Cần nguồn lực đầu tư để phát triển giao thông xanh bền vững

(Xây dựng) – Ngày 21/8, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Tọa đàm “Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư”. Tọa đàm nhằm kết nối các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia và doanh nghiệp để thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển giao thông xanh.

Cần nguồn lực đầu tư để phát triển giao thông xanh bền vững
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền kinh tế xanh

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, phát triển kinh tế xanh đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa XI đặt vấn đề chính thức tại Nghị quyết số 24 ngày 13/6/2013 về chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó, yêu cầu thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, nông thôn xanh.

Gần 1 thập kỷ triển khai thực hiện, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được xác định trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và tiếp tục được khẳng định tại Quyết định 81 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Trong đó, yêu cầu xây dựng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, đổi mới công cụ kinh tế, tiếp cận thị trường về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền kinh tế xanh. Đại hội Đảng lần thứ XI, XII và XIII đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông thích ứng với biến đổi khi hậu là 1 trong 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế – xã hội.

Thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876 ngày 02/7/2022 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí mê tan của ngành Giao thông vận tải, với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh, nhằm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Chương trình hành động đã đưa ra các giải pháp cụ thể cho 5 chuyên ngành giao thông vận tải quốc gia và giao thông đô thị, bao gồm: Phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia điện khí hóa, phát triển cảng xanh và lộ trình chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và năng lượng xanh.

Đồng thời, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định hỗ trợ của quốc tế là điều kiện quan trọng, tiên quyết để Việt Nam đạt được những mục tiêu đặt ra.

Sau hai năm thực hiện Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp được giao và đã đạt được một số kết quả ban đầu. Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư chuyển đổi cơ sở hạ tầng xanh, chuyển đổi phương tiện xanh.

Bộ Giao thông vận tải ghi nhận và cảm ơn các đối tác quốc tế, trong đó có Chính phủ CHLB Đức đã giúp đỡ và đồng hành cùng Bộ, các địa phương trong quá trình triển khai.

Tại sự kiện này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức đã tích cực chủ động phối hợp cùng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải tổ chức tọa đàm, nhằm trao đổi và thảo luận về những kết quả đã đạt được, đề ra các giải pháp thiết thực để thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông xanh và chuyển đổi năng lượng xanh trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị các đại biểu quan tâm, thảo luận một số nội dung: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông như đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, phát triển cảng xanh đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nước đang phát triển thu nhập trung bình cao và năm 2050 là nước phát triển thu nhập cao.

Để thực hiện cam kết đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050 cũng như mục tiêu cụ thể hơn cho ngành Giao thông vận tải theo Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng nhấn mạnh cần sự hỗ trợ rất lớn của quốc tế, không chỉ về vấn đề tài chính mà còn là kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi chính sách. Từ đó, áp dụng vào Việt Nam sao cho phù hợp với đặc thù trong nước và đặc thù của từng lĩnh vực ngành.

Các kịch bản và giải pháp để phát thải ròng tại Việt Nam về “0”

Tọa đàm “Phát triển giao thông xanh: Thách thức và Giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư” gồm phiên sáng và phiên chiều với phần tham luận và tọa đàm.

Mở đầu tham luận, GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, theo số liệu năm 2021, tiêu thụ năng lượng trong ngành Giao thông vận tải (GTVT) đứng vị trí thứ 2 (16,5%), chỉ xếp sau công nghiệp (51,4%). Hơn 95% nhu cầu năng lượng của ngành Giao thông vận tải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Năm 2020, lượng khí nhà kính (KNK) phát thải từ hệ thống năng lượng đạt xấp xỉ 300 Mt CO2eq, riêng GTVT chiếm 18% toàn ngành Năng lượng, tương đương 45,5 Mt CO2eq.

Mục tiêu đặt ra là xây dựng kịch bản giảm nhẹ phát thải KNK trong GTVT đến năm 2050 theo hướng phát thải ròng về 0, áp dụng cho 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển ven bờ và hàng không.

Có 3 kịch bản được đưa ra, gồm kịch bản BAU (phát triển GTVT theo hướng phát thải thông thường), kịch bản quốc gia tự thực hiện (kịch bản NLTN – giảm phát thải bằng nguồn lực trong nước) và kịch bản hướng tới phát thải ròng bằng 0 (kịch bản PTR0 – có sự hỗ trợ của quốc tế).

Các kịch bản này sử dụng 4 giải pháp chính gồm: Sử dụng năng lượng hiệu quả, chuyển đổi phương tiện cá nhân sang công cộng, chuyển đổi vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy, chuyển đổi nhiên liệu/năng lượng.

Dự báo kết quả giai đoạn 2025 – 2050, về luân chuyển hành khách, đường bộ luôn chiếm thị phần lớn nhất (trên 85%) và không khác biệt đáng kể giữa 3 kịch bản. Với kịch bản NLTN và PTR0, hàng không chiếm thị phần cao thứ hai, nhưng có xu hướng giảm dần và nhường thị phần cho vận tải đường sắt.

Về luân chuyển hàng hóa, đường bộ, đường ven biển và đường thủy nội địa là các lĩnh vực chiếm thị phần lớn nhất trong cả 3 kịch bản. Tuy nhiên với kịch bản PTR0, có sự chuyển dịch giảm thị phần đường bộ và tăng rõ rệt thị phần đường sắt.

Đến năm 2050, nhu cầu năng lượng của 2 kịch bản giảm phát thải là NLTN và PTR0 sẽ giảm so với kịch bản BAU. Nhiên liệu hóa thạch chiếm tỷ trọng 91,7% trong BAU, nhưng giảm còn 60,2% trong NLTN và còn 17,2% với PTR0.

Về các loại năng lượng xanh (NLX), điện được sử dụng trong lĩnh vực đường bộ theo cả 3 kịch bản từ năm cơ sở và là NLX duy nhất được sử dụng trong kịch bản BAU.

Với kịch bản NLTN và PTR0, từ năm 2035 dự kiến có thêm nhiều loại NLX như methanol, hydrogen, SAF và amoniac.

Về tổng lượng phát thải KNK, nếu theo kịch bản BAU, lượng KNK gia tăng trong suốt giai đoạn 2025 – 2050, tốc độ trung bình 4,7%/năm (không có đỉnh phát thải) và dự báo đạt khoảng 273,21 triệu tấn CO2eq vào năm 2050.

Kịch bản NLTN có thể hạ thấp lượng phát thải so với BAU nhưng phát thải KNK vẫn tăng qua các năm. Đến năm 2050, dự báo phát thải khoảng 171,65 triệu tấn CO2eq, giảm 37% so với BAU (không có đỉnh phát thải).

Với kịch bản PTR0, phát thải KNK trong năm 2050 chỉ còn khoảng 30,34 triệu tấn CO2eq, bằng 11,1% so với BAU – tỉ lệ này cơ bản tương đồng với kịch bản đã được xây dựng trong Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050.

Chi phí đầu tư giai đoạn 2025 – 2050 cho kịch bản NLTN khoảng 1.176,17 tỷ USD. Kịch bản PTR0 có chi phí 1.225,37 tỷ USD, cao hơn NLTN nhưng cơ bản sẽ hướng tới được mục tiêu phát thải về “0” vào 2050.

Để thực hiện các kịch bản này, cần có công tác quản lý Nhà nước, phối hợp liên ngành; cơ chế huy động nguồn lực và phân bổ vốn đầu tư; phát triển khoa học công nghệ, kịp thời đáp ứng chuyển đổi xanh trong lĩnh vực GTVT; đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với chuyển đổi năng lượng xanh trong GTVT; quan hệ hợp tác quốc tế; cơ chế giám sát thực hiện; cũng như truyền thông nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng.

Cần nguồn lực đầu tư để phát triển giao thông xanh bền vững
Các khách mời tham gia phần Tọa đàm.

Nhiều tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển giao thông xanh

Tại Tọa đàm, nhiều tổ chức quốc tế đã cam kết hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Cụ thể, ông Thomas Wiersing, Đại diện lâm thời, Phó trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, mục tiêu của EU là giảm 60% phát thải từ ngành Giao thông vào năm 2050, được thực hiện qua nhiều phương thức, như: Áp dụng chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn, sử dụng nhiên liệu thay thế như: Điện, hydro, đầu tư phát triển các loại hình giao thông công cộng sạch để giảm phương tiện cá nhân…

Tại Việt Nam, EU cam kết hỗ trợ giảm phát thải ngành Giao thông, hỗ trợ phát triển giao thông công cộng, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết với các đối tác phù hợp của Việt Nam.

Tương tự, ông Jin Saeun, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Hợp tác và phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) tại Hà Nội cho biết, Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm xây dựng hạ tầng giao thông xanh. EDCF đã xây dựng hệ thống đánh giá xếp hạng chỉ số xanh để đánh giá các dự án đầu tư của mình.

Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ đánh giá để đảm bảo ngưỡng phát thải và hỗ trợ đối tác đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. EDCF và Hàn Quốc cam kết hỗ trợ hết mình để Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Bà Kathleen WHIMP, Quyền Giám đốc WB tại Việt Nam – Lào – Campuchia khẳng định cam kết của WB trong hỗ trợ Việt Nam trên chặng đường phát triển giao thông xanh và phát triển bền vững trong tương lai, từ đó đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo bà Kathleen WHIMP, việc Việt Nam đầu tư cho phát triển giao thông xanh, ưu tiên phát triển đường sắt đô thị, triển khai dự án xây dựng tàu điện ngầm Metro tại Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn phù hợp để thực hiện mục tiêu trên.

Thời gian qua, WB luôn hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, phương tiện xanh không chỉ trong cam kết tài chính mà còn hỗ trợ các sáng kiến kỹ thuật, đơn cử như sáng kiến của WB trong chuyển đổi xe buýt điện, hỗ trợ cho chuyển đổi giao thông xanh.

Tuy nhiên, theo bà Kathleen WHIMP, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi giao thông xanh, Việt Nam cần giải quyết các thách thức như: Thúc đẩy phê duyệt các dự án, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với quốc tế, chuẩn bị ngân sách dài hạn do các dự án, nâng cao năng lực thể chế và hoàn thiện khung pháp lý.

Theo bà Takebayashi Yoko, Phó trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam, hơn 30 năm vừa qua, JICA đã hỗ trợ, triển khai nhiều khoản đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với tổng số tiền đầu tư 3.000 tỷ Yen. Cùng đó là triển khai mô hình hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, thu hút các nguồn lực đầu tư tư nhân, cũng như cung cấp đội ngũ chuyên gia hỗ trợ, tư vấn.

JICA cũng đã phối hợp với các cơ quan để xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời triển khai các dự án ưu tiên tại địa phương. Hỗ trợ nâng cao năng lực vận hành, bảo trì hạ tầng giao thông.

Nhận định giao thông công cộng (GTCC) là trọng tâm chính trong chuyển đổi xanh, JICA có hàng loạt dự án hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện GTCC, trang bị hệ thống kiểm đếm thông minh, tăng năng lực quản lý GTCC ở các thành phố lớn.

JICA cũng tích cực tham gia trong dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ thông qua việc thi công mà còn cải thiện khả năng vận hành, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực nhân sự ngành đường sắt.

Bà Yoko cho biết, JICA luôn sẵn sàng huy động các nguồn lực để phối hợp với Chính phủ và các đối tác để phát triển giao thông xanh tại Việt Nam.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích