Cần đánh giá khả năng sản xuất bao bì chứa đựng hàng hoá nguy hiểm và chỉ tiêu kỹ thuật áp dụng
Đóng gói hàng hóa nguy hiểm để vận chuyển (chuyên chở) là lĩnh vực phức tạp và Liên hợp quốc đã xây dựng khuyến nghị về vận chuyển hàng hoá nguy hiểm. Các hàng hoá nguy hiểm có thể là chất nổ và vật phẩm dễ nổ, khí dễ cháy, khí độc hại, chất oxi hoá, chất độc, chất ăn mòn và chất phóng xạ…
Các loại hàng hoá nguy hiểm này được chia thành 3 nhóm đóng gói khác nhau: Nhóm đóng gói I – Nguy hiểm cao, nhóm đóng gói II – Nguy hiểm trung bình, nhóm đóng gói III – Nguy hiểm thấp. Các chất oxi hoá và ăn mòn cũng tuỳ thuộc vào mức độ nguy hiểm mà được chia vào 3 nhóm đóng gói này.
Các chất oxi hoá theo phân loại hàng hoá nguy hiểm được phân vào hàng hoá nguy hiểm loại 5. Các chất này mặc dù bản thân không nhất thiết là chất dễ cháy, nhưng nói chung có thể bằng tạo ra oxy, nguyên nhân hoặc góp phần vào quá trình đốt cháy vật liệu khác. Các chất ăn mòn theo phân loại hàng hoá nguy hiểm được phân vào hàng hoá nguy hiểm loại 8. Các chất ăn mòn rất đa dạng có thể là chất vô cơ như axit, kiềm, muối hoặc chất hữu cơ như amin, phenol, thuốc nhuộm…
Nhãn nhận biết chất oxi hoá, peroxit hữu cơ và chất ăn mòn.
Việc sử dụng bao bì không đảm bảo chất lượng gây rò rỉ hoá chất có thể ảnh hưởng đến tính mạng, an toàn, sức khoẻ con người và môi trường. Do vậy cần có sự đánh giá khả năng sản xuất bao bì chứa đựng hàng hoá nguy hiểm trên thị trường và các chỉ tiêu kỹ thuật áp dụng. Trên cơ sở đó đưa ra khuyến nghị cho nhà quản lý để xây dựng các chính sách phù hợp giúp kiểm soát và nâng cao chất lượng bao bì chứa hàng hoá nguy hiểm.
Vừa qua, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã tiến hành khảo sát năng lực sản xuất bao bì chứa hàng hoá nguy hiểm của hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam và kết quả chỉ ra rằng: Đối với hàng hoá nguy hiểm loại 5 (Chất oxi hoá): Chất liệu làm bao bì chủ yếu là nhựa và thuỷ tinh với vật chứa kích thước nhỏ và trung bình; với vật chứa kích thước lớn hoặc xe bồn các doanh nghiệp Việt Nam chưa sản xuất được mà chủ yếu là nhập khẩu.
Hình dạng bao bì chủ yếu là hình trụ với các loại vật chứa. Các doanh nghiệp sản xuất bao bì không áp dụng tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế mà theo yêu cầu của đối tác. Yêu cầu của đối tác thường đơn giản như: loại chất liệu, độ dày, hình dạng của bao bì.
Ví dụ vật chứa cỡ nhỏ (chai), vật chứa trung bình (thùng), vật chứa cỡ lớn (xe bồn) của hàng hoá nguy hiểm.
Đối với hàng hoá nguy hiểm loại 8 (Chất ăn mòn): Tương tự như hàng hoá nguy hiểm loại 5, chất liệu làm bao bì chủ yếu là nhựa và thuỷ tinh với vật chứa kích thước nhỏ; nhựa và kim loại với vật chứa kích thước trung bình và lớn; với vật chứa kích thước lớn hoặc xe bồn các doanh nghiệp Việt Nam chưa sản xuất được mà chủ yếu là nhập khẩu. Với các bao bì chứa hoá chất có độ tinh khiết cao, các doanh Việt Nam cũng chưa sản xuất được.
Hình dạng bao bì chủ yếu là hình trụ với các loại vật chứa. Các doanh nghiệp sản xuất bao bì không áp dụng tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế mà thường theo yêu cầu của đối tác. Các yêu cầu của đối tác thường đơn giản như: loại chất liệu, độ dày, hình dạng của bao bì.
Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu khuyến nghị nên có lộ trình xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu kỹ thuật cho bao bì chứa hàng hoá nguy hiểm nói chung và hàng hoá nguy hiểm Loại 5, Loại 8 nói riêng. Các tiêu chuẩn cho bao bì chứa hàng hoá nguy hiểm phổ thông, sản xuất lượng lớn nên được ưu tiên xây dựng trước.
Khi các tiêu chuẩn này được công bố, chúng sẽ là công cụ hỗ trợ cơ quan quản lý đánh giá và kiểm soát chất lượng bao bì chứa hàng hoá nguy hiểm. Các tiêu chuẩn này cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc sản xuất bao bì phù hợp khi khách hàng chỉ cung cấp thông tin hàng hoá nguy hiểm cần được bao chứa.
TS. Hoàng Quốc Việt, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam