Cần có chính sách cơ cấu nợ cho doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải, hiện nay một số tỉnh, thành phố vẫn còn hiện tượng yêu cầu thay thế lái xe của địa phương; quy định giá trị hiệu lực của giấy xét nghiệm SARS-COV-2 là 24 giờ hoặc 48 giờ ngắn hơn so với hướng dẫn của Bộ Y tế là 72 giờ. Bên cạnh đó, giấy xét nghiệm SARS-COV-2 còn giá trị, nhưng vẫn yêu cầu lái xe xét nghiệm lại; phải đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hóa với Sở Công thương trước khi vào địa phương…
Trước những bất cập này, để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mới đây Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ôtô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Đề nghị các tỉnh, thành phố chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Qua đó, tháo gỡ khó khăn cho các phương tiện vận tải hàng hóa, gắn với việc đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải . (Ảnh minh họa) |
Song song với công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải lư thông hàng hóa, một trong những khó khăn nữa mà các doanh nghiệp vận tải đang vướng mắc đó là các khoản nợ. Trong đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp không thể đảm bảo trả nợ ngân hàng theo đúng kỳ hạn. Do đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần có chính sách cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp vận tải.
Ông Đỗ Văn Bằng – Chủ hãng xe Sao Việt cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần sớm sửa đổi Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 về các hình thức giãn nợ gốc, nợ lãi và thời gian thu hồi vào thời điểm nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo ông Bằng, Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 về giãn nợ lãi, nợ gốc của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp đã rất kịp thời đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp và cả phía các ngân hàng thương mại và khi đó không ai nghĩ dịch Covid-19 lại bùng phát và diễn biến phức tạp như hiện nay. Do đó, Thông tư 01 là giải pháp tức thì, khi dịch bùng phát lần thứ 3, Ngân hàng Nhà nước có Thông tư 03 để thay thế Thông tư 01, thời điểm đó chưa có dự kiến rủi ro như khi bùng phát dịch lần thứ 4.
“Ngày 26/8 vừa qua, tôi có làm việc với một số ngân hàng thương mại. Và hiện họ vẫn đang chờ Thông tư chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng cũng thừa hiểu hiện các doanh nghiệp vận tải khách gần như tê liệt và từ nay đến cuối năm cũng không thể phục hồi được. Nhưng nếu không có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước thì họ vẫn phải triển khai thu hồi nợ, mà hiện các doanh nghiệp không có gì để đóng”, ông Bằng chia sẻ.
Đại diện hãng xe Sao Việt cũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc thu hồi tài sản của doanh nghiệp trong lúc này là điều không thể; mà đẩy nhóm nợ (chuyển nợ xấu) thì sẽ mất uy tín của doanh nghiệp, đồng thời uy tín của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Theo quy định nếu doanh nghiệp bị xuống hạng tín dụng thì 3 năm liên tục sẽ không được hỗ trợ vay vốn, cùng đó các đối tác cũng không thể hợp tác khi doanh nghiệp ở vào nhóm nợ xấu.
Liên quan đến khó khăn của các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã khiến vận tải khách kiệt quệ, nhiều doanh nghiệp trên bờ vực phá sản. Trong thực tế đại dịch Covid-19 đã qua 18 tháng, khi ban hành Thông tư 03 tại thời điểm tháng 4/2021, Ngân hàng Nhà nước chưa lường được dịch lần 4 nghiêm trọng như hiện nay nên đã quy định thời hạn cơ cấu nợ không vượt quá 12 tháng là không thực tế. Với quy định này, cùng với khó khăn hiện tại nhiều doanh nghiệp không thể cơ cấu lại được các khoản nợ, trong khi đó, khó khăn lại chồng chất khó khăn vì doanh nghiệp không đủ điều kiện để tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Chính phủ.
Diễn biến dịch Covid-19 có nhiều biến đổi phức tạp có thể kéo dài sang năm 2022 các doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn do vậy, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ sửa đổi Thông tư 03 theo hướng thời gian, cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 36 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo hợp đồng đã ký).
Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh hiện nay doanh nghiệp không thể trả nợ trước 31/12/2021 theo quy định Thông tư 03 do doanh nghiệp vừa trải qua gần 2 năm đầy khó khăn, không thể có ngay dòng tiền một lúc để trả nợ cho toàn bộ khoản vay được cơ cấu trong lúc dịch bệnh, doanh thu giảm 80%, thì quy định như vậy gây vướng cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng có muốn cứu doanh nghiệp cũng ko có đủ cơ sở.
Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/5/2021 cũng được cơ cấu nợ. Ngoài ra, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ thực hiện cấp bù lãi suất cho các Ngân hàng thương mại, để các Ngân hàng thương mại giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp với mức giảm từ 3%/năm.
Nguồn: Báo lao động thủ đô