Cần có biên độ cho đấu giá đất!
Đất đai, tài chính, tín dụng có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế và đời sống xã hội. Chính vì thế, trong hoạt động tín dụng, Ngân hàng Nhà nước bao giờ cũng quy định lãi suất cơ bản, trong đó có biên độ dao dịch (+, -). Các ngân hàng thương mại chỉ được phép áp lãi suất cho vay, lãi suất tiền gửi trong biên độ giao dịch cho phép.
Đối với lĩnh vực đất đai, Nhà nước cũng áp giá sàn (giá này thường dùng cho việc áp dụng đền bù giải phóng mặt bằng). Tuy nhiên, trên bình diện chuyển nhượng, chào bán thương mại và đặc biệt là đấu giá đất cần có những quy chuẩn nhất định.
Ảnh minh họa |
Bởi vậy vừa qua dư luận xôn xao về một doanh nghiệp bỏ giá lên tới 2,4 tỷ đồng/một mét vuông để trúng 10.000 m2 đất ở Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh. Với mức giá này, theo giới chuyên gia khi xây thành chung cư, phải bán với giá 500 triệu đồng/m2 chủ đầu tư mới có lãi. Vấn đề ở chỗ, nếu quá trình hoàn tất việc đấu giá mảnh đất này để doanh nghiệp kia được quyền sử dụng thì sẽ dẫn đến hiệu ứng “domino”- giá nhà đất sẽ tăng theo. Hệ quả, hàng chục ngàn người thu nhập thấp càng khó có cơ hội tiếp cận với nhà ở!
Trước thực tế này, để lành mạnh hóa thị trường bất động sản nói chung, đấu giá đất nói riêng, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Công điện nêu rõ, thời gian qua, nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế – xã hội và thị trường nhà ở, bất động sản.
Để công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở trong thời gian tới hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản; đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Hy vọng với việc Thủ tướng kịp thời ban hành Công điện trên sẽ nhanh chóng thiết lập lại việc đấu giá đất hiện nay. Đặc biệt, về mặt luật pháp cũng nên có quy định về hệ số giá đất khi tiến hành đấu giá.
Nguồn: Báo lao động thủ đô