Cần có cơ chế đột phá để thu hút đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ
Cần có cơ chế đột phá để thu hút đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ
Theo dõi MTĐT trên
Theo chuyên gia, Việt Nam cần có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng trí thức khoa học, công nghệ có trình độ cao phục vụ cho đất nước.
Thiếu chính sách thu hút nguồn lực trí thức khoa học
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, dự thảo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW đánh giá, thời gian qua các chủ trương, chính sách về trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát huy năng lực, cống hiến nhiều cho đất nước thời gian qua đã được thực hiện tốt; cơ chế quản lý, cơ chế đầu tư, cơ chế đào tạo, sử dụng, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức có trình độ cao, được hoàn thiện theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ.
Tuy nhiên, thực tế cũng chưa có những chính sách đột phá để phát huy được tối đa tiềm năng của đội ngũ trí thức; đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung vào lĩnh vực trọng điểm, khâu then chốt. Chính sách huy động các nguồn lực đầu tư để thu hút đội ngũ trí thức chưa sát với thực tiễn, chưa đủ mạnh, chưa tạo được môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo của trí thức phù hợp với đặc thù lao động của trí thức.
Cùng quan điểm nêu trên, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP.HCM nhìn nhận trong 15 năm qua, đội ngũ tri thức ở nước ta đã tăng nhanh về số lượng, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra về chính sách thu hút, đào tạo đội ngũ trí thức khoa học-công nghệ.
Cụ thể, ở lĩnh vực khoa học-công nghệ, số lượng cán bộ làm trong lĩnh vực nghiên cứu trên vạn dân còn thấp so với các nước trong khu vực, chỉ đạt khoảng 15,6 cán bộ nghiên cứu/10.000 dân; nhất là cán bộ có trình độ tiến sỹ còn rất thấp, chỉ gần 30.000 tiến sỹ. Bên cạnh đó, công tác đào tạo khối ngành khoa học công nghệ chưa gắn nhiều với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chưa bền vững. Cụ thể, số lượng nhập học không đồng đều giữa các nhóm ngành.
Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy số lượng nghiên cứu sinh các nhóm ngành này liên tục giảm trong 3 năm gần đây: Năm 2019 là 1.379 nghiên cứu sinh thì năm 2021 chỉ còn 1.010 nghiên cứu sinh. Ngoài ra, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học tính trên GDP là rất thấp, chỉ đạt 0,25-0,27%, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 0,6 – 1%.
Ông Quân cho biết thêm, khảo sát gần 20.000 sinh viên đại ĐHQG TP.HCM cho thấy có 10,21% sinh xuất sắc; 5,79% sinh viên khá và 7,71% sinh viên trung bình muốn đi làm cho các cơ quan Nhà nước. Khảo sát cũng ghi nhận có khoảng 15,6% sinh của ĐHQG TP.HCM muốn được làm việc cho các cơ quan trung ương tại Hà Nội trong khi tỷ lệ muốn ở lại TP.HCM là 44,8%.
Cần có cơ chế đột phá
Gợi mở một số định hướng về chính sách thu hút đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho rằng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, bảo đảm việc phát huy năng lực, phẩm chất tốt đẹp đội ngũ trí thức. Đổi mới công tác đánh giá, xét duyệt các chức danh khoa học và các danh hiệu tôn vinh trí thức.
Đặc biệt, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng trí thức có trình độ cao; có chính sách ưu đãi cụ thể về lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt… đối với trí thức làm việc ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn, trí thức là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút, tập hợp trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới…; cơ chế, chính sách để động viên và tiếp tục sử dụng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với những trí thức có trình độ cao, năng lực và sức khỏe đã hết tuổi lao động.
Thời gian qua, cùng với cơ chế chung của cả nước, một số địa phương cũng có những chính sách riêng trong việc thu hút chuyên gia. Riêng TP.HCM đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút trí thức về công tác tại các khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, Trung tâm công nghệ sinh học, Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, bao gồm cả về tiền lương, về điều kiện ăn ở, đi lại… Nhưng đến nay, từ chính sách này mới thu hút được khoảng 20 chuyên gia.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng cần xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách mới theo hướng linh hoạt hơn trong việc thu hút đội ngũ trí thức nói chung, cho lĩnh vực khoa học-công nghệ nói riêng.
“Thời gian tới thành phố sẽ tập hợp, thu hút đội ngũ trí thức trong và ngoài nước thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ một cách linh hoạt; cùng với đó, có chính sách động viên đội ngũ trí thức bằng cơ chế đào tạo, thu nhập tăng thêm, nhà ở và các quyền lợi khách về để bạt, bổ nhiệm, tham gia sâu hơn vào các chương trình của thành phố,” Chủ tịch Phan Văn Mãi chia sẻ.
Đề xuất cơ chế thu hút nhân tài, GS Võ Văn Tới (chuyên gia y sinh Đại học Quốc tế- ĐHQG TP.HCM) cho rằng, cơ quan nhà nước cần tạo ra một mô hình “ốc đảo” thử nghiệm các chính sách mới nhưng không bị gò bó bởi hệ thống luật pháp. Khi thực hiện hiệu quả, có thể đánh giá và nhân rộng, còn thất bại tính hậu quả sẽ không lớn. Ông cho rằng, để làm được mô hình này, cần người lãnh đạo có tâm, tức luôn đặt lợi ích chung lên trên, giúp đỡ cấp dưới và không sợ người khác hơn mình. Lãnh đạo cũng cần người có tầm, mạnh dạn áp dụng chính sách chưa ai làm, trên cơ sở nghiên cứu kỹ hệ thống luật pháp hiện tại để thực hiện.
“Tôi cho rằng khi thực hiện chính sách thử nghiệm cần tư duy theo hướng làm những điều pháp luật không cấm, còn nếu nghĩ làm những gì pháp luật cho phép và ở trong vùng an toàn thì rất khó thực hiện mô hình này”, GS Tới nói.
Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, một khảo sát cho thấy yếu tố đầu tiên để trí thức gắn bó với cơ quan nhà nước là môi trường làm việc, cơ chế quản lý, sự dân chủ trong cơ quan, cơ sở vật chất. Tiếp đến là khả năng phát triển bản thân theo chuyên môn của họ. Sau đó mới là chế độ chính sách xứng đáng và cuối cùng là tương lai phát triển gia đình họ. “So sánh những điều điều kiện này với thực tế triển khai vẫn có khoảng cách lớn, nên cần có chính sách sát với thực tế”, ông Bình đề xuất.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị