Cần có chính sách đất đai riêng cho Hà Nội!
Ngày 26/8, Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo chuyên đề “Nâng cao năng lực tài chính – ngân sách, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển Thủ đô”, nhằm đề xuất chính sách cho việc sửa đổi Luật Thủ đô.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn và Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến đồng chủ trì Hội thảo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội thảo. |
Tham dự Hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy và đại diện một số bộ, ngành, đại diện các ban Đảng, các sở, ngành liên quan của thành phố Hà Nội và một số chuyên gia, nhà khoa học.
Nhiều đề xuất chính sách tài chính ngân sách
Trình bày đề xuất chính sách “Nâng cao năng lực tài chính – ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô”, ông Nguyễn Tiến Thiết, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết thời gian qua, việc giảm tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố Hà Nội sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách đã làm ảnh hưởng lớn đến nguồn lực cho đầu tư phát triển và phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố (giai đoạn 2009-2010 là 45%, giai đoạn 2011-2016 là 42%, giai đoạn 2017-2021 giảm còn 35%, năm 2022 giảm còn 32%).
Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù chưa thực sự phát huy hết hiệu quả, còn bị ràng buộc bởi các quy định khác của pháp luật liên quan hoặc khi triển khai còn phụ thuộc vào các cơ quan Trung ương nên Thành phố không chủ động được trong công tác xây dựng kế hoạch.
Cụ thể như: Chưa dự báo được khoản thu từ bán tài sản công của các cơ quan, đơn vị Trung ương do phụ thuộc vào tiến độ, kết quả bán tài sản công gắn liền trên đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố; nguồn hỗ trợ từ Trung ương trong giai đoạn vừa qua còn rất hạn hẹp, chưa đảm bảo chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Thủ đô…
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến đồng chủ trì Hội thảo. |
Để khắc phục các bất cập này, thành phố Hà Nội đề xuất được giữ ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố trong giai đoạn 10 năm.
Đồng thời, Thành phố được quyết định sử dụng số tăng thu từ thu kết dư ngân sách năm trước để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội và các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết; số tăng thu còn lại thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
“Thành phố đề xuất được quyết định việc thu thuế đối với diện tích đất ở, nhà ở tại các khu đô thị đã được đầu tư hạ tầng cơ bản thiết yếu trong thời gian chưa được sử dụng (sau 12 tháng kể từ thời điểm kết thúc dự án theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư)”, ông Thiết nói.
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội mức phụ thu tăng thêm tối đa 50% trên mức thuế hoặc thuế suất do Quốc hội quy định ở một số sắc thuế gián thu đối với một số hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội để điều tiết tiêu dùng một số hàng hóa, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường hoặc hàng hóa, dịch vụ cần thiết tiêu dùng. Các khoản thu này ngân sách Thành phố được hưởng 100%.
Thành phố cũng đề xuất UBND cấp huyện được tổ chức thu các loại thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa bàn (cơ quan thuế phối hợp, giám sát để đảm bảo mức thu đúng quy định pháp luật thuế) trên cơ sở phân chia nguồn thu từ thuế đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh phục vụ nhu cầu chi của xã, phường.
Thành phố được thưởng 100% khoản vượt thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; được quyết định sử dụng số thu từ nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Thiết cũng cho biết, Hà Nội đề nghị cho phép kế thừa, sửa đổi để luật hóa một số cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 khi sửa đổi Luật Thủ đô.
Cần có chính sách đất đai riêng cho Hà Nội
Phát biểu tại Hội thảo, TS Lê Đăng Doanh đồng tình với các kiến nghị của Hà Nội, ủng hộ đề xuất thực hiện tự chủ tài chính cho Hà Nội trong thời gian 10 năm. Ông Doanh cho rằng, đây là quy định có tính chất chiến lược, vừa có lợi cho Hà Nội, vừa có lợi cho ngân sách và cả nước. Vì có cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp, sẽ giúp Hà Nội khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển.
Toàn cảnh Hội thảo. |
TS Lê Đăng Doanh cũng cho hay, hiện tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn Hà Nội so với 1.000 dân còn rất thấp. Năm 2021, Hà Nội có 145.000 doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, 1.332 hợp tác xã, 332.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Trong khi đó, kộ kinh doanh cá thể rất quan trọng, Hà Nội cần có chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, tăng số doanh nghiệp tư nhân lên.
“Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2021, Hà Nội đứng thứ 10, đã có cải thiện khá cao, nhưng Hà Nội phải cương quyết vượt lên hơn nữa”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, Hà Nội cần tiếp tục khai thác tiềm lực đất đai. Đồng thời, cần đưa vào Luật Thủ đô tất cả các nội dung của Nghị quyết 15, thể chế thành các quy phạm cụ thể trong Luật. Cũng theo ông Phong, cần nghiên cứu một số cơ chế đặc thù áp dụng chung cho Vùng Thủ đô để phát huy được thế manh của cả Vùng.
Là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đất đai, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, cần có chính sách đất đai riêng cho Hà Nội, vì không có chính sách riêng thì không có động lực phát triển.
“Chính sách đất đai của Hà Nội cũng tương đương Lai Châu thì làm sao Hà Nội khác được. Chính sách phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, Hà Nội phải khác vì đây là siêu đô thị”, ông Võ nói.
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan. Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố cho biết, Hà Nội sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý để phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, hoàn thiện các chính sách sửa đổi Luật và mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đồng hành cùng Thành phố trong đề xuất các chính sách cho Luật Thủ đô.
Nguồn: Báo lao động thủ đô