Cần có quy định cụ thể về cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay, Luật TC&QCKT chưa có quy định về khái niệm, chức năng, nhiệm vụ của “cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia”. Theo quy định hiện hành, Bộ Khoa học và Công nghệ có chức năng, nhiệm vụ như một cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời, có trách nhiệm thực hiện các hoạt động tại khoản 2 Điều 59 Luật TC&QCKT.
Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, quá trình tham gia vào tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, ký kết các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi các quốc gia cần có quy định cụ thể về cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia để thuận tiện cho hoạt động hợp tác quốc tế, thuận lợi hóa thương mại. Điều 5.5 Hiệp định EVFTA quy định:
“1. Hai Bên khẳng định nghĩa vụ của mình theo Điều 4.1 của Hiệp định TBT để đảm bảo rằng các cơ quan tiêu chuẩn hoá của mình chấp nhận và tuân thủ Quy chế thực hành tốt trong việc xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn tại Phụ lục 3 của Hiệp định TBT…
2. Với mục tiêu hài hòa tiêu chuẩn nhiều nhất có thể, các Bên khuyến khích cơ quan tiêu chuẩn hoá của mình, cũng như các cơ quan tiêu chuẩn hoá khu vực mà mỗi bên hoặc các cơ quan tiêu chuẩn hoá của mỗi bên là thành viên:
(a) tham gia trong phạm vi nguồn lực của mình vào việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế của các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế có liên quan;
(b) sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan làm cơ sở cho các tiêu chuẩn đang được xây dựng, trừ trường hợp các tiêu chuẩn quốc tế này không hiệu quả hoặc không còn phù hợp với mục tiêu pháp lý của một Bên, ví dụ do mức độ bảo vệ chưa đủ hoặc vì yếu tố khí hậu, địa lý, hoặc các vấn đề công nghệ quan trọng…”.
Điều 6.6 Hiệp định RCEP quy định:
1. Đối với việc biên soạn, chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn, mỗi Bên phải đảm bảo rằng cơ quan tiêu chuẩn hóa của mình hoặc các cơ quan biên soạn, chấp nhận và áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia chấp thuận và phù hợp với Phụ lục 3 của Hiệp định TBT.
2. Trong trường hợp cần thiết phải sửa đổi nội dung hoặc cấu trúc của các tiêu chuẩn quốc tế liên quan để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia của một Bên, thì Bên đó, theo yêu cầu của Bên khác, khuyến khích cơ quan hoặc các cơ quan tiêu chuẩn hóa của mình cung cấp những điểm khác biệt về nội dung và cấu trúc và lý do cho những khác biệt đó…”.
Theo quy định hiện hành, Bộ Khoa học và Công nghệ có chức năng, nhiệm vụ như một cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia.
Ngoài các quy định tại Hiệp định EVFTA và RCEP đã nêu trên, Hiệp định TBT (Phụ lục 3) và CPTPP (Điều 8.7) đều có quy định về cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia.
Theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 59 Luật TC&QCKT, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đây là quy định chung mang tính phổ quát, chưa thể hiện được vai trò đóng góp cụ thể của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia trong nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.
Đối với các quốc gia lựa chọn mô hình cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia thuộc Chính phủ, thông thường, cơ quan tiêu chuẩn hóa tham gia trực tiếp vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế không trực tiếp là Bộ quản lý chuyên ngành mà là một cơ quan trực thuộc Bộ, chuyên trách về tiêu chuẩn.
Ví dụ như Cơ quan Công nghệ và Tiêu chuẩn Hàn Quốc (KATS) trực thuộc Bộ Kinh tế tri thức là cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia của Hàn Quốc; Ủy ban Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản (JISC) trực thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp là cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia của Nhật Bản. Đối với Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ hiện là cơ quan trực tiếp tham vào các hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực, đóng vai trò thực tế như cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia của Việt Nam.
Xuất phát từ thực tế trên, mục tiêu mà Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật TC&QCKT hướng tới là bổ sung quy định về cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia phù hợp với các cam kết trong FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, là thành viên. Cụ thể, bổ sung quy định về khái niệm, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia.
Trước đó, chia sẻ về bối cảnh xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật TC&QCKT, đại diện Vụ Tiêu chuẩn (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2006 (Luật số 68/2006/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Qua hơn 15 năm thực hiện quy định của Luật TC&QCKT và các văn bản hướng dẫn, hoạt động tiêu chuẩn hóa đã được nâng lên cả chất và lượng, công tác kế hoạch, xây dựng, thẩm định và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã chặt chẽ hơn, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật TC&QCKT được ban hành đầy đủ.
Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai công tác lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn/ban hành quy chuẩn kỹ thuật, cũng như hoạt động áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, thực tiễn hơn 15 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam thời gian qua cho thấy Luật TC&QCKT còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính cũng như để bảo đảm thi hành các cam kết về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết.
Phong Lâm