Căn nhà nơi Bác Hồ từng lưu trú trước khi ra đi tìm đường cứu nước
Trong thời gian lưu trú tại căn nhà ở Sài Gòn, Bác Hồ đã lao động nhiều nơi, tìm hiểu đời sống người dân để chuẩn bị cho việc ra đi tìm đường cứu nước.
Căn nhà số 1-2-3 Bến Testard (nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5, TPHCM) từng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu trú 9 tháng trước khi lên tàu sang Pháp tìm đường cứu nước năm 1911. Trong ba căn nhà đó có một căn được giữ lại làm di tích lưu niệm, tọa lạc số 5, đường Châu Văn Liêm.
Ngày nay, nhìn từ bên ngoài, căn nhà mang đậm vẻ cổ kính, hoài niệm với tầng trệt và một tầng lầu, mái lợp ngói âm dương. Dù dòng chảy thời gian hối hả, “Nhà Bác Hồ” vẫn lưu giữ những nét kiến trúc xưa cùng những hình ảnh lưu niệm, tư liệu quý về Người, trở thành điểm tổ chức các hoạt động dành cho tuổi trẻ thành phố.
Căn nhà trước đây là cơ sở của phân cuộc Liên Thành thương quán – một tổ chức kinh doanh do sĩ phu Bình Thuận thành lập năm 1906, đã giúp đỡ, hỗ trợ tài chính cho Người trước khi lên tàu sang Pháp.
Năm 1988, nơi này được công nhận Di tích lịch sử quốc gia. Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023) và 112 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2023), phóng viên Dân trí có dịp ghé thăm nơi người dân TPHCM đã quen gọi với cái tên gần gũi là “Nhà Bác Hồ”.
Ở tầng một, giữa ngôi nhà là bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hằng năm, mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cũng như các ngày lễ lớn của dân tộc, lãnh đạo thành phố, các quận huyện, các tổ chức chính trị – xã hội và người dân đều dành thời gian ghé đến dâng hương tưởng niệm và báo công với Bác.
Hai bên vách tường ở tầng một trưng bày các hình ảnh gợi nhớ làng quê của Bác, lãnh tụ của các phong trào yêu nước, các cơ sở của Liên Thành thương quán, bản đồ Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1911, hình ảnh Sài Gòn xưa…
Hình ảnh con tàu La Tút-sơ Đờ Tờ-rê-vin-lơ. Theo nhiều tài liệu lịch sử, cũng từ chính con tàu huyền thoại này, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành (với tên gọi Nguyễn Văn Ba hay Anh Ba) đã ra đi tìm đường cứu nước vào trưa 5/6/1911.
Hình ảnh tư liệu về nơi Bác Hồ học tập và làm việc ở các nước Pháp, Mỹ và Liên Bang Nga sau khi rời Cảng Nhà Rồng cũng được trưng bày tại căn nhà số 5 Châu Văn Liêm.
Chiếc cầu thang gỗ dẫn lên tầng 2 của căn nhà là nơi bài trí các tài liệu, hình ảnh, tranh vẽ minh họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh; các hoạt động tiếp nối truyền thống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người dân chăm chú quan sát các hình ảnh về Bác Hồ được trưng bày tại tầng 2 di tích, ảnh chụp chiều 18/5.
Bản đồ về hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 1911-1941. Cuộc hành trình đó đã đưa người trí thức trẻ yêu nước qua 3 đại dương, 4 châu lục là Á, Âu, Phi, Mỹ và gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa…
Hình ảnh về một ngôi nhà khác mà Bác Hồ đã ở. Đây là nhà ông Lê Văn Đạt tại xóm cầu Rạch Bần, nay là số nhà 185/1 đường Cô Bắc (quận 1, TPHCM). Tuy nhiên, ngôi nhà cổ này ngày nay đã không còn nữa.
Căn nhà số 88/5 đại lộ Lê Lợi, nơi Bác Hồ và các trí thức trong Ban Quản trị Liên Thành đến nghe thuyết giảng (sau này là nơi thành lập chi bộ đầu tiên của An Nam Cộng Sản Đảng).
Bộ trang phục và dụng cụ cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phục chế lại để trưng bày tại tầng 2 của di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại TPHCM, nhà số 5 Châu Văn Liêm (quận 5) cùng Bến Nhà Rồng (quận 4) là những di tích lịch sử vô cùng quý giá về Bác Hồ. Đây cũng là nơi mà các thế hệ cháu con tìm về để hiểu và trân trọng hơn giá trị của lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh kiên cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguồn: Báo xây dựng