Cần giải pháp đồng bộ trong quản lý, sử dụng nhà ở xã hội

Cần giải pháp đồng bộ trong quản lý, sử dụng nhà ở xã hội

MTĐT –  Thứ ba, 11/01/2022 09:39 (GMT+7)

Thời gian qua, hàng loạt các vi phạm trong sử dụng nhà ở xã hội đã được các ngành chức năng phát hiện và chỉ rõ cho thấy những “lỗ hổng” lớn trong công tác quản lý cần phải sớm được xử lý, giải quyết triệt để.

Hàng loạt vi phạm

Số liệu từ Chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021- 2025” vừa được UBND TP Hà Nội công bố đã chỉ rõ hàng loạt những vi phạm, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội (NƠXH) tại nhiều dự án.

Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội đã có 12.659 căn NƠXH tại 23 dự án được xét duyệt bán, cho thuê, tương đương khoảng hơn 1,2 triệu mét vuông sàn nhà ở.

Mặc dù, việc xét duyệt cơ bản được thực hiện đúng trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát việc sử dụng NƠXH, Sở Xây dựng TP Hà Nội và UBND các quận, huyện đã phát hiện và xử lý một số trường hợp các đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích.

Trong đó có căn hộ cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích như tại dự án 30 Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy). Bên cạnh đó, có những căn NƠXH cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng.

Điển hình như dự án nhà ở xã hội tại ngõ 622 phố Minh Khai có 57 trường hợp; khu nhà ở xã hội tại ô đất CC-1 khu đô thị Quốc Oai có 65 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 2 có 158 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1 có 200 trường hợp…

Những vi phạm trên được UBND TP Hà Nội lý giải với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trong đó, có “lỗi” của chủ đầu tư dự án NƠXH, UBND quận, huyện nơi có NƠXH và các bên liên quan chưa thực hiện tốt việc giám sát đối tượng sau khi mua, thuê, thuê mua NƠXH theo quy định.

Mặt khác, do sự phối hợp không tốt giữa các cơ quan quản lý đã dẫn đến “bỏ lọt” các đối tượng không đủ điều kiện nhưng vẫn được xét duyệt để mua, thuê NƠXH.

Cần giải pháp đồng bộ trong quản lý, sử dụng nhà ở xã hội
Khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1, 2 có hàng trăm căn hộ sử dụng không đúng mục đích

Bên cạnh đó, số liệu từ Kiểm toán Nhà nước công bố tháng 7/2021 cho biết, tại TP Hà Nội và TP.HCM, vẫn còn tình trạng người được mua, thuê NƠXH sử dụng không đúng mục đích.

Cụ thể, trong 5 dự án tại TP.HCM được kiểm toán chi tiết, có đến 85 trường hợp người được mua, thuê, thuê mua NƠXH có dấu hiệu đã có nhà ở tại thời điểm được mua, thuê, thuê mua NƠXH và 64 trường hợp người được mua, thuê, thuê mua NƠXH có giao dịch ủy quyền về NƠXH.

Trong 2 dự án tại TP Hà Nội được kiểm toán chi tiết, có 122 khách hàng được mua, 16 khách hàng được thuê NƠXH sử dụng không đúng mục đích.

Ngoài ra, theo tìm hiểu tại một số dự án NƠXH của nhiều địa phương vẫn tồn tại tình trạng cá nhân môi giới, sàn giao dịch bất động sản thực hiện môi giới mua NƠXH có thu tiền chênh lệch, tiền ngoài hợp đồng. Thậm chí, có những dự án NƠXH được phản ánh để được mua căn hộ người mua phải kèm gói nội thất đắt đỏ…

Siết chặt quản lý

Trước những bất cập trong công tác quản lý nhà ở xã hội hiện nay nhiều ý kiến cho rằng cần phải có những giải pháp căn cơ để ngăn chặn vi phạm và hệ lụy.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Minh Tuấn – Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, để ngăn chặn những vi phạm về sử dụng, quản lý NƠXH hiện nay cần phải có chế tài xử lý nghiêm đối với người vi phạm, chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành NƠXH.

Theo ông Tuấn, các vi phạm tùy theo mức độ có thể phạt hành chính hoặc nếu vi phạm lớn, nghiêm trọng thì có thể kiến nghị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, cần phải gắn trách nhiệm cho đơn vị quản lý, vận hành để nâng cao trách nhiệm quản lý.

Để minh bạch, quản lý tốt hơn, ông Tuấn kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát về điều kiện xét duyệt điều kiện thuê, mua NƠXH phải chặt chẽ, chuẩn hơn nữa.

“Trên thực tế vẫn tồn tại tình trạng mua NƠXH không đúng tiêu chuẩn. Vậy cơ chế kiểm ra giám sát như thế nào. Do đó, cần phải kiểm tra, rà soát lại quy trình thủ tục và siết chặt hơn, không thể buông lỏng như hiện nay. Đồng thời, cần phải gắn và quy trách nhiệm rõ ràng đối với chủ đầu tư” – Luật sư Nguyễn Minh Tuấn – Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội phân tích.

Mới đây, TP Hà Nội cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể để giải quyết những tồn tại trong quản lý, sử dụng NƠXH. Trong đó, tập trung vào công tác giám sát, kiểm tra.

Trong khi đó, theo quyết định kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ Xây dựng, Bộ sẽ thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng tại nhiều địa phương. Trong đó có nội dung thanh tra về thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển NƠXH theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Theo nhiều chuyên gia để giải quyết được những “lỗ hổng” trong quản lý, sử dụng NƠXH hiện nay như cần phải có giải pháp đồng bộ với sự vào cuộc của cả cơ quan quản lý, chủ đầu tư, người dân. Từ đó mới có thể tháo gỡ những bất cập, xử lý triệt để những vi phạm.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích