Cần nghiên cứu xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi phù hợp với bối cảnh phát triển mới

(Xây dựng) – Sau 10 năm thực hiện Luật Thủ đô, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội đánh giá, Thủ đô đã đạt nhiều kết quả, chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện nay đại đô thị Hà Nội vẫn còn tồn tại một số vấn đề nhà thừa, nhà cao tầng, thiếu hụt hạ tầng công cộng, không gian ngầm chưa phát triển… Do đó, cần nghiên cứu xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi để phù hợp với bối cảnh mới.

can nghien cuu xay dung luat thu do sua doi phu hop voi boi canh phat trien moi
Hà Nội sau 10 năm thi hành Luật Thủ đô đã có những bước phát triển về hạ tầng, quy hoạch…

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam ý kiến, đối với phát triển, cải tạo, chỉnh trang đô thị, đây là chính sách có tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành và được quy hoạch cụ thể trong các điều của Luật Thủ đô 2013. Trong nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô lần này, đã thể hiện nhiều nội dung cụ thể. Điển hình như cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị nội đô lịch sử; Quản lý, phát triển nhà ở; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật gắn với phát triển đô thị, thương mại, công nghiệp; Xây dựng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh với…

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, trong đề xuất có 16 chính sách, tuy nhiên còn thiếu vắng một số chính sách đặc thù được xác định trong định hướng phát triển Thủ đô. Cụ thể: Phát triển đô thị mới, đô thị vệ tinh, đô thị thông minh; Phát triển hệ thống phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân Thủ đô; Quản lý, phân bố dân số. Bên cạnh đó cũng cần xem xét, điều chỉnh một số đề xuất: Chính sách 5 không nên giới hạn nội đô lịch sử. Hà Nội là nội đô lịch sử, trong phát triển ngoài nội đô lịch sử còn nhiều khu vực cần hài hòa giữa phát triển với cải tạo, chỉnh trang, như các khu cảnh quan, thành cổ Sơn Tây, thị trấn sinh thái. Chính sách 7: Phát triển hạ tầng kỹ thuật cần đảm bảo hài hòa trong phát triển đô thị, không nên quá nhấn mạnh vì thương mại công nghiệp. Chính sách 15 đề xuất liên quan đến bảo vệ môi trường, cần đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, với nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hà Nội, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, không gian công cộng, không gian ngầm cũng như hạ tầng đô thị cần được quan tâm, chú trọng phát triển hơn để đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh mới.

Chia sẻ thêm, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho rằng, trước hết cần khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị. Giai đoạn 2001-2010 là Nghị quyết 15-NQ/TW, sau đó có Nghị quyết 11 cho giai đoạn 2011-2020. Qua đó cho thấy, Bộ Chính trị đã có định hướng rất cụ thể cho Hà Nội phát triển và điều đó được thể chế hóa qua Pháp lệnh về Thủ đô, rồi đến Luật Thủ đô 2013.

Bây giờ Hà Nội đang thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thủ đô, thấy cần phải có những cơ chế, đặc thù mới và để định hướng những cơ chế đặc thù này, Hà Nội đã chủ động tổng kết lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị… Tất cả đều kỳ vọng về sự phát triển đột phá trong giai đoạn mới (2021-2030), điều đó rất cần định hướng của Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết mới. Do đó, việc ban hành Nghị quyết mới không chỉ thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của Bộ Chính trị mà nó còn là mong muốn, nguyện vọng của nhân dân Thủ đô… nhất là các chuyên ngành kinh tế – xã hội rất mong có định hướng mới để thực hiện bước đột phá mới. Trong đó đặc biệt là thực hiện quy hoạch phát triển Hà Nội 2021-2030; đồng thời vạch ra một chiến lược phát triển đô thị mới cho Hà Nội. Điều quan trọng nhất, với Nghị quyết mới của Bộ Chính trị, sẽ có đủ căn cứ để điều chỉnh Luật Thủ đô, có những chính sách đặc thù, để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm bày tỏ mong muốn, Nghị quyết mới sẽ định vị được mục tiêu và định hướng cụ thể cho Thủ đô Hà Nội phát triển. Trong đó, Hà Nội làm thế nào để trở thành tỉnh, thành phố đầu tiên cơ bản thực hiện được mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Đặc biệt, vừa rồi Hà Nội đã tham gia vào mạng lưới sáng tạo, điều này sẽ tạo thuận lợi để cho Hà Nội phát huy giá trị của mình, phấn đấu trở thành thành phố thông minh, xanh và phát triển bền vững.

Đáng chú ý, về chính sách liên kết vùng – đây là chính sách có tính đặc thù với Thủ đô Hà Nội. Trong Luật Thủ đô 2013 có đề cập đến trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại điều 23 về chỉ đạo, điều phối cơ chế phối hợp trong Vùng Thủ đô, trong bối cảnh giai đoạn tới rất cân có chính sách đặc thù của Thủ đô không chỉ với Vùng Thủ đô (10 tỉnh, thành) mà còn với vùng đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh) vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (gồm 7 tỉnh, thành phố). Theo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030 để phát triển tổng thể, hữu cơ thành một thể thống nhất các vùng nêu trên cần xác lập vai trò Thủ đô trong quy hoạch, kế hoạch phát triển Vùng, liên kết các tỉnh trong vùng và điều phối phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng, quản lý phân bổ dân cư, phát triển đô thị bền vững.

Sự phát triển của Thủ đô Hà Nội đã vươn lên trong phát triển kinh tế – xã hội. Hà Nội hiện là một trung tâm kinh tế lớn, đóng góp gần 20% GDP của cả nước. Từ đó có thể thấy vai trò rất quan trọng của Hà Nội đối với việc hoàn thành các mục tiêu chung của cả nước. Do đó, rất cần phải có cơ chế đặc thù để Hà Nội vươn tầm trong giai đoạn tới, cũng là đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Về những cơ chế cụ thể, trước hết cần khẳng định vai trò, vị thế của Hà Nội với với vùng. Trong những năm vừa qua, Hà Nội được xác định là động lực phát triển của vùng, đặc biệt là Vùng Thủ đô. Tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, lần này hy vọng với Nghị quyết mới của Bộ Chính trị sẽ tạo điều kiện để Hà Nội có mối liên kết tốt với các tỉnh trong vùng, không những phát huy được động lực vùng mà còn thúc đẩy các tỉnh trong vùng phát triển. Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội để tạo vị thế xứng tầm với Thủ đô.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích