Cần nhiều điểm mới nhằm tháo gỡ những vướng mắc về đất đai cho Đà Nẵng

Cần nhiều điểm mới nhằm tháo gỡ những vướng mắc về đất đai cho Đà Nẵng

Duy Quốc –  Thứ tư, 01/03/2023 07:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo ông Lê Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần có nội dung về lấn biển để thể chế hóa, làm cơ sở pháp lý cho lấn biển. Nếu làm được điều này thì Đà Nẵng phát triển kinh tế biển mạnh mẽ.

Ngày 28/2, ông Ngô Xuân Thắng – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng; ông Hồ Kỳ Minh và ông Lê Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; ông Đào Trung Chính – Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chủ trì 4 phiên thảo luận về 4 chuyên đề liên quan đến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

tm-img-alt
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng (đầu tiên từ trái sang) đồng chủ trì phiên thảo luận chuyên đề.

Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề, ông Lê Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Tổng Cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có văn bản hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc là các dự án có quy mô nhỏ hơn 5ha thì không phải làm quy hoạch chi tiết 1/500, cần có bản vẽ mặt bằng trong hồ sơ đấu giá đất để đưa các chỉ tiêu kiến trúc, hệ số sử dụng đất… để cơ sở pháp lý đấu giá đất. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì vẫn còn quy định là phải có quy hoạch chi tiết 1/500.

tm-img-alt
Ông Lê Quang Nam (giữa) – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

“Mục tiêu là chúng ta làm quy hoạch để đưa ra được giá đất để đấu giá. Thành phố cho rằng, việc hạn chế làm giá đất cụ thể, nhất là trong lĩnh vực đấu giá đất vì quá mất thời gian cho việc làm giá đất cụ thể, nhưng thực tế khi đấu giá thì giá trúng đấu giá là khác. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, không cần quy định có quy hoạch chi tiết 1/500 khi đấu giá đất.

Trong Luật Đất đai cần có nội dung về lấn biển để thể chế hóa, làm cơ sở pháp lý cho lấn biển. Nếu làm được điều này thì Đà Nẵng phát triển kinh tế biển mạnh mẽ. Dự án Khu đô thị Đa Phước nếu đi vào hoạt động thì mỗi năm thu được khoảng 100 tỷ đồng, nhưng lại không hoạt động 10 năm nay nên rất lãng phí nguồn lực.

Do vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần quy định cụ thể hơn vấn đề lấn biển cùng các vấn đề liên quan để tháo gỡ các vướng mắc”, ông Lê Quang Nam đề nghị.

Theo ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng, Dự thảo đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; hệ thống quy hoạch sử dụng đất bảo đảm đồng bộ ba cấp, trong đó quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chi tiết đến khu dân cư.

Bổ sung nội dung quy hoạch thể hiện được chỉ tiêu, không gian sử dụng đất; Xác định khu vực sử dụng đất cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định, khu vực phát triển; Định hướng phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại dịch vụ; đổi mới về phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Hoàn thiện các quy định về sự tham gia của người dân trong lập, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyền của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch; Trách nhiệm công khai thông tin; Quy định về rà soát, điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án không có khả năng thực hiện.

tm-img-alt
Ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng tổng hợp góp ý tham luận tại các phiên thảo luận.

Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu và chuyên gia đề nghị xem lại theo hướng bỏ nội dung “công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư” nêu trên do đã có sự xung đột với pháp luật về đầu tư. Luật đầu tư đã quy định để chấp thuận chủ trương đầu tư phải đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (nếu có) và đánh giá nhu cầu sử dụng đất, trong đó có yêu cầu đánh giá sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo đó, chủ trương đầu tư có sau quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Việc quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh căn cứ vào chủ trương đầu tư như dự thảo sẽ gây chồng chéo. Tương tự, với căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được quy định tại điểm d khoản 5 Điều 65 dự thảo cần bỏ quy định:“chủ trương đầu tư để thực hiện các công trình, dự án trong năm kế hoạch”.

Đồng thời, các đại biểu và chuyên gia cũng đã thống nhất nhận xét dự thảo lần này đã đáp ứng đúng định hướng, chủ trương phát huy tối đa tiềm lực đất đai để phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết phần lớn các tồn tại, bất cập trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất hiện nay.

Ngoài giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ, kết luận của kiểm toán Nhà nước và bản án của Tòa án nhằm khơi thông nguồn lực về đất đai, nguồn lực xã hội để thúc đẩy sự phát triển của Đà Nẵng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích