Cần nghiêm trị những “bảo mẫu” có hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em

Nhiều vụ bạo hành trẻ em liên tiếp được phản ánh. Cơ quan Công an cũng đã quyết liệt vào cuộc và những bản án thích đáng đã được đưa ra. Thế nhưng, làm sao để ngăn chặn những hành vi độc ác này xảy ra, làm sao bảo vệ những đứa bé, đứa trẻ hồn nhiên khỏi những trận đòn roi, bạo lực, để không còn xảy ra vụ việc đáng tiếc, đau lòng là câu hỏi mà dư luận luôn quan tâm.

Trở lại vụ việc bạo hành trẻ trong Mái ấm Hoa Hồng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Là một người mẹ, chị Trần Hương Ly (quận Nam Từ Liêm) phẫn nộ khi đọc thông tin. Chị Ly cho rằng, không riêng gì những người mẹ, bất cứ ai khi đọc thông tin này cũng đều thấy phẫn nộ, bức xúc.

Qua clip ghi lại cảnh từ đêm đến sáng hôm sau, mỗi ngày, bảo mẫu tên Tuyền ở Mái ấm Hoa Hồng không ngừng hành hạ trẻ sơ sinh, bạo hành dã man bé trai 7 tháng tuổi,… cho thấy đây là hành vi có tính chất côn đồ, có thể gây ra tổn hại nghiêm trọng về tâm lý và sức khỏe cho trẻ em.

“Theo tôi, UBND quận 12 cần sớm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong công tác thẩm định, cấp phép hoạt động và giám sát hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng để xử lý nghiêm theo quy định. Pháp luật cần phải xử thật nặng những trường hợp bạo hành trẻ em như thế”, chị Ly thẳng thắn cho hay.

Trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng được đưa về cơ sở bảo trợ xã hội công lập
Hình ảnh được bà Giáp Thị Sông Hương chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng đăng tải lên mạng xã hội để kêu gọi tài trợ tiền.

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hoàng – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, bạo hành hay bạo lực trẻ em là các hành vi gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em. Mọi hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em là trái pháp luật và phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

Với hành vi bạo hành trẻ em, đối tượng thực hiện có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 28, Nghị định 04/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng. Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, kẻ bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội như: Tội cố ý gây thương tích; Tội hành hạ người khác…

Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11 – 30% hoặc dưới 11%, nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đối với người dưới 16 tuổi; có tính chất côn đồ… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Bên cạnh đó, Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ, người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Đối với người dưới 16 tuổi; với 2 người trở lên… thì bị phạt tù từ 1 – 3 năm.

Cũng theo luật sư Nguyễn Hoàng, vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng ở quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy trách nhiệm rất lớn của địa phương. Đó là việc buông lỏng quản lý, cấp giấy phép cho quy mô hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ chỉ 39 em, nhưng thực tế có tới 85 em…

“Tôi hy vọng pháp luật xử nghiêm những bảo mẫu hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em những vụ việc đau lòng như vậy không tiếp diễn nữa. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều phụ huynh, khi giao con mình cho đối tượng khác cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng nhân thân bảo mẫu, điều kiện chăm sóc và trường học nên có camera giám sát”, luật sư Nguyễn Hoàng khuyến cáo.

Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích