Cần có mô hình chính quyền đô thị phù hợp hơn cho Thủ đô

(Xây dựng) – Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 27/11, Quốc hội thảo luận hội trường về Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.

Cần có mô hình chính quyền đô thị phù hợp hơn cho Thủ đô
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận về Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cần quy hoạch Thủ đô với tầm nhìn chiến lược

Theo các ĐBQH, Thủ đô là trung tâm chính trị kinh tế văn hóa cả nước, nên việc xây dựng đặc thù cho Hà Nội là cần thiết. Việc sửa đổi Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng có liên quan, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 9 năm thi hành Luật Thủ đô hiện hành, từ đó thúc đẩy kinh tế xã hội của Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, đưa Thủ đô trở thành trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ lớn, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, là động lực phát triển của vùng và cả nước…

Đóng góp ý kiến cho dự thảo luật, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh – Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ cho rằng: Dự thảo Luật lần này phải giải quyết được 3 nhóm vấn đề lớn về xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội, về xây dựng và phát triển một địa phương đặc thù, đô thị đặc biệt; về xây dựng và phát triển Thủ đô là hạt nhân liên kết vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tuy nhiên, theo đại biểu, Dự thảo Luật mới tập trung cho nhóm vấn đề về xây dựng và phát triển một địa phương đặc thù, đô thị đặc biệt. Một số vấn đề khác chưa tập trung đúng mức và chưa rõ nét về biện pháp thực hiện. Do đó, cần phải tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo hài hòa các mục tiêu được đề ra.

Đại biểu cũng cho rằng: Việc quy hoạch và lộ trình quy hoạch Thủ đô phải được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, cần quy hoạch Thủ đô với tầm nhìn chiến lược và lộ trình thực hiện phải do Trung ương chỉ đạo việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Bày tỏ sự quan tâm đối với chính sách quy hoạch và quản lý đô thị, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị: Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu tiếp tục bám sát các yêu cầu về quy hoạch, quản lý đô thị tại Nghị quyết số 15-NQ/TW để thể chế hóa rõ ràng, cụ thể thành các quy phạm.

Theo đại biểu, quy định tại Điều 19 tại dự thảo luật còn mang tính nguyên tắc. Các quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan, phát triển nhà ở còn quá khái quát, chưa thật đồng bộ, chưa giải quyết được vấn đề bức xúc thực tiễn đặt ra trong thời gian qua. Về chính sách tổ chức chính quyền Thủ đô, Nghị quyết 15-NQ/TW đã phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực, nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần tiếp tục quy định cụ thể hơn về phân định nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền.

Cần có mô hình chính quyền đô thị phù hợp hơn cho Thủ đô
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình các vấn đề ĐBQH quan tâm.

Tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch phát triển Thủ đô phải cao hơn tiêu chuẩn, quy chuẩn chung cả nước

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, xây dựng Luật Thủ đô phải đặt ra những yêu cầu phát triển cao hơn, phải có cơ chế khai thác các tiềm năng lợi thế nội tại và tạo ra sức hút mạnh mẽ hơn từ bên ngoài; phải quy định được vai trò, trách nhiệm quyền hạn của chính quyền và nhân dân Thủ đô cao hơn so với các địa phương khác của nước.

“Yêu cầu trên phải được xác lập một cách đồng bộ, tổng thể mang tính bao trùm để tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội cho Thủ đô phát triển” – Đại biểu nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, đại biểu đề nghị phải quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch phát triển Thủ đô phải hướng đến các tiêu chí Thủ đô văn hiến, văn minh hiện đại và yêu cầu cao hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của cả nước.

Các công trình kiến trúc xây dựng Thủ đô phải mang ý nghĩa về giá trị văn hóa, lịch sử; phải tạo những không gian để quy tụ những đặc trưng của các vùng miền hiện diện tại Thủ đô.

Việc quản lý phát triển toàn diện toàn bộ không gian lãnh thổ Thủ đô theo tiêu chuẩn quản lý của đô thị đặc biệt, gồm có đô thị trung tâm và các vùng nông thôn các vùng đô thị bên ngoài, theo mô hình là thành phố thuộc Thủ đô.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: Với mô hình thành phố thuộc Thủ đô, toàn bộ những không gian này, kể cả như vùng nông nghiệp phát triển nông nghiệp đô thị nông nghiệp trải nghiệm cũng cần phải được cho phép xây dựng các công trình dịch vụ du lịch. Không gian phát triển công nghiệp làng nghề cần phải được xây dựng các công trình thương mại dịch vụ.

Để đáp ứng các yêu cầu nêu trên, Luật nên phân cấp, trao quyền cụ thể cho cho Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố. Việc trao thẩm quyền rõ ràng sẽ không sợ bị lạm quyền hay làm phá vỡ quy hoạch. Đồng thời luật cũng không nên quy định quá chi tiết sẽ vướng trong quá trình thực hiện.

Đại biểu cũng cho rằng: Với quy định phân quyền và trao quyền như trên, nhiệm vụ và khối lượng công việc chính quyền thành phố phải thực hiện sẽ nhiều hơn, trách nhiệm giám sát phải cao hơn. Do vậy, cần phải có một cái mô hình chính quyền đô thị phù hợp hơn với trao quyền này như đề xuất của dự thảo luật là cần phải có cả Hội đồng nhân dân cấp quận.

Người đứng đầu các cấp chính quyền đô thị phải có vai trò và có quyền tự quyết định nhiều hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân phải nhiều hơn, phải tăng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách để tăng tính chuyên nghiệp và yêu cầu về tiêu chuẩn, trình độ phải cao hơn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: Phát triển mô hình đô thị TOD không chỉ với những đô thị mới mà cả với những khu vực tái thiết đô thị, cải tạo chung cư cũ, nhà ở cũ xây dựng tự phát trong khu vực nội đô để khai thác không gian ngầm cho phát triển thương mại, dịch vụ, không gian trên cao trong phát triển nhà ở và tái định cư người dân tại chỗ; không gian mặt đất dành cho cây xanh và các công trình hoạt động công cộng. Do vậy, thành phố không nên dành tiền để xây dựng những con đường đắt nhất hành tinh mà nên dành ngân sách đó để đầu tư cho những dự án TOD trong khu vực nội đô.

Cần có mô hình chính quyền đô thị phù hợp hơn cho Thủ đô
Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cần tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự quyết cho chính quyền thành phố

Cũng cho ý kiến đối với vấn đề chính quyền đô thị, đại biểu Tạ Văn Hạ – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, cho biết: Hiện có hai mô hình, một là thí điểm ở Hà Nội, hai là mô hình như của Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua khảo sát thực tiễn cho thấy việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện có nhiều bất cập bởi hiện nay cấp huyện chỉ là cấp dự toán ngân sách. Mặt khác cấp quận dân số ở các đô thị lớn như Hà Nội là rất đông. Sau khi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận thì các công việc đều dồn lên xử lý ở Hội đồng nhân dân thành phố nên cần phải đánh giá kĩ lưỡng 2 mô hình để chọn được mô hình tối ưu và cần tăng thêm đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng cho rằng: Cần tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự quyết cho chính quyền thành phố để thực hiện cải cách bộ máy, thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó là làm rõ trách nhiệm trực tiếp gắn với thẩm quyền, trách nhiệm giải trình trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân; tăng cường hiệu lực hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.

Đề cập đến vấn đề liên kết vùng, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng quy định như dự thảo chưa mang tính trách nhiệm ràng buộc cao, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đòi hỏi quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, rõ phương thức triển khai thực hiện, rõ mối quan hệ Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội; Cần có quy định trách nhiệm của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội.

Đại biểu dẫn chứng việc các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn là đặc điểm không phải địa phương nào cũng có, trong khi việc thực hiện di dời trụ sở ra khỏi trung tâm thành phố để giảm bớt ách tắc giao thông…, nhưng nhiều năm không đạt được.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình thì cho rằng: Tại khoản 1 Điều 46 quy định vùng Thủ đô là vùng phát triển kinh tế xã hội tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia.

“Quy định này chưa đầy đủ bởi khi được đề cập đến hạ tầng kỹ thuật phải song song với hạ tầng xã hội và quy định này hẹp hơn, chưa đồng bộ với Kết luận số 45 Hội nghị lần thứ 6 ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và về định hướng quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050” – Đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh cả những hoạt động kinh tế – xã hội của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có quy định giao Thủ đô có vai trò chủ trì điều phối thực hiện và quản lý quy hoạch Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy cần nghiên cứu bổ sung làm rõ nét hơn, cụ thể hơn các quy định đặc thù khác liên quan đến Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng trong dự thảo, đảm bảo hiệu quả và thực chất.

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, các ý kiến phát biểu đều thống nhất cao với sự cần thiết ban hành luật Thủ đô (sửa đổi). Dự án Luật có cơ sở pháp lý, chính trị và thực tiễn rất rõ ràng; có tính thuyết phục. “Nếu xây dựng được các cơ chế cho Thủ đô phát triển thì Thủ đô sẽ là đầu tàu trong phát triển kinh tế xã hôi, bảo đảm quốc phòng an ninh, văn hóa cho cả nước” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước các ý kiến cũng đề nghị làm rõ thêm một số chính sách, mở rộng phạm vi, đặc thù, điều chỉnh về vị trí, bố cục một số Chương, Điều; thiết kế các vấn đề cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi như vấn đề nhà ở, quản lý đô thịm trọng dụng nhân tài, BOT, văn hóa…, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng cho biết: Sẽ nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội cùng với Thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ, báo cáo UBTVQH tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật để xem xét cho ý kiến thông qua tại kỳ họp sau.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận định: Các ý kiến thảo luận sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắng, trí tuệ, tâm huyết về nhiều nội dung bao quát quan trọng của dự thảo luật, vừa thể hiện tính toàn diện, vừa cụ thể, chi tiết, gắn với các điều khoản quy định cụ thể của dự thảo Luật Thủ đô.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng đầy đủ, tiếp thu, giải trình thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội…; tổ chức thêm việc lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, các nhà quản lý, các hiệp hội để trao đổi, nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật. Quốc hội cũng sẽ tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến đối với dự thảo luật trước khi hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích