Cần phát huy tối đa tiềm năng nguồn cát nhân tạo

(Xây dựng) – Nước ta hiện có trên 330 mỏ cát sông với tổng trữ lượng gần 2.100 triệu m3. Theo đánh giá, nguồn cung cát tự nhiên chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Việc nghiên cứu, sản xuất cát nhân tạo được xem là hướng đi phù hợp, đáp ứng nhu cầu về nguồn cung cho thị trường trong tương lai gần.

Thời gian qua, tình trạng thiếu cát tại các công trình giao thông trọng điểm là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ. Đặc biệt là các một số công trình trọng điểm ở khu vực phía Nam, tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng cát xây dựng trong nhân dân vẫn đang ở mức cao.

Khi mà nguồn cung cát tự nhiên phục vụ các dự án ngày càng gặp khó thì giải pháp cát nhân tạo được xem là một trong những “cứu cánh” có thể giải quyết được bài toán nguồn cung cho loại vật liệu xây dựng này. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Thái Duy Sâm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM) về vấn đề trên.

Cần phát huy tối đa tiềm năng nguồn cát nhân tạo
Tiến sĩ Thái Duy Sâm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết thực trạng tài nguyên cát tự nhiên của Việt Nam hiện nay như thế nào? Với trữ lượng hiện tại, liệu nguồn cung có đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng chung?

Tiến sĩ Thái Duy Sâm: Cát xây dựng là vật liệu xây dựng thông thường nhưng có vai trò quan trọng trong thi công xây dựng các công trình. Theo xuất xứ, cát có hai loại, thứ nhất là cát tự nhiên gồm cát sông, cát mỏ, cát biển, theo TCVN 7570:2012 – Việt Nam. Tại nước ta hiện chủ yếu khai thác và sử dụng cát sông. Loại thứ hai là cát nhân tạo hay cát nghiền, loại này được chế tạo từ đá hoặc các phế thải, theo TCVN 9205: 2012. Đối với loại vật liệu này hiện chưa được phổ biến rộng rãi ở nước ta.

Còn theo lĩnh vực sử dụng có thể phân thành các loại như: Cát cho sản xuất bê tông; cát cho sản xuất vữa xây dựng; cát làm vật liệu san lấp; cát làm nguyên liệu cho sản xuất thủy tinh – kính xây dựng.

Nhìn chung hiện nay nước ta đang gặp tình trạng khan hiếm cát xây dựng nghiêm trọng. Theo thống kê của Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam cho thấy, nước ta có 331 mỏ cát sông với tổng trữ lượng khoảng 2.079,72 triệu m3. Nguồn cát chính cung cấp cho sản xuất bê tông và vữa chủ yếu tập trung ở các dự án được cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác các mỏ hoặc nạo vét khơi thông luồng lạch, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60 – 65% nhu cầu và cung cấp cho các đô thị lớn.

Đối với cát san lấp, nhu cầu hàng năm cần từ 525 – 575 triệu m3. Theo khảo sát, hiện cả nước có 71 cơ sở khai thác cát san lấp được cấp phép với tổng công suất đạt trên 4,5 triệu m3/năm, mới đáp ứng được 1,5% so với mức độ tiêu thụ cát xây dựng.

Theo dự báo, nguồn tài nguyên cát sẽ sớm cạn kiệt và nguy cơ nước ta nhập khẩu cát xây dựng là điều có thể sẽ xảy ra.

PV: Hiện nay, nước ta có cơ chế, chính sách nào cho cát nhân tạo (cát nghiền) không thưa ông?

Tiến sĩ Thái Duy Sâm: Như đã nói, nguồn cung cát tự nhiên ở nước ta hiện chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Do đó, trong định hướng phát triển vật liệu xây dựng ngay từ những năm đầu của thế kỷ 21, Chính phủ đã có những động thái tích cực nhằm ngăn cấm việc khai thác cát tự nhiên bừa bãi và khuyến khích các nhà khoa học, nghiên cứu sản xuất sử dụng cát nhân tạo, thay thế cát tự nhiên, đảm bảo chất lượng công trình, mang tính bền vững.

Cụ thể, ngày 29/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020. Trong đó đã đề cập đến việc phát triển sản xuất cát nghiền với công nghệ tiên tiến, công suất từ 50.000 m3/năm trở lên để thay thế cát tự nhiên sử dụng cho bê tông.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014, khuyến khích các cơ sở khai thác, sản xuất đá phối hợp đầu tư hoặc liên kết với cơ sở sản xuất cát nghiền… nhằm tận dụng nguyên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, tăng nguồn vật liệu xây không nung ở địa phương; khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cát nghiền để đạt tổng công suất thiết kế đến năm 2020 đạt khoảng 10 triệu m3/năm.

Cùng với đó, tại Thông báo số 161/2017/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên. Thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Xây dựng đã giao cho các đơn vị nghiên cứu để sản xuất và sử dụng cát nhân tạo.

Năm 1999 – 2000, VIBM đã hoàn thành đề tài Nghiên cứu công nghệ sản xuất cát nghiền ở Việt Nam. Sau đó đã nghiên cứu xây dựng TCVN 9205:2012 – Cát nghiền cho bê tông và vữa và TCVN 9382:2012 – Chỉ dẫn kỹ thuật chọn thành phần bê tông sử dụng cát nghiền.

Trên cơ sở đó, cát nghiền đã được đầu tư sản xuất và đưa vào sử dụng để sản xuất bê tông xây dựng cho nhiều công trình lớn như: Nhà máy thủy điện Đồng Nai 4, Nhà máy thủy điện Lai Châu, Nhà máy thủy điện Sơn La… và nhiều công trình xây dựng khác.

Hiện nay cát nhân tạo không chỉ được nghiền từ đá mà còn được nghiền từ phế thải xây dựng, chất thải các ngành công nghiệp khác như khai thác chế biến khoáng sản, luyện kim…

Cần phát huy tối đa tiềm năng nguồn cát nhân tạo
Cát nhân tạo tiềm năng lớn nhưng nhiều thách thức, rào cản.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và thách thức của cát nhân tạo?

Tiến sĩ Thái Duy Sâm: Có thể khẳng định, tiềm năng của cát nhân tạo ở nước ta là rất lớn. Tôi lấy ví dụ, nhu cầu cát cho xây dựng ở nước ta rất lớn và ngày càng tăng trong khi đó trữ lượng cát tự nhiên lại hạn chế và ngày càng cạn kiệt. Việc khai thác cát tự nhiên gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho môi trường và cuộc sống tương lai.

Cát nhân tạo đã được nghiên cứu và sản xuất, ứng dụng trong xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với công nghệ ngày càng hiện đại, việc sản xuất cát nhân tạo không còn là điều gì đó quá lớn lao. Đặc biệt, việc sản xuất cát nhân tạo cũng đã được Bộ Xây dựng cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng.

Ngoài ra, nguồn nguyên liệu cho sản xuất cát nhân tạo ở nước ta khá dồi dào, bao gồm đá tự nhiên và phế thải các ngành Xây dựng, khai thác chế biến khoáng sản, luyện kim… Nói về thách thức, dù Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích sản xuất và sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên, nhưng hiện nay, việc sản xuất và sử dụng cát nhân tạo vẫn còn nhiều rào cản.

Có thể khẳng định, việc sử dụng cát nhân tạo trong các công trình xây dựng ở nước ta vẫn chưa được phổ biến nên các nhà đầu tư chưa mạnh dạn sản xuất.

Điều này đến từ một số nguyên nhân như: Thói quen sử dụng cát tự nhiên lâu nay vẫn chưa thể bỏ được, trong khi đó khái niệm cát nhân tạo vẫn còn khá xa lạ. Các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá, hướng dẫn sử dụng liên quan đến sản xuất và sử dụng cát nhân tạo chưa được đồng bộ. Giá thành sản xuất cát nhân tạo còn cao, khó cạnh tranh với cát tự nhiên. Cùng với đó, các chính sách, cơ chế khuyến khích sản xuất và sử dụng cát nhân tạo chưa đầy đủ, chưa thực sự có hiệu quả trong thực tế.

PV: Tiềm năng thì đã rõ, vậy theo ông, đâu là “nút thắt” để đưa cát nhân tạo phổ biến rộng rãi hơn trong xây dựng?

Tiến sĩ Thái Duy Sâm: Theo tôi, để phát huy tối đa tiềm năng của cát nhân tạo và đưa cát nhân tạo vào các công trình xây dựng cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Vai trò của các cơ quan Nhà nước là rất quan trọng, trước tiên, phải rà soát bổ sung, sửa đổi, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích có hiệu quả việc sản xuất và sử dụng cát nhân tạo như: Các chính sách ưu đãi về thuế, chuyển giao công nghệ, vốn vay… cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và sử dụng cát nhân tạo.

Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, kinh doanh, sử dụng cát tự nhiên trái pháp luật, có các chế tài đủ mạnh để hạn chế việc khai thác, kinh doanh, sử dụng cát tự nhiên; tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao mức thuế tài nguyên đối với cát tự nhiên; quy định các loại công trình phải sử dụng cát nghiền; có các chế tài đủ mạnh để quản lý, xử phạt các vi phạm về sản xuất và sử dụng cát xây dựng.

Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật, bộ định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đối với các loại cát nhân tạo trong xây dựng, nhằm đảm bảo có đầy đủ cơ sở pháp lý để các địa phương, tổ chức cá nhân thúc đẩy sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi tư duy, thói quen sử dụng cát tự nhiên tăng cường sử dụng cát nhân tạo.

Riêng các doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo, theo tôi, cần phải tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ để giải quyết khó khăn về khâu kỹ thuật trong sản xuất và sử dụng cát nhân tạo.

Tiếp tục đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên dùng cho bê tông và vữa xây dựng; ứng dụng các công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại trong sản xuất cát nhân tạo, nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Nghiên cứu, sử dụng phế thải xây dựng, chất thải của công nghiệp luyện kim, khai thác chế biến khoáng sản làm đầu vào cho sản xuất cát nhân tạo. Cải tiến quản trị doanh nghiệp, tăng cường tiếp thị tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh…

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích