì ẩm thấp, thiếu ánh sáng. Lối đi dọc dãy trọ chỉ vừa đủ một người đi, quần áo của các căn phòng treo dày phía trên càng làm nơi ở tối tăm.
“Làm công nhân lương đâu được bao nhiêu mà mướn nhà rộng, nhà vệ sinh riêng. Phải chịu thôi… Lối đi ẩm ướt nên đi tới đi lui trượt chân té hoài, mình không sao nhưng chỉ sợ người lớn tuổi ngã thì nguy hiểm”, chị Trang nói thêm.
Gia tài của chị Trang vỏn vẹn chỉ chiếc quạt và ít vật dụng nấu ăn. |
Do ở khu vực ẩm thấp nên phòng trọ của chị Trang lúc nào cũng có chuột. Có những đêm chuột “quậy banh nhà” khiến “ông bà chủ” không thể chợp mắt. Chuột chạy khắp nơi, từ lối đi tới các ngóc ngách trong phòng trọ.
Ngay đến chuyện ăn uống hằng ngày cũng khiến vợ chồng chị Trang mệt mỏi, không phải vì thiếu ăn mà vì hơi nóng. “Mỗi lần nấu ăn trong nhà, vợ chồng tôi đổ hết mồ hôi như đang đi xông. Không thở nổi nên chồng tôi than miết, mỗi lần tôi nấu cơm là ảnh chạy ra ngoài”, chị Trang lắc đầu ngao ngán.
Do ẩm thấp nên khu vực này có khá nhiều chuột, nhiều đêm chị Trang không thể ngủ vì chuột quậy phá. |
Sinh hoạt khó khăn, bất tiện trăm bề nhưng chị Trang và chồng không dám chuyển chỗ ở vì “ở đây rẻ, đi chỗ khác tiền đâu mà trả”. Mỗi tháng, vợ chồng chị Trang sống tằn tiệm để gửi vài triệu về quê lo ăn học cho con gái lớp 10 và cậu con trai lớp 9.
“Tiền phòng chỉ 700.000 đồng/tháng luôn cả điện nước, quá hợp túi tiền! Vậy mà tôi vẫn đang thiếu nợ chủ nhà 2 tháng tiền phòng… Dù nhớ con lắm nhưng tôi chưa bao giờ đưa con lên chơi vì nhà quá chật chội, lên rồi không có chỗ để ngủ”, chị Trang trải lòng.
“Ở trọ khổ lắm, được hỗ trợ thì không gì mừng hơn”
Phòng trọ của chị Hiển chỉ rộng 3m2 với giá 500.000 đồng/tháng. |
Cách phòng chị Trang chỉ vài bước chân là nơi trọ của chị Huỳnh Thị Ngọc Hiển (33 tuổi, quê Trà Vinh, công nhân ở quận Bình Tân). Để vào được phòng, chị Hiển phải leo lên chiếc thang sắt uốn lượn nhiều vòng nhưng lắc lư, cũ kỹ, vừa đủ một người bước đi.
Với giá thuê nhà chỉ 500.000 đồng/tháng, chị Hiển hài lòng và cho biết đã dần thích nghi với căn nhà chỉ hơn 3 m2, sau 4 tháng chuyển đến.
Chị Hiển cho biết chiều ngang căn phòng không đủ để duỗi chân thoải mái. |
“Tôi nhỏ nên nằm vừa khít chiều ngang căn phòng. Ai cao thì phải nằm xéo vì đồ đạc cũng chiếm hết một phần rồi, không duỗi chân được. Hơi bất tiện nhưng công nhân từ quê lên đây mưu sinh như tôi có chỗ ngủ là mừng lắm rồi…”, chị Hiển cho biết.
Cầu thang lên phòng chị Hiển cũng chỉ vừa một người đi. |
“Chồng tôi chạy xe ôm công nghệ nhưng thất nghiệp vì dịch Covid-19. Vừa rồi, vợ chồng không lo nổi tiền học trên này cho con nên làm thủ tục chuyển trường để đưa cháu về quê. Chồng tôi cũng về quê tìm việc làm luôn. Cuộc sống khó khăn nên gia đình đành chấp nhận chia cắt “, chị Hiển chia sẻ.
Từ khi chồng về quê, chị Hiển trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình. Một mình ở lại đất khách, chị buồn nhiều nhưng phải cố gắng. Không chỉ nuôi con lớn ăn học, con út của chị bị viêm phổi, luôn cần tiền mua thuốc.
Cửa phòng khá thô sơ, chỉ cần đẩy nhẹ có thể bung khóa. |
Thu nhập ít, chi tiêu nhiều, chị Hiển cho biết, những phận đời công nhân như chị chỉ mong có sức khỏe để làm việc chứ không dám nghĩ đến chuyện được sống thoải mái, an toàn, vệ sinh.
Vừa qua, khi có thông tin thành phố chuẩn bị phương án xây nhà cho công nhân và người thu nhập thấp, chị Hiển không kiềm được nước mắt: “Ở trọ khổ lắm, được hỗ trợ thì không còn gì mừng hơn”.
Hiện, hàng ngàn công nhân, người lao động đang phải sống trong những khu nhà trọ “hộp diêm” ở TPHCM. |
Nguồn: Báo xây dựng