Cần nguồn lực đủ mạnh để hỗ trợ khởi nghiệp

Tạo “không gian” cho các mô hình kinh doanh mới

Triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Chính phủ, các thành phần kinh tế, xã hội đã tích cực tham gia vào khởi nghiệp. Nhưng việc làm thế nào để tạo nên những mô hình tăng trưởng mới và có đóng góp rõ rệt hơn vào nền kinh tế là điều đáng bàn.

Tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Chương trình khởi nghiệp quốc gia 2023, Tiến sĩ Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, điểm quan trọng trong việc kết nối các nguồn lực cho khởi nghiệp là xây dựng đội ngũ huấn luyện viên khởi nghiệp, có các cơ chế mở cho các mô hình kinh doanh mới và tìm kiếm nguồn lực đủ mạnh mẽ để hỗ trợ khởi nghiệp.

Cần nguồn lực đủ mạnh để hỗ trợ khởi nghiệp
Một gian hàng tại chương trình Khởi nghiệp sáng tạo 2023.

Theo ông Phạm Hồng Quất, hiện nay các địa phương đang khuyến khích khởi nghiệp, nhưng thiếu nhất là các huấn luyện viên chuyên nghiệp. Ngoài ra, các vườn ươm khởi nghiệp cũng đang thiếu vốn để có thể mời các huấn luyện viên quốc tế về đào tạo. Việc đào tạo nhân lực sẽ lấp được chỗ trống của các “vườn ươm” để có thể gọi vốn từ các nhà đầu tư quốc tế.

Nhìn từ kinh nghiệm của các nước như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, trong khi khởi nghiệp được định hướng theo từng lĩnh vực, thì ở Việt Nam, sự phát triển chưa đồng đều, chưa có điểm nhấn. Hơn nữa, dù “cơ chế đặc thù” đã được nhắc đến nhiều nhưng thực tế hiện nay chưa có “không gian” cho các mô hình kinh doanh mới. Các trung tâm hỗ trợ chuyên nghiệp hiện chưa được quan tâm chính đáng.

Một khó khăn thực tế như khi các trung tâm muốn tổ chức tọa đàm quốc tế để gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, thủ tục cấp phép để được tổ chức hội thảo cần thông qua Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân, dù chỉ có 10 nhà đầu tư tham gia, nhưng thủ tục có thể mất thời gian rất lâu. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài thường không đủ thời gian để chờ đợi.

Về việc hỗ trợ để phát triển các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là về công nghệ, ông Phạm Hồng Quất cũng cho rằng, chưa có cơ chế để tiến hành thực nghiệm. Chưa có đơn vị bảo lãnh cho mô hình mới trong khi Singapore, Thái Lan đã có cơ chế thực nghiệm cho các mô hình đó. Điều này khiến cho nhiều mô hình khởi nghiệp mới buộc phải chuyển sang các quốc gia khác để phát triển. Vì vậy, theo ông Phạm Hồng Quất. cần phải có không gian thử nghiệm các mô hình mới và cơ chế đặc thù để phát triển mô hình khởi nghiệp.

Ngoài ra, theo ông Phạm Hồng Quất, cần tìm được điểm kết nối các nguồn lực; tiên phong trong công nghệ, đầu tư, mô hình kinh doanh khởi nghiệp.

Cần chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới

Tiến sĩ Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) cho biết, cách đây 12 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW. Nghị quyết được ban hành rất kịp thời và đúng đắn, đóng góp những điểm tích cực về môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, để phát huy hơn nữa vai trò đội ngũ doanh nhân phù hợp mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra thì cần những giải pháp, chủ trương mới mang tính đột phá hơn nữa, chính vì vậy Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 vừa qua.

Theo ông Lương Minh Huân, Nghị quyết 41 đã đưa ra quan điểm rất rõ rệt, nêu bật được vai trò của đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, an ninh quốc phòng trong thời kỳ mới,… Như vậy, đội ngũ doanh nhân không chỉ giới hạn về mặt kinh tế mà còn tham gia vào ổn định xã hội, đặc biệt là an ninh quốc phòng. Đây là quan điểm mang tính đột phá nâng tầm vai trò của đội ngũ doanh nhân.

Để thực hiện, phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân, Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ cho hệ thống Đảng và hệ thống chính trị, hoàn thiện xây dựng môi trường kinh doanh phải thuận lợi, an toàn và bình đẳng để giúp doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Nghị quyết đã thêm 2 cụm từ mới được cho là điểm nhấn, đó là an toàn và bình đẳng để giúp cho doanh nhân, doanh nghiệp và hoạt động khởi nghiệp yên tâm cống hiến. Để hiện thực hóa, Nghị quyết cũng đề ra các chính sách, chế tài về mặt kinh tế để tránh hình sự hóa quan hệ kinh tế.

Một điểm nhấn nữa của Nghị quyết là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, trong lĩnh vực mới; đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong đó có hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, quyền sở hữu tài sản, quyền khởi nghiệp trong kinh doanh để đảm bảo cho người khởi nghiệp an tâm kinh doanh.

Nghị quyết cũng đưa ra nhiều giải pháp tạo không gian phát triển cho các hoạt động khởi nghiệp. Bên cạnh đó cũng đưa ra các cơ chế đào tạo trong hoạt động khởi nghiệp, mà ngoài những kiến thức kinh tế cơ bản thì đào tạo thêm những vấn đề liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,…

Hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cả trong khu vực Nhà nước, khu vực doanh nghiệp và từ các tổ chức quốc tế theo nhiều mô hình đa dạng, phong phú. Khoảng 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp trên cả nước đã và đang hoạt động. Nhiều trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của quốc tế có hoạt động hoặc phối hợp để vận hành các không gian đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Nhờ đó, Việt Nam xếp thứ 58 trên bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.

Tuy vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích