Cần có giải pháp khuyến khích hoạt động KHCN&ĐMST để nâng cao năng suất doanh nghiệp
Cụ thể, khu vực kinh tế tư nhân đang từng bước được củng cố và dần trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, tuy nhiên, kinh tế nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn vẫn chưa được đổi mới một cách toàn diện về mô hình quản trị; khu vực doanh nghiệp FDI chưa thực sự kết nối một cách chặc chẽ với khu vực trong nước; các doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Do vậy, cần phải có chính sách thúc đẩy phát triển một số tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn, có năng lực cạnh tranh toàn cầu gắn với kiểm soát độc quyền, dẫn dặt sự tham gia của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện nay, cơ cấu thể chế và quản lý đổi mới sáng tạo tại Việt Nam bị phân tán với nhiều bên tham gia và hạn chế về điều phối, Bộ Khoa học và Công nghệ trong nhiều trường hợp không đủ thẩm quyền để giải quyết một số vấn đề chính sách mạnh liên quan đến đổi mới sáng tạo. Thực tế, nhiều chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo mạnh, mang tính vượt khung luật hiện hành đòi hỏi phải có quyết định liên ngành mà không một ngành riêng biệt nào có đủ thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, cơ chế thực hiện chính sách thử nghiệm chưa thịnh hành và chưa được chấp nhận rộng rãi dẫn đến hoạt động đổi mới sáng tạo và thực thi chính sách, hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn khá phân tán, đôi khi cạnh tranh nhau dẫn đến khả năng trùng lặp và lãng phí nguồn lực. Do đó, cần tập trung quản lý, giải quyết các vấn đề của quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo trong thời gian tới nhằm đạt hiệu quả trong việc thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Để quản lý hiệu quả, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cần thống nhất quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; có sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các ngành, các cấp trung ương và địa phương trong bối cảnh mới nhằm thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Hoạt động KHCN&ĐMST có vai trò quan trọng trong nâng cao năng suất doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp giữa cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo là Bộ Khoa học và Công nghệ với các bộ, ngành, địa phương để tạo sự thống nhất, hiệu quả, xuyên suốt trong quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo. Đồng thời, hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia phù hợp với điều kiện Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển kinh tế – xã hội với mục tiêu hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tháo gỡ các nút thắt, rào cản về luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, thủ tục hành chính đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, vượt trội để thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ.
Nam Dương