Cần những tấm gương liêm chính

Lựa chọn cán bộ vào Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh cần tránh trường hợp “chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người”.

Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) vào tháng 5 vừa qua đã bàn và thống nhất rất cao chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo); coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Ngày 2/6, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký Quy định số 67 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo. Theo đó, tổ chức bộ máy Ban chỉ đạo gồm Trưởng Ban là Bí thư tỉnh ủy, thành ủy. Các Phó Trưởng ban ở cấp tỉnh là Phó bí thư thường trực; Trưởng ban nội chính; Trưởng ban tổ chức; Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra; Giám đốc công an; Trưởng ban nội chính (Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh).

Ban chỉ đạo còn có các ủy viên là lãnh đạo một số cơ quan cấp tỉnh. Ngoài thành phần, cơ cấu nêu trên, Quy định số 67 nêu rõ trường hợp thật cần thiết phải điều chỉnh về cơ cấu thành viên của Ban chỉ đạo cấp tỉnh thì ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy báo cáo, xin ý kiến của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương trước khi quyết định.

can nhung tam guong liem chinh
(Tranh minh họa: Ngọc Diệp)

Như vậy, thành phần và cơ cấu của Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã được quy định rõ, song không phải “cứng” mà có thể thay đổi phù hợp với thực tế sau khi xin ý kiến cấp Trung ương. Vấn đề quan trọng hơn, theo ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nêu rõ “phải lựa chọn những người thực sự tiêu biểu, gương mẫu, có tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tham gia Ban chỉ đạo”, “không phải vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn về sự gương mẫu, liêm khiết”.

Nói cách khác, không thể để xảy ra trường hợp “chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người”.

Tại cuộc thông báo kết quả Phiên họp thứ 22 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương chủ trì chiều 17/8, báo chí đã nêu vấn đề Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có vi phạm “đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”, nhưng đang làm Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương; Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình Trần Hồng Quảng từng bị kỷ luật cảnh cáo, nhưng vẫn là Phó trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Theo đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, việc xem xét, giới thiệu, bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo phải trải qua quá trình; trường hợp phát hiện có vi phạm thì sẽ xem xét, xử lý nghiêm và “quan trọng là chúng ta không bao che”. Cụ thể với trường hợp đã tham gia vào Ban chỉ đạo mà đến nay phát hiện sai phạm thì “tinh thần là phải xử lý, sai tới đâu xử lý tới đó; sau khi xử lý chắc chắn là phải đưa ra khỏi cơ quan này”.

Còn với trường hợp Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình, đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương nói sẽ rà soát và đề nghị Ban chỉ đạo tỉnh Ninh Bình giải trình.

Một ngày sau cuộc họp báo nêu trên, ngày 18/8, Ban thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh này. Và Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình Trần Hồng Quảng không còn tham gia Ban chỉ đạo.

Theo Quy định số 67, các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà Ban chỉ đạo cấp tỉnh cần chỉ đạo thực hiện sau khi được thành lập, là đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, đặc biệt là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị; đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở…

Với các nhiệm vụ quan trọng nêu trên, có thể thấy nhân sự cụ thể tham gia Ban chỉ đạo có ý nghĩa quyết định đến kết quả hoạt động của Ban, quyết định đến việc có hay không tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo: “Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả”.

Thiết nghĩ, các thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh phải là những tấm gương về sự liêm chính và có tinh thần đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực; trường hợp có nhận sự không đáp ứng được tiêu chí này thì tổ chức cần nhanh chóng kiện toàn. Về mặt cá nhân, việc nhận khuyết điểm và chủ động xin ra khỏi những vị trí không phù hợp, bản thân không xứng đáng, cũng là một cách hành xử tự trọng, nên có!

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích