Cần phát triển bền vững để tái lập vẻ đẹp nguyên sơ của Đà Lạt
(Xây dựng) – Đến lúc phải quyết liệt nói “không” trước đô thị hóa không kiểm soát và nói “có” với các hoạt động bền vững nhằm bảo vệ vẻ đẹp nguyên sơ của Đà Lạt. Bài viết dưới đây là phân tích của Tiến sỹ Daisy Kanagasapapathy – Giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, trong nghiên cứu mới nhất của bà.
Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy – giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam. |
Đà Lạt, thành phố đẹp như tranh nép mình trên cao nguyên Lâm Viên, làm say lòng bao du khách từ khắp nơi trên thế giới bằng cảnh quan tươi tốt, khí hậu mát mẻ và sức hấp dẫn đầy mê hoặc. Tuy nhiên, những vụ sạt lở đất, cháy rừng, lũ lụt gần đây đã làm lu mờ vẻ đẹp tự nhiên của thành phố, dấy lên mối lo ngại hết sức khẩn thiết về các thách thức môi trường đang đe dọa địa điểm du lịch vốn rất được yêu thích này.
Điều gì đang xảy ra với Đà Lạt?
Hiện trạng Đà Lạt đang ở thời điểm mang tính quyết định. Các vụ lở đất và cháy rừng nghiêm trọng phơi bày hậu quả của quá trình đô thị hóa không kiểm soát và nạn phá rừng tràn lan. Sự phát triển nhanh chóng và canh tác nhà kính quá độ đã đẩy nhanh sự xói mòn, làm suy yếu hệ thống phòng thủ tự nhiên chống lại thảm họa, dẫn đến hậu quả thảm khốc cho môi trường và người dân nơi đây.
Trong nghiên cứu gần đây của tôi từ tháng 6/2022 đến tháng 4/2023, tôi đã phát hiện ra mối tương quan đáng chú ý giữa việc mở rộng đô thị và sự gia tăng lan tràn của nhà kính, dẫn đến nạn phá rừng đáng kể trong khu vực. Dư thừa nhà kính khiến đất đai bị xói mòn, giảm khả năng hấp thụ nước và tăng nguy cơ lũ lụt. Thêm vào đó, nạn phá rừng khiến hệ thống thoát nước tự nhiên bị đứt gãy, dẫn đến dễ sạt lở và xói mòn đất.
Tình trạng dư thừa nhà kính tại Đà Lạt khiến đất đai thoái hóa (ảnh: Unsplash). |
Ngay cả nhận thức và hiểu biết về tầm quan trọng của tính bền vững của nhóm du khách đến Đà Lạt cũng có sự chênh lệch đáng kể. Dữ liệu thu thập từ 1.750 người tham gia nghiên cứu trong cùng khoảng thời gian trên cho thấy 22% du khách vẫn chưa nhận thức được ý nghĩa của bền vững, trong khi 59% hiểu biết chung chung do chịu ảnh hưởng từ bạn đồng hành.
Tương lai của Đà Lạt trong chặng đường phía trước
Để tạo ra một tương lai tươi sáng và bền bỉ hơn cho Đà Lạt, cần tiếp cận phát triển bền vững một cách toàn diện. Thời điểm thành phố đang phải đối mặt với những thách thức môi trường cấp bách, đã có một số chiến lược quan trọng nổi lên, soi sáng cho hành trình bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên và hài hòa với môi trường xung quanh quý giá nơi đây.
Trước tiên, quy hoạch đô thị toàn diện nổi lên như một nền tảng trụ cột trong việc theo đuổi hành trình này. Điều thiết yếu là thiết lập cân bằng hài hòa giữa phát triển đô thị và bảo tồn môi trường. Bằng cách thực hiện vành đai xanh và các vùng đệm tự nhiên, Đà Lạt có thể giảm thiểu hiệu quả tác động của đô thị hóa, giảm nguy cơ sạt lở và xói mòn đất. Hơn nữa, bảo tồn không gian tự nhiên và thực thi các quy định phân vùng sẽ bảo vệ trạng thái cân bằng sinh thái của Đà Lạt cho thế hệ tương lai.
Thứ hai, thay đổi toàn diện hướng tới thúc đẩy du lịch bền vững sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nét đẹp nguyên sơ của nơi này. Theo đuổi hoạt động du lịch bền vững như quản lý chất thải đúng cách, bảo toàn năng lượng và kết nối tích cực với cộng đồng địa phương sẽ đóng góp đáng kể vào việc bảo tồn môi trường.
Bên cạnh đó, những hoạt động này còn tác động gián tiếp đến khách du lịch, nuôi dưỡng ý thức tôn trọng và trân quý sâu sắc môi trường tuyệt vời mà họ may mắn được khám phá. Đà Lạt có thể triển khai các chương trình giáo dục và chiến dịch quảng bá thông tin tại các trung tâm du lịch, khách sạn và điểm đến phổ biến, nêu bật tầm quan trọng của hành vi du lịch có trách nhiệm và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Hợp tác với các hãng du lịch và doanh nghiệp lữ hành để tích hợp thông điệp bền vững vào lịch trình, đồng thời cung cấp chương trình chứng nhận du lịch bền vững cho doanh nghiệp địa phương sẽ giúp đẩy mạnh các lựa chọn có trách nhiệm.
Thứ ba, thiết lập các cơ chế giám sát và thực thi bảo vệ môi trường mạnh mẽ là một bước quan trọng khác. Thực hiện giám sát theo thời gian thực về biến đổi môi trường, chất lượng nước và mức độ ô nhiễm không khí sẽ cung cấp dữ liệu quý báu để đưa ra quyết định sáng suốt. Hơn nữa, việc thực thi nghiêm ngặt các quy định về môi trường và áp dụng hình phạt với vi phạm vừa sẽ có tác dụng răn đe mạnh mẽ ngăn chặn các hành vi phá hoại, vừa nuôi dưỡng văn hóa trách nhiệm trong người dân và doanh nghiệp.
Thứ tư, hành trình hướng đến bền vững của Đà Lạt cần gắn liền với chuyển đổi thiết yếu trong các hoạt động nông nghiệp. Thực hiện canh tác hữu cơ và nông lâm kết hợp sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên tài nguyên thiên nhiên vô giá. Khuyến khích quản lý nhà kính có trách nhiệm và thúc đẩy nông nghiệp bền vững sẽ đóng góp đáng kể vào việc bảo tồn môi trường.
Đà Lạt cần thiết lập cơ chế giám sát và thực thi môi trường mạnh mẽ (ảnh: Unplash). |
Thứ năm, nâng cao không gian xanh và bảo tồn đa dạng sinh học là điều cần thiết khi thực hiện sứ mệnh này. Thông qua việc mở rộng không gian xanh trong thành phố, Đà Lạt sẽ bảo vệ được sự đa dạng sinh học phong phú, tạo ra thiên đường nghỉ ngơi giải trí cho người dân, cải thiện chất lượng không khí và nâng cao sức khỏe. Hơn nữa, thiết lập các khu bảo tồn và hành lang động vật hoang dã sẽ cung cấp nơi trú ẩn quan trọng, nuôi dưỡng các loài động thực vật độc đáo của khu vực và bảo tồn chúng cho thế hệ tương lai.
Cuối cùng, đầu tư vào khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ tương lai của Đà Lạt. Vào thời điểm Liên hợp quốc vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo về kỷ nguyên “đun sôi toàn cầu” đang tới gần, Đà Lạt phải đưa ra các biện pháp chủ động chuẩn bị cho những tác động không tránh khỏi của biến đổi khí hậu. Thành phố phải thích nghi và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý báu của nơi đây khỏi sự nóng lên toàn cầu.
Để vượt qua những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, Đà Lạt phải ưu tiên vào đầu tư chiến lược. Thực hiện các hệ thống kiểm soát lũ lụt mạnh mẽ, các biện pháp kiểm soát xói mòn và kế hoạch quản lý nước toàn diện sẽ là những điều thiết yếu trong việc củng cố giúp thành phố chống lại những tác động của khí hậu bất thường. Thông qua những biện pháp chủ động này, Đà Lạt có thể bảo vệ môi trường và người dân khỏi những hậu quả tiềm tàng liên quan đến biến đổi khí hậu.
Bằng việc chú ý đến các cảnh báo và phản ứng bằng hành động, Đà Lạt có thể trở nên kiên cường và thích nghi, đứng vững giữa những thách thức của khí hậu đầy biến động trong tương lai. Nếu cùng nhau hành động, chúng ta có thể đảm bảo một tương lai trong đó vẻ đẹp tự nhiên của Đà Lạt sẽ nở rộ, trở thành minh chứng cho sức mạnh bền vững của quản lý tỉnh thức.
Tiến sỹ Daisy Kanagasapapathy
Giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam
Nguồn: Báo xây dựng