Cần làm rõ trách nhiệm chứng thực hồ sơ

(Xây dựng) – Người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khẳng định không đến UBND xã và cũng không ký vào để làm hợp đồng chuyển nhượng đất. Các thành viên khác trong hộ gia đình cũng bị “loại bỏ” khi trực tiếp có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan… Nhiều nghi vấn đặt ra việc giả chữ ký và trách nhiệm thực thi công vụ trong việc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng đất tại UBND xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên?

Cần làm rõ trách nhiệm chứng thực hồ sơ
Khu đất có nguồn gốc quyền sử dụng của bà Nguyễn Thị Lan.

Bà Vũ Thị Hải thường trú tại tổ 8, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội có đơn trình bày nội dung: “Năm 2015, bà Nguyễn Thị Lan (là mẹ đẻ của bà Vũ Thị Hải) trú tại xóm Phú Lâm, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình chuyển nhượng các thửa đất số 811; 884; 993a, tờ bản đồ số 15 địa chính xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, có tổng diện tích 835 m2 cho ông Tạ Văn Phong, sinh năm 1976, trú tại xóm Phú Lâm, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, theo Hợp đồng chuyển nhượng số 18 ngày 11/3/2015. Việc chuyển nhượng bà Hải và anh, chị em trong gia đình không được biết. Bà Hải cho rằng, có dấu hiệu của việc làm giả hợp đồng chuyển nhượng, giả chữ ký và vi phạm các trình tự, căn cứ, thủ tục để hợp thức hóa, nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong đơn bà Hải yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng và xác định rõ trách nhiệm thực thi công tác chứng thực theo quy định pháp luật và trả lại cho gia đình bà Hải 3 (ba) thửa đất trên.

Để làm sáng tỏ sự việc, đòi lại quyền lợi chính đáng của gia đình, bà Hải đã làm đơn tố cáo gửi đến một số cơ quan chức năng của huyện Phú Bình và tỉnh Thái Nguyên. Trong đơn bà Hải khẳng định mẹ tôi (bà Nguyễn Thị Lan) không phải là người ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói trên.

Công văn số 139/CV – UBND xã Kha Sơn ngày 20/5/2022 cho rằng: Tại thời điểm chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 18, quyển số 01/2015 TP/CC-SCT/HĐGD giữa hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lan và ông Tạ Văn Phong, UBND xã Kha Sơn căn cứ vào các quy định sau: Điều 2, Điều 3, Điều 4, Điều 5 Bộ Luật dân sự năm 2005. Điều 167, Điều 168, Điều 169 Luật Đất đai năm 2013. Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Nghị định 75/2000NĐ/CP của Chính phủ ngày 08/12/2000 về công chứng, chứng thực. Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 của Bộ Tư pháp và Bộ TN&MT về hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền sử dụng đất.

UBND xã Kha Sơn qua công văn trả lời cũng khẳng định: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại thửa đất số 811,884, 993a tờ bản đồ số 15 ở xã Kha Sơn giữa hộ bà Nguyễn Thị Lan và ông Tạ Văn Phong là hoàn toàn tự nguyện, đúng quy định của pháp luật về quyền của người sử dụng đất được quy định tại Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 không có sự lừa dối, ép buộc, không trái đạo đức xã hội. Hợp đồng được thực hiện tại UBND xã Kha Sơn. Tại thời điểm chứng thực hợp đồng bà Lan có đủ điều kiện năng lực hành vi dân sự, hoàn toàn minh mẫn, nhận thức và làm chủ hành vi của mình, tự nguyện thỏa thuận ký kết hợp đồng và trực tiếp ký vào hợp đồng chuyển nhượng trước mặt Công chức TP-HT theo quy định. Sau khi được UBND xã chứng thực hợp đồng, ông Tạ Văn Phong đã nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm, bà Hải đã có đơn gửi Công an huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên để cơ quan công an xác minh có cơ sở làm sáng tỏ việc ai là người ký vào các giấy tờ để làm căn cứ sang nhượng số diện tích trên cho ông Phong? Tuy nhiên, tại Công văn số 1830/KTMT trả lời công dân của Công an huyện Phú Bình khẳng định: Việc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Nguyễn Thị Lan và ông Tạ Văn Phong của ông Nguyễn Văn Bản nguyên Chủ tịch UBND xã Kha Sơn là đúng quy định pháp luật.

Ngày 19/11/2023, phóng viên chúng tôi có gọi điện thoại cho ông Nguyễn Văn Bản – Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Phú Bình trao đổi về việc chứng thực của ông Bản (với tư cách là Chủ tịch UBND xã Kha Sơn năm 2015) trong hồ sơ chuyển nhượng đất của bà Lan và ông Phong. Ông Bản cho biết: Cũng đã có Báo hỏi tôi việc này, lúc nào anh lên đây nói chuyện trực tiếp chứ nói qua điện thoại không tiện. Tinh thần chung là chúng tôi đã có trả lời bằng văn bản, và các quy trình làm chuyển nhượng giữa bà Lan và ông Phong đều đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo bà Hải thì đúng là xã có “làm đúng quy trình”, nhưng vấn đề là ở chỗ: Trong “quy trình” ấy nghi vấn có chữ ký giả của đương sự! Ngoài ra không có chữ ký của các thành viên trong hộ gia đình có quyền và nghĩa vụ liên quan… Thì tại sao Chủ tịch xã không phát hiện ra mà vẫn đặt bút ký chứng thực?

Trao đổi với luật sư xung quanh việc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 18, quyển số 01/2015 TP/CC-SCT/HĐGD giữa hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lan và ông Tạ Văn Phong UBND xã Kha Sơn trên đây, cho thấy, việc chứng thực đã không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các thành viên trong hộ gia đình theo đúng các quy định pháp luật. Theo khoản 5, Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT thì: “Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại khoản 1, Điều 64 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật”. Về cách xác định thành viên hộ gia đình có quyền sử dụng đất, căn cứ khoản 29, Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Kết hợp hai quy định nêu trên, khi bán đất của hộ gia đình, bắt buộc phải có văn bản đồng ý của các thành viên trong hộ gia đình về việc bán đất chung. Và thành viên của hộ gia đình phải được xác định tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01245 cho hộ bà Nguyễn Thị Lan vào năm 2002 chứ không phải tại thời điểm được Công an xã xác nhận xóa nhân khẩu vào ngày 04 -05/02/2015, trước thời điểm chuyển quyền sử dụng đất 1 tháng.

Hồ sơ do bà Vũ Thị Hải cung cấp có thể hiện về việc mua bán có tổ chức từ người mẹ đi trao đổi, sau đó con trai là ông Tạ Văn Phong đứng tên mua, 1 tháng sau chuyển sang tên con gái và con rể.

Các mốc thời gian thể hiện rõ: Ngày 04/02/2015 Công an xã xóa tên bà Vũ Thị Hải trong sổ hộ khẩu của bà Nguyễn Thị Lan; Ngày 05/02/2015, tiếp tục xóa tên con bà Hải trong sổ nhân khẩu của bà Nguyễn Thị Lan; Ngày 11/3/2015, có hợp đồng chuyển nhượng phần chữ ký chỉ có bà Nguyễn Thị Lan và ông Tạ Văn Phong; Ngày 25/4/2015, ông Phong chuyển tên sang bà Tuyết (thông tin này do phía ngân hàng đang nắm sổ đỏ của bà Tạ Thị Tuyết cung cấp).

Với nhiều nghi vấn đặt ra trong việc giả mạo chữ ký và trách nhiệm thực thi công vụ trong việc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng đất tại UBND xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cần phải được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ để quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân được bảo vệ?

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích