Cần lắm những chuyến vi hành
Tranh minh họa. |
Cách đây khoảng chục năm, một cán bộ Trung ương được điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, ông đã thực hiện nhiều chuyến vi hành bằng xe đạp mà báo chí đã từng đưa tin. Chính những chuyến vi hành đó mà Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo chính quyền và các cấp liên quan giải quyết được nhiều vấn đề nóng được xã hội quan tâm. Còn mới đây, từng nghe kể, lãnh đạo cao nhất của một địa phương giáp Thủ đô cũng “vi hành” đến tận cấp xã để trực tiếp chứng kiến người đứng đầu chính quyền và những “công bộc” của dân thực thi công vụ và “giao tiếp” với dân thế nào? Chuyến vi hành ấy đồng chí lãnh đạo đã tận mắt nhìn thấy “góc khuất” mà không hề có trong báo cáo.
Khi về, vị lãnh đạo tỉnh này đã triệu tập cuộc họp trực tuyến với tất cả các xã, phường, huyện, sở, ngành để thông báo về những điều mắt thấy, tai nghe và kịp thời chấn chỉnh. Nhờ chuyến vi hành đó mà trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của toàn hệ thống trong tỉnh đã có bước chuyến rõ nét. Từ chỗ là một trong địa phương đội sổ về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ hơn 1 năm, chỉ số năng lực cấp tỉnh đã tăng lên 15 bậc.
Và mới đây nhất, ngày 17/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thực hiện chuyến thị sát kéo dài 12 tiếng đồng hồ tại các chợ đầu mối siêu thị, vùng trồng rau tại thành phố Hồ Chí Minh. Tin tưởng chắc chắn rằng, sau chuyến đi này và sẽ còn một số chuyến đi khác, người đứng đầu ngành Nông nghiệp sẽ có những tham mưu cho Chính phủ công tác quản lý Nhà nước liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm tốt hơn, hiệu quả hơn.
Có một nhà thơ từng viết: “Tôi cùng ăn, cùng ở với nhân dân. Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi nước mắt”. Vẫn biết làm lãnh đạo bao giờ cũng có bộ phận tham mưu, nhưng thực tiễn đã chứng minh, bên cạnh những cán bộ tận tâm thì vẫn còn không ít mẫu cán bộ không sát dân, nhưng thích báo cáo “đẹp con số”. Lãnh đạo cấp trên vì tin báo cáo của lãnh đạo cấp dưới, nhất là các vấn đề liên quan sát sườn đến lợi ích của nhân dân, những nguyện vọng chính đáng, thậm chí hiến kế của nhân dân bị báo cáo sai lệch dẫn đến ban hành những chính sách, quyết định không sát với thực tế… điều này làm phát sinh mâu thuẫn.
Điển hình như vấn đề thu hồi đất đai để triển khai dự án. Một khi dự án thu hồi đó (đặc biệt là các dự án có quy mô nhỏ để làm khu nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng) bị người dân phản đối, khiếu kiện nghĩa là dự án đó, quá trình thu hồi đất phục vụ cho dự án đó có vấn đề. Nếu lãnh đạo tỉnh, thành (người đứng đầu) khi nhận được thông tin hoặc đơn khiếu kiện, kiến nghị của người dân ngay lập tức đến “vi hành” đến trực tiếp lắng nghe ý kiến người dân, từ đó xem những ý kiến của họ là đúng, là thỏa đáng hay vì chưa hiểu cặn kẽ vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật thì tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu. Hoặc nếu khâu quy hoạch, thu hồi dự án chưa đúng phải chấn chỉnh ngay. Nếu làm như thế chắc chắn sẽ không có những vụ khiếu kiện đất đai như thời gian vừa qua.
Vẫn biết chúng ta đang sống trong thời kỳ cách mạng 4.0 với sự lên ngôi của công nghệ số, sự tương tác trong không gian số (xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số) giữa lãnh đạo với người dân không quá khó khăn, nhưng không phải vì thế chỉ ngồi tại nơi làm việc để nắm bắt tình hình qua hệ thống mạng và báo cáo tổng hợp của cấp dưới đưa lên. Điều quan trọng để giải quyết tận gốc vấn đề, tránh xảy ra những xung đột về mặt lợi ích, hạn chế tối đa sự sách nhiễu của chính quyền các cấp với nhân dân và doanh nghiệp vẫn cần lắm những chuyến vi hành của lãnh đạo bộ, tỉnh, thành.
Nguồn: Báo lao động thủ đô