Cần có tiêu chuẩn để sâm Việt nâng cao giá trị, chất lượng và sức cạnh tranh

Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng để tăng giá trị cho sâm Việt Nam. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Xây dựng tiêu chuẩn cho sâm Việt Nam là cấp thiết

Theo PGS. TS. Vũ Đức Lợi – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST), việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sâm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm đã được thực hiện và đưa vào dược điển các nước, trong đó có dược điển Việt Nam.

Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, cùng với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật đòi hỏi việc xây dựng chất lượng sâm và sản phẩm từ sâm cũng phải thay đổi để kiểm soát hàm lượng hoạt chất và ngày càng tăng độ chính xác. “Muốn sâm Việt Nam có thể cạnh tranh được với các loài sâm khác trên thị trường cần phải có những tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, hiện đại và tin cậy”, ông Vũ Đức Lợi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Lê Quang Thảo – Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay vấn đề chất lượng sâm của Việt Nam rất đáng quan tâm, nguy cơ làm giả rất cao trên thị trường trôi nổi và cần có phương pháp để phân biệt các loại sâm của Việt Nam (sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh)…

Theo PGS. TS. Phương Thiện Thương – Phó Viện trưởng VKIST, Hàn Quốc có nền công nghiệp sâm đạt 2,7 tỷ USD vào năm 2023. Còn theo thống kê của Bộ Y tế, giá trị kinh tế về dược liệu của Việt Nam đạt khoảng 500 triệu USD, tức chỉ bằng khoảng 1/5 giá trị của riêng cây sâm Hàn Quốc. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm.

Lời khuyên từ chuyên gia Hàn Quốc

Theo bà Pyo Mi Kyung – Viện nghiên cứu Nhân sâm Geumsan (Hàn Quốc), Hàn Quốc có riêng Luật Công nghiệp nhân sâm, trong quy định tiêu chuẩn sản xuất nhân sâm, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn và quy cách sản phẩm, thực phẩm chức năng từ sâm…

Ngoài những quy định trong luật còn có tiêu chuẩn địa phương, như vùng Geumsan tại Hàn Quốc đưa ra tiêu chuẩn riêng và thậm chí còn cụ thể hơn, cao hơn, đạt được khó hơn so với tiêu chuẩn quốc gia.

Qua tìm hiểu về sâm Việt Nam, GS. Park Jeong Hill, Đại học Quốc gia Seoul Hàn Quốc khuyến nghị, Việt Nam cần phát triển phương pháp trồng trọt chuẩn, bởi hiện nay phương pháp canh tác sâm Việt Nam chưa phát triển tốt, năng suất trên một đơn vị diện tích, số lượng trang trại và diện tích canh tác nhỏ.

Theo ông Park Jeong Hill, nghiên cứu khoa học về sâm Việt Nam hiện còn hạn chế, do đó cần tăng cường nghiên cứu hơn nữa bởi bằng chứng khoa học của chất lượng và lợi ích của sâm Việt Nam là rất cần thiết cho việc tạo ra nhu cầu sử dụng; cũng như cần nghiên cứu thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và kiểm soát chất lượng sâm. 

Việt Nam cũng cần chú trọng bảo vệ nguồn gen, vì sâm Việt Nam chỉ sống ở các vùng núi cao, hơn nữa rất đa dạng về mặt di truyền… Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa nhà khoa học và nông dân dưới sự hỗ trợ của Chính phủ là rất cần thiết cho sự phát triển của sâm Việt Nam.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích