Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý của hoạt động lấn biển để xây dựng công trình

(Xây dựng) – Các hoạt động san lấp, lấn biển đã diễn ra trên thế giới hàng thế kỷ nay, nhiều nước lấn biển để xây dựng bến cảng, sân bay, thậm chí xây dựng cả những đô thị lớn trên đất lấn biển. Ở Việt Nam, các hoạt động lấn biển cũng “manh nha” ở một số tỉnh ven biển, với mục đích để làm nơi nuôi trồng thủy hải sản, gần đây thì việc lấn biển còn phục vụ cho việc xây dựng nhà ở, thậm chí là cả khu đô thị với quy mô nhỏ. Tuy nhiên, việc lấn biển thời gian qua đang vấp phải nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là vấn đề pháp lý. Đã đến lúc, chúng ta cần có sự rà soát, đánh giá về tình hình lấn biển và đề xuất các quy định của pháp luật trong việc lấn biển xây dựng công trình.

Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý của hoạt động lấn biển để xây dựng công trình
Việt Nam có ưu thế đường bờ biển dài với tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch biển.

Dải đất hình chữ S với đường bờ biển dài 3.260km

Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên dài 3.260km (đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới). Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của nước ta xấp xỉ 0,01 (nghĩa là cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển), đứng thứ nhất ở ba nước Đông Dương, trên Thái Lan và ngang với Malaysia (đất nước có một nửa là quần đảo). Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển.

Trong lịch sử hình thành các đô thị cổ Việt Nam cho thấy, sông, biển là yếu tố quan trọng quyết định hình thành những đô thị, những điểm dân cư như: Thăng Long – Hà Nội, Phố Hiến, Hội An, Rạch Giá…Và cho tới hiện nay, hệ thống đô thị biển của Việt Nam chủ yếu tập trung dọc vùng duyên hải từ Bắc vào Nam (trải dài 3.260km), trên cơ sở các tiểu vùng duyên hải cơ bản là: Vùng duyên hải Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Các tiểu vùng Duyên hải này đóng vai trò là cửa ngõ hướng biển của các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, nối các hành lang kinh tế Bắc – Nam, Đông – Tây ra với biển, tạo nên thế và lực trong phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng và trong phạm vi cả nước. Đây cũng chính là một trong những đặc điểm cơ bản của hệ thống đô thị biển Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, cũng như quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Theo quy luật tự nhiên, hàng năm ngoài phần bồi đắp, thì biển cũng lấy đi từ đất liền hàng trăm ha đất. Chưa hết, tình trạng biến đổi khí hậu, khiến nước biển dâng mỗi năm cũng xâm lấn hàng trăm ha đất của đất liền. Đặc biệt là những vùng đất ven biển kéo dài từ Móng Cái tới Hà Tiên, mà ảnh hưởng nặng nề nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một hiện tượng tự nhiên nữa cũng cần kể đến, đó là tình trạng lún sụt của những vùng đất ven biển…Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nước biển dâng.

Những điển hình lấn biển trên thế giới

Từ nhiều thập kỷ qua, nhiều quốc gia xác định hoạt động lấn biển là hoạt động quan trọng nhằm bảo vệ biên giới biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và mở rộng diện tích tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Đây là một hoạt động sống còn đối với những quốc gia ven biển.

Theo một số Đề tài khoa học, các hoạt động lấn biển đã được thực hiện ở nhiều quốc gia như: Ai Cập, Maroc, Senegal và Tunisia (châu Phi); Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Nhật Bản, Malaysia, Myanmar, Hàn Quốc, Thái Lan (Châu Á); Bỉ, Đan Mạch, Đức, Ý, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha, Anh, Nga (Châu Âu); Argentina, Colombia, Suriname, Venezuela (Châu Mỹ) và nhiều nước khác.

Điển hình một số dự án lấn biển như: Palm Jumeirah (Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất – UAE): Là một trong những công trình nổi tiếng nhất tại Dubai, Palm Jumeirah có hình dáng giống một cây cọ với thân vây và 17 cành. Khu tổ hợp này được bao quanh bởi một hòn đảo hình lưỡi liềm dài gần 11km. Đây là nơi có nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng xa xỉ, trong đó có Atlantis, The Palm.

Quận Kinh doanh Quốc tế Songdo (Hàn Quốc): Bắt đầu vào năm 2002, Quận Kinh doanh Quốc tế (International Business District – IBD) là dự án được xây trên đất lấn biển tại Songdo, Hàn Quốc được xây dựng bởi Công ty Gale International với tổng diện tích 9,29km2, nằm ở phía Tây Bắc Hàn Quốc. IBD dự kiến hoàn thành vào năm 2020 với vốn đầu tư 40 tỷ USD. IBD là một phần của dự án xây dựng Khu Kinh tế Tự do Incheon tại thành phố Songdo theo chủ trương của Chính phủ Hàn Quốc. Khi Chính phủ nước này bắt đầu quy hoạch thành phố Songdo vào năm 2000, khoảng 500 tấn cát đã được đổ xuống đầm lầy để làm móng.

Hà Lan còn được gọi tên là Nederland (nghĩa là “vùng đất thấp”), khoảng 26% diện tích lãnh thổ của Hà Lan ở thấp hơn mực nước biển. Không những vậy, Hà Lan còn là đất nước chỉ có 42.000km2 và dân số 17,4 triệu dân, khoảng 21% dân số Hà Lan hiện đang sinh sống trong những vùng đất “ở dưới mặt biển”. Lịch sử của Hà Lan từ bao thế kỷ vẫn gắn liền với lịch sử chống lại lũ lụt và bồi đất lấn biển. Người Hà Lan đã nỗ lực giành đất từ biển và cải tạo đất bằng cách xây dựng những tuyến đê nhằm ngăn nước biển và tạo nên những vùng đất cao ráo có thể sinh sống và trồng trọt. Phần lớn diện tích đất ở Hà Lan hiện nay đều là vùng đất lấn biển. Hà Lan được nổi tiếng với công trình tầm cỡ về kỳ tích lấn biển là Volendam, một thị trấn nằm bên bờ Biển Bắc, nơi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nhờ vào các tuyến đê biển và những giá trị văn hóa, lịch sử mà 22.000 cư dân nơi đây còn bảo lưu được.

Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý của hoạt động lấn biển để xây dựng công trình
Singapore là một trong những quốc gia tiên phong trong nhiều hoạt động lấn biển.

Singapore là một quốc gia đã mở rộng lãnh thổ bằng đất lấy từ những ngọn đồi, đáy biển và những nước lân cận. Theo đó, diện tích đất của Singapore đã tăng từ 581,5km2 ở thập niên 1960 lên 697,25km2 ngày nay còn tăng thêm 100km2 nữa đến năm 2030. Trong đó, khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands mở cửa vào năm 2010 được xây trên diện tích lấn biển với lượng cát được đổ từ những năm 1970. Đây là tổ hợp khu kinh doanh, nghỉ dưỡng kết hợp casino, tọa lạc bên bờ vịnh Marina, gồm 3 tòa tháp cao 55 tầng với 2.590 phòng, 1 khu triển lãm và hội thảo rộng 120.000m2, khu trung tâm mua sắm với 300 cửa hàng và một sòng bạc siêu hiện đại có diện tích 15.000m2, bể bơi vô cực trên sân thượng có thể ngắm toàn cảnh thành phố.

Tiềm năng từ những hoạt động lấn biển, mở rộng quỹ đất

Vài năm gần đây, ở Việt Nam cũng có một số dự án lấn biển với quy mô nhỏ như: Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp – cảng biển – phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng) rộng 1.329ha; Khu đô thị du lịch Hùng Thắng (Bãi Cháy – Quảng Ninh) rộng 224ha; Khu đô thị Đa Phước rộng 210ha nằm ở phía Tây cầu Thuận Phước (Đà Nẵng). Đặc biệt, sau 20 năm xây dựng, khu lấn biển thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) – khu đô thị lấn biển đầu tiên của Việt Nam đã trở thành niềm tự hào của người dân Kiên Giang, là điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư tiềm năng và du khách. Từ vùng đất sình lầy, hoang vắng nay đã thành khu đô thị hiện đại. Sau thành công từ dự án lấn biển đầu tiên vào năm 1999, năm 2015, thành phố Rạch Giá tiếp tục khởi công dự án lấn biển thành phố tại khu Tây Bắc với diện tích gần 100ha và khu vực bãi bồi tự nhiên 16ha.

Mặc dù chủ trương của Đảng cũng đã đặt vấn đề lấn biển, song trên thực tế chưa có pháp luật để quy định về vấn đề này. Việc xây dựng những dự án như đã nêu, mới là bước đầu, quy mô nhỏ, nhưng cũng đã đặt ra nhiều ý kiến khác nhau và làm khó khăn cho những chủ đầu tư trong quá trình thực hiện.

Chúng tôi cho rằng, dọc bờ biển Việt Nam với chiều dài hơn 3.260km, dọc bờ biển đã hình thành hàng trăm khu đô thị với quy mô khác nhau. Bước đầu, đã tạo ra một hạ tầng thu hút du lịch có hiệu quả, nhưng để có chiến lược lâu dài trong việc lấn biển trước hết căn cứ vào một số nghiên cứu khoa học của Bộ Tài nguyên và môi trường về tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, căn cứ vào kết quả quan trắc tình trạng lún của các vùng đấy ven biển cần xác định một cos chuẩn để chống đỡ các tình trạng nêu trên cho hàng trăm năm sau.

Mặt khác, trên thực tế, dọc bờ biển của chúng ta còn xuất hiện hàng nghìn ha đất bồi sình lầy, làm ô nhiễm môi trường biển. Không những thế, mỗi khi thủy triều xuống thì để lại một bãi biển có nơi rộng hàng km và rất mất vệ sinh. Chính vì những điều đó, chúng ta cần sớm có một quy hoạch xây dựng về lấn biển. Những thành phố mới lấn biển phải có cos xây dựng như đã nêu trên, thành phố này cũng như một “bức tường” trong tương lai để che chắn mảnh đất hình chữ S của chúng ta hiện nay, khi tình trạng nước biển ngày một dâng cao. Sau khi quy hoạch xây dựng chung trong việc lấn biển được Thủ tướng phê duyệt, các tỉnh thành có bờ biển sẽ lập các quy hoạch chi tiết xây dựng để tiến hành thực hiện trong từng giai đoạn.

Việc lập quy hoạch chung lấn biển sẽ tạo nên sự đồng bộ, thống nhất trong việc xây dựng đê biển, tránh tình trạng ở một tỉnh nào đó, thực hiện việc xây dựng đê biển nhưng nơi đó có thể mở rộng thêm phạm vi lấn biển, sẽ gây thất thoát, lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân. Việc lấn biển để xây dựng các đô thị, nếu Nhà nước có các cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư và quy hoạch xây dựng lấn biển sẽ được hình thành rất sớm.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích