Cần có các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm hỗ trợ năng lượng sạch
Đó là chia sẻ của Trung tá Đoàn Tự Lập, Phòng 4- Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ tại Hội nghị và hội thảo kỹ thuật “Hỗ trợ mục tiêu năng lượng sạch và phát triển công nghiệp tại Việt Nam thông qua tiêu chuẩn” và “Nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn hỗ trợ năng lượng sạch và phát triển công nghiệp tại Việt Nam cho các bên liên quan tại Việt Nam” diễn ra ngày 13/8 tại TP.HCM. Hội nghị do Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia phối hợp UL Standards & Engagement tổ chức với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hội nghị nhằm chia sẻ về hoạt động, kinh nghiệm thực tế của các cơ quan tiêu chuẩn hóa và doanh nghiệp trong xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn về năng lượng sạch và phòng cháy chữa cháy đối với xe điện, pin lithium. Đây cũng là cơ hội để các Hiệp hội, doanh nghiệp và đơn vị sản xuất trao đổi, học hỏi kinh nghiệm áp dụng tiêu chuẩn về năng lượng sạch và phòng cháy chữa cháy đối với xe điện.
TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia trao quà cho ông Kolin Low, Giám đốc khu vực của UL Standards & Engagement (ULSE).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, trước bối cảnh thế giới đang hướng đến mục tiêu năng lượng sạch và bền vững, điện khí hoá là một trong những mấu chốt giải quyết tốt mối lo ngại về môi trường. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam. Bên cạnh đó, điện khí hóa cũng mang lại cơ hội kinh tế mới cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty địa phương đang dần chuyển đổi sang các ngành giá trị cao hơn.
Tại hội nghị, các nội dung như: Thực hành tốt nhất quốc tế về nghiên cứu an toàn, tiêu chuẩn, quy tắc và đánh giá sự phù hợp; Tiêu chuẩn và ứng dụng an toàn phòng cháy chữa cháy cho phép chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam; Ứng dụng công nghiệp và đánh giá sự phù hợp của pin tiêu chuẩn Li-ion do các Tiến sĩ, Kỹ sư, Trưởng phòng Kiểm định và Thẩm định an toàn phòng cháy chữa cháy (thuộc Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ Việt Nam) trình bày.
Trong đó, ông Carl Wang – Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Thành viên Doanh nghiệp, Hiệp hội William Henry Merrill UL Solutions nhấn mạnh xu hướng nghiên cứu tiêu chuẩn về an toàn pin Lithium-lon bao quát bằng 4 nội dung như: Xu hướng điện khí hóa và năng lượng tái tạo; Các mối quan ngại về an toàn của pin Li-ion; Nghiên cứu và nỗ lực đảm bảo an toàn pin Li-ion; Xu hướng phát triển pin và nghiên cứu khoa học về an toàn pin.
Ông Richard Lee – Kỹ sư năng lượng và tự động hoá công nghiệp UL Solutions.
Chia sẻ về Tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu kỹ thuật cho trạm sạc xe điện, ông Richard Lee – Kỹ sư năng lượng và tự động hoá công nghiệp UL Solutions cho biết, tiến bộ mới về sạc xe điện sẽ có làm mát chủ động, chuyển đổi dòng điện 2 chiều và sạc không dây. Trong đó, làm mát chủ động cung cấp giải pháp sử dụng cáp nhỏ hơn.
Ba loại hệ thống làm mát gồm: Thứ nhất, cho phép chất làm mát đi qua cáp đầu ra đến đầu nối xe điện; Hoạt động làm mát trên cáp và chân đầu nối. Thứ hai là chất làm mát được sử dụng bên trong bộ sạc để làm mát các thiết bị điện tử bên trong bộ sạc. Thứ ba là cả hai loại trên. Đồng thời, mỗi thiết kế, bộ sạc, cáp và đầu nối được thiết kế để sử dụng cùng nhau.
Theo ông Richard Lee, trong tương lai, chúng ta cần sạc nhanh hơn, cải tiến mới sẽ thành hiện thực sau đó trở thành chuẩn mực. Những tiến bộ và cải tiến khác sau đó có thể xuất hiện và một điều luôn không đổi đó chính là sự thay đổi, điều này không được mong đợi sẽ sớm kết thúc.
Đoàn đại biểu chụp hình lưu niệm.
Trong bài tham luận của Trung tá Đoàn Tự Lập, Phòng 4- Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ về xu hướng sử dụng, đặc điểm nguy hiểm cháy nổ xe điện và giải pháp của Việt Nam hiện nay, tập trung phân tích về xu hướng sử dụng xe điện ngày một hiện hữu và phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới và ưu nhược điểm của một số loại chất chữa cháy thông dụng. Đồng thời đề xuất giải pháp chữa cháy cũng như cơ chế chính sách phù hợp để đảm bảo sự an toàn đối với người sử dụng.
Theo Trung tá Đoàn Tự Lập, hiện nay nước ta có 8 quy chuẩn về phương tiện giao thông điện và 21 tiêu chuẩn/bộ tiêu chuẩn quy định về xe điện, pin xe điện và trạm sạc xe điện, trong đó chủ yếu quy định về yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, chưa có các quy chuẩn, tiêu chuẩn/bộ tiêu chuẩn về PCCC đối với pin lithium để hạn chế rủi ro xảy ra cháy nổ cũng như giải pháp ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố cháy, nổ pin lithium. Do đó, Trung tá Đoàn Tự Lập cho rằng cần hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng chính sách an toàn phòng cháy chữa cháy ở Việt Nam.
Kim Thoa