Cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ xanh

(Xây dựng) – Trong bối cảnh chuyển đổi xanh và phát triển bền vững đang là yêu cầu tất yếu, để các doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cần tăng cường chính sách hỗ trợ trong đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng và chuyển dịch năng lượng tái tạo.

Cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ xanh
Trong số 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp trong nước là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia. (Ảnh minh họa)

Chưa đến 1% doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Tuy vậy, trong số 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp trong nước là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia; khoảng 700 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai, cấp ba…

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam chia sẻ số liệu từ Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương tại Diễn đàn kinh doanh đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây.

Ông Bình cho rằng, gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp. Song, những nỗ lực tự thân đó sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều nếu các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh và quy định pháp luật không tạo ra vướng mắc. Đáng tiếc, vẫn còn một số điểm nghẽn lớn về thể chế và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giám đốc điều hành Economica Việt Nam phân tích, ngoài các yêu cầu về trình độ công nghệ, quy trình quản lý sản xuất, kiểm soát chất lượng, áp lực đối với các doanh nghiệp trong nước còn đến từ yêu cầu phải đảm bảo tiến độ và chất lượng giao hàng khắt khe, phải chịu sự giám sát chặt chẽ của người mua, các doanh nghiệp đầu chuỗi hay ở vị trí cao hơi trong chuỗi cung ứng. Không những thế, các doanh nghiệp còn phải chịu sự đánh giá và kiểm soát thường nhật theo các tiêu chuẩn khắt khe của các công ty đầu chuỗi với những yêu cầu tối ưu hóa quá trình sản xuất tính theo ngày chứ không phải theo tháng.

Thực tế trên đòi hỏi một môi trường thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và thông thoáng để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư về công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, qua đó giúp họ có thể tiếp cận vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn. Do đó, các doanh nghiệp cần được sự hỗ trợ bởi các quy định pháp luật thuận lợi về nhập khẩu công nghệ, máy móc thiết bị, về kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, các thủ tục hành chính có liên quan. Song, các thủ tục này không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Đáng chú ý, theo TS. Lê Duy Bình, một trong những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là yêu cầu xanh hóa và phát triển bền vững. Những người mua, doanh nghiệp nhập khẩu của nước ngoài đã tạo ra các tiêu chuẩn ngày một cao hơn về sản xuất xanh, buộc các các doanh nghiệp tại các quốc gia khác khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải đẩy nhanh quá trình cải tiến quy trình “xanh hóa” một cách mạnh mẽ hơn. Vì thế, để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ứng dụng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị), CSR (trách nhiệm xã hội), mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hiện không còn là lựa chọn nữa mà đã trở thành con đường tất yếu đối với các doanh nghiệp trong nước.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu cả nước. 10 năm qua, xuất khẩu điện tử chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và đứng đầu trong các ngành chế biến chế tạo. Tuy vậy, trong “giá trị đường cong nụ cười” của chuỗi cung ứng toàn cầu, lĩnh vực công nghiệp điện tử Việt Nam nói riêng và công nghiệp chế biến chế tạo nói chung vẫn đang ở vùng “đáy” của đường cong, tập trung vào phần sản xuất và chưa tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao hơn như logistics thu mua, logistics phân phối…

Hiện, một số lợi thế đang trở thành thách thức đối với các doanh nghiệp Việt như nguồn lao động không còn dồi dào; tác động từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới gây sức ép về sản xuất xanh, sạch; các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU ngày càng gia tăng các quy định khó khăn, tạo rào cản cho doanh nghiệp. Xu hướng toàn cầu chuyển đổi xanh, sạch là cơ hội cho các doanh nghiệp đã sẵn sàng nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi chưa đủ nguồn lực, Phó Chủ tịch VASI phát biểu.

Sớm xây dựng quy định về tiêu chuẩn xanh

Trong bối cảnh phát triển xanh đang là xu thế tất yếu, các chuyên gia kiến nghị, doanh nghiệp Việt muốn trở thành nhà cung cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu cần được đào tạo và hỗ trợ, xây dựng năng lực để tuân thủ các quy tắc về ứng xử, quy định và tiêu chuẩn là rất quan trọng. Bên cạnh đó, các quy định về tiêu chuẩn xanh cũng cần sớm được xây dựng nhằm định hướng cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Về phía Nhà nước, các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng cần được thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm, để các doanh nghiệp nâng cao năng lực, nâng cao trình độ số hóa, năng lực công nghệ thông tin đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về các tiêu chuẩn ESG của những nhà nhập khẩu từ các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đề xuất, để hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cần tăng cường chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng và chuyển dịch năng lượng tái tạo; đồng thời, tích hợp xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm với các xu thế thương mại và sản xuất toàn cầu hóa.

Nhấn mạnh việc khẳng định tên thương hiệu và làm rõ các sản phẩm “Made in Vietnam” là điều cần thiết trong bối cảnh phân cực hiện nay, ông Việt lưu ý, cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng ESG trong quản trị doanh nghiệp; xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp FDI để đáp ứng các chuẩn mực và vượt qua rào cản mới trong thương mại Quốc tế.

Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ giữa các doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu, chính sách, các trường đại học… Việc hợp tác liên kết trong chuỗi cung ứng theo hướng nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng hiệu quả, mở rộng thị trường xuất khẩu và khai thác tốt lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ông Nguyễn Quốc Việt tin tưởng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích