Cần kiểm soát giá để việc tăng lương thật sự có ý nghĩa

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, trong đó, có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Theo nội dung này, từ ngày 1/72024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách Nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Cần kiểm soát giá để việc tăng lương thật sự có ý nghĩa
Người dân lo lắng khi mỗi lần tăng lương là giá cả thị trường lại tăng theo.

Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước ở Trung ương đang thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù: Từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù, bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).

Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Cũng từ ngày 1/7/2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn…) của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước…

Có thể thấy, việc lương tăng là niềm vui lớn với hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhưng một vấn đề được nhiều người quan tâm sau thời gian lương chính thức được điều chỉnh đó là, liệu giá cả các mặt hàng tiêu dùng có tăng theo?

Chị Thúy, giáo viên một trường mầm non trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ, việc tiền lương được điều chỉnh tăng thêm từ ngày 1/7 là niềm vui rất lớn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt là đối với người lao động là giáo viên mầm non. Tuy nhiên, điều khiến chị Thúy cũng như nhiều người lao động khác lo lắng đó là, cứ mỗi lần tăng lương, giá cả các mặt hàng lại tăng theo, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.

“Từ trước đến nay, cứ hễ Nhà nước chuẩn bị điều chỉnh tăng lương, thì giá các mặt hàng thiết yếu lại rục rịch tăng theo. Nếu như Nhà nước không có chính sách quản lý giá, thì việc tăng lương sẽ ít đạt được hiệu quả như mong muốn, đặc biệt là vấn đề trượt giá. Khi đó, mức sống của những người lao động, người làm công ăn lương vẫn sẽ gặp khó bởi mức lương tăng thêm không đủ để bù đắp chi phí khi giá cả thị trường cũng tăng theo”, chị Thúy cho hay.

Có thể thấy, sự lo lắng của chị Thúy cũng như nhiều người lao động không phải là không có cơ sở, bởi thực tế, giá và lương có mối quan hệ mật thiết với nhau; vì thế khi lương được điều chỉnh tăng, thì giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng sẽ mượn cớ “tát nước theo mưa” để tăng theo. Do đó, khi Nhà nước xây dựng được chính sách bình ổn giá, kiểm soát giá chặt chẽ, để việc tăng lương trong thời gian tới thực sự có ý nghĩa với người lao động.

Tuy nhiên làm sao để kiểm soát được giá và kiểm soát như thế nào để đạt hiệu quả tối ưu nhất? Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, nguyên nhân khiến mỗi lần Nhà nước điều chỉnh lương thì giá cả lại tăng, là do hiện tượng độc quyền trong mua bán vẫn xảy ra; hệ thống phân phối còn yếu và nhiều trung gian; quan hệ giữa người sản xuất và người bán lẻ còn không công bằng…

“Có những vấn đề mà nước ta và các nước chưa chú ý lắm đó là hiện tượng tăng giá ngầm, ví dụ như việc thay đổi bao bì rồi giảm trọng lượng, chất lượng mà người tiêu dùng không để ý, trong khi đó cơ quan quản lý giá lại chưa động đến… điều đó đã gián tiếp làm tăng giá hàng hóa ở thị trường”, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.

Nhằm hạn chế tiêu cực khi giá cả thị trường tăng vô lý khi lương được điều chỉnh tăng, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, cần phải tổ chức hệ thống sản xuất đảm bảo nguồn cung cho thị trường đầy đủ, không bị đứt gãy; tổ chức hệ thống phân phối đủ mạnh tại các vùng miền. Qua đó, tạo các chuỗi cung ứng ngắn, giảm khâu trung gian; đồng thời, thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nông sản thực phẩm, thực hiện mua bán công khai, minh bạch trên thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, cần tổ chức xây dựng lực lượng Quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công tác chống hàng giả, gian lận thương mại, trốn thuế, cạnh tranh không bình đẳng. Đồng thời, bổ sung chính sách để phát triển sản xuất, giảm chi phí dịch vụ logistics, giải quyết điểm nghẽn cơ sở hạ tầng như đường giao thông, kho dự trữ, bến bãi; giảm bớt những điều kiện sản xuất rườm rà, tốn chi phí cho doanh nghiệp; tiến tới xóa bỏ độc quyền trong kinh doanh các mặt hàng năng lượng, phân bón, than… Đặc biệt, cần phải rà soát lại luật quản lý giá trong tình hình mới đảm bảo thông thoáng, nghiêm minh, mỗi doanh nghiệp đều được bình đẳng trước pháp luật.

Đỗ Đạt

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích