Cần hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho doanh nghiệp

Theo báo cáo của Cục Đăng ký kinh doanh, tính đến cuối năm 2021, cả nước có khoảng 870 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; hơn 26.000 hợp tác xã với tổng số 6,8 triệu thành viên, 2,5 triệu lao động và hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh. Quy mô các cơ sở sản xuất kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ (chiếm trên 94%), còn lại là các doanh nghiệp quy mô lớn. Những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam trở nên sôi động, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hoạt động chuyển đổi số trên thực tế đã diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của khách hàng.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn còn đi sau thế giới về mặt công nghệ, cũng như chưa làm chủ được các công nghệ lõi của chuyển đổi số, các hệ thống nền tảng cơ bản. Để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số thành công, Việt Nam cần xây dựng các giải pháp ngắn hạn kết hợp song song với dài hạn.

Trước tiên, cần nâng cao kỹ năng số tại doanh nghiệp. Người lao động cần có kỹ năng phù hợp để tận dụng thế mạnh của công nghệ số, việc phân bố kỹ năng không đồng đều có thể gia tăng bất bình đẳng. Tỷ lệ người lao động có trình độ trong lực lượng lao động của Việt Nam hiện còn thấp và số lượng sinh viên tham gia các chương trình đào tạo sau đại học chưa đủ để khỏa lấp chỗ trống.

Chuyển đổi số trong hoạt động doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ

Với tốc độ thay đổi nhanh chóng và sự bất ổn định về yêu cầu của việc làm trong tương lai, Việt Nam có thể cân nhắc thực hiện các giải pháp như bồi dưỡng nhân tài trẻ về công nghệ số thông qua chương trình học bổng quy mô lớn để chuẩn bị cho sinh viên sẵn sàng trước thời đại số; Xây dựng các chương trình chuyển đổi số quốc gia kết hợp phát triển kỹ năng liên quan đến kinh tế số với tài trợ và cố vấn của các doanh nhân số; Thúc đẩy việc đưa công nghệ vào giáo dục từ các giai đoạn đầu; Thu hút nhân tài từ những kiều bào đang tham gia các lĩnh vực số trên thế giới; Khuyến khích phát triển kỹ năng mềm cho người lao động, như kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, truyền thông, làm việc nhóm, sáng tạo, và quản lý…

Tiếp đó, cần bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo. Việc duy trì năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo liên tục là điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Hiện nay, hầu hết sự hỗ trợ của Chính phủ đều hướng vào các nỗ lực nghiên cứu và phát triển, thay vì tạo điều kiện thuận lợi cho lan tỏa, áp dụng và thích ứng công nghệ mới của các doanh nghiệp. Để tái cân bằng chính sách trên, Chính phủ có thể áp dụng các phương án như hạ thấp rào cản gia nhập, đặc biệt là đối với các công ty có năng lực công nghệ cao; Cải thiện chính sách cạnh tranh và việc triển khai thực hiện chính sách; Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp trong ngành công nghệ số. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tài chính, thông tin nhằm phát triển kỹ năng công nghệ số một cách tối ưu nhất.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Việt Nam cần xây dựng các gói hỗ trợ, bao gồm các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đơn vị tham gia được hỗ trợ tối đa 50% chi phí ứng dụng các giải pháp trên nền tảng số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình: kinh doanh, quản trị, sản xuất, công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh; xây dựng các gói hỗ trợ theo các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, chế biến/chế tạo, nông nghiệp, giao thông vận tải, logistic, du lịch.

Trong bối cảnh hiện nay, việc số hóa toàn diện là yêu cầu không thể thiếu, đặc biệt là với chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ trong những năm gần đây. Do đó, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị về tinh thần và tài chính, tạo nền móng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số. Các nhà lãnh đạo, quản lý cần nâng cao chuyên môn về chuyển đổi số để đưa ra các quyết định hỗ trợ phù hợp và đầu tư đúng đắn cho doanh nghiệp.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích