Cần cơ chế phát triển nhà ở công nhân như nhà ở xã hội

Trong khi việc phát triển nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu thì thực tế cho thấy, để bảo đảm sản xuất, kinh doanh, vấn đề phát triển nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp càng trở nên cấp thiết… Hiện nay, cơ quan quản lý đang đề xuất nhiều giải pháp phát triển nhà ở công nhân, trong đó có quy định trách nhiệm của các bên và chính sách thu hút đầu tư.

can co che phat trien nha o cong nhan nhu nha o xa hoi
Khu nhà ở của công nhân tại xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh Hải Nguyễn

Hầu hết KCN không có quỹ đất xây nhà ở công nhân

Trong văn bản gửi các địa phương mới đây, Bộ Xây dựng cho rằng các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân, nên không đảm bảo được việc thực hiện “3 tại chỗ”. Quỹ đất 20% để thực hiện xây nhà ở xã hội hay nhà lưu trú cho công nhân nhiều nơi không có hoặc không được triển khai. Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo “nóng” đến các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương phải có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội. Trong đó cần chú ý đến nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Đồng thời, nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động. Cụ thể, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.

Thế nhưng, những bất cập của thực tế đã thể hiện khi hầu hết các KCN đều không dành quỹ đất để xây nhà ở cho công nhân.

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia bất động sản – TS Trần Kháng nhìn nhận, nhà ở cho công nhân KCN còn bao gồm các thiết chế về y tế, văn hóa… Trong khi đó, việc phát triển nhà ở lại đang bị chi phối bởi Luật Nhà ở, do đó rất khó kêu gọi nhà đầu tư. Ngoài ra, quy trình xây dựng nhà ở cho công nhân còn bất cập. Theo vị này, có những đơn vị trong nhiều năm liền vẫn chưa giải quyết được vấn đề thủ tục.

Giải pháp để công nhân có nhà ở

Theo ông Kháng, với những khu công nghiệp đã triển khai nhưng chưa có đất làm nhà ở, chính quyền địa phương nên xem xét, bố trí cho chủ đầu tư khu công nghiệp hay các doanh nghiệp. Khu công nghiệp lớn chưa thu hút đầu tư hết thì điều chỉnh quy hoạch phần đất chưa sử dụng để làm nhà ở. Với các khu công nghiệp mới đang quy hoạch, điều kiện tiên quyết là phải có nhà ở cho công nhân. Ngoài trách nhiệm của chính quyền, cần quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư khu công nghiệp trong vấn đề này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội – cho biết, nhà cho công nhân ở khu công nghiệp đang khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà bởi nhiều lý do khác nhau, từ pháp lý, quỹ đất, nguồn vốn, cơ chế… Ông Điệp cho rằng, các doanh nghiệp luôn có quan điểm là thu hồi vốn nhanh. Nếu có sự hỗ trợ về chính sách của nhà nước về vấn đề này thì rất tốt. Đặc biệt, trong thời điểm này thì cần phải có chính sách hỗ trợ nhà công nhân tại khu công nghiệp như nhà ở xã hội. Ông Điệp cho rằng cơ chế như hiện nay rất khó để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp.

Vị này nói thêm, theo quy định của pháp luật về nhà ở, đối với nguồn vốn hỗ trợ nhà ở xã hội thì chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân được thực hiện giống như nhà ở xã hội dành cho các đối tượng theo Điều 49 Luật Nhà ở.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích