Cần chính sách hỗ trợ để xanh hóa ngành ô tô
(Xây dựng) – Phát triển giao thông xanh đang là xu hướng tất yếu, nhằm giúp giảm tác động xấu đến môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Tại Việt Nam, muốn phát triển giao thông xanh, cần có chính sách hỗ trợ để xanh hóa ngành ô tô, cả ở phía doanh nghiệp sản xuất ô tô lẫn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm giá thành ô tô. (Ảnh minh họa) |
Nhiều tiềm năng phát triển ô tô xanh
Giao thông là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, đóng góp đáng kể vào biến đổi khí hậu. Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, các quốc gia đã và đang triển khai phát triển giao thông xanh với nhiều hình thức khác nhau, với các loại xe năng lượng mới như xe điện, xe hybrid, cùng hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường, hệ thống hạ tầng hỗ trợ…
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), trong năm 2023, phần lớn doanh số bán ô tô điện là ở Trung Quốc (chiếm khoảng 60%), tiếp đến là châu Âu (25%) và Hoa Kỳ (10%). Các khu vực này chiếm khoảng 65% tổng doanh số ô tô trên toàn cầu. Cũng trong năm này, thị phần xe điện toàn cầu tăng lên mức khoảng 18%. Dự kiến kết thúc năm 2024, thị phần ô tô điện có thể chiếm đến 45% tại Trung Quốc, 25% ở châu Âu và 11% tại Mỹ.
Tại Việt Nam, giao thông xanh đã dần hình thành, với hàng loạt sản phẩm đến từ cả doanh nghiệp trong nước lẫn nhập khẩu. Năm 2023, VinFast cho biết đã bán được hơn 34.850 xe điện các loại, chủ yếu tại thị trường trong nước.
Dù vậy, theo báo cáo phân tích thuộc bộ phận nghiên cứu lĩnh vực Tech & Mobility của Vero, đơn vị tư vấn truyền thông thương hiệu tại ASEAN về việc phát triển ô tô điện tại thị trường Việt Nam, mức độ sử dụng ô tô điện tại Việt Nam còn khá thấp so với thị trường chung của khu vực. Theo đó, ô tô điện tại Việt Nam chỉ chiếm 0,7% tổng lượng ô tô điện bán ra ở thị trường Đông Nam Á, dù VinFast và tất cả các thương hiệu ô tô lớn trên toàn cầu đã ra mắt những mẫu xe điện tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng như doanh nghiệp vẫn rất lạc quan với tiềm năng của thị trường ô tô xanh tại Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam có dân số trên 100 triệu người, tỷ lệ dân số vàng chiếm phần lớn; tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ổn định ở mức cao; cơ sở hạ tầng đường cao tốc luôn được đầu tư và mở rộng một cách mạnh mẽ… Điều này là cơ hội lớn cho ngành xe điện nói riêng và xe năng lượng mới nói chung.
Về mặt chính sách, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cho phát triển xanh, bền vững. Cụ thể, Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, đặt mục tiêu tổng quát phát triển giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đã được đề ra rõ ràng, áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giao thông đô thị.
Tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ, trong vòng 03 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (01/03/2022), ô tô điện chạy pin được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%. Trong vòng 2 năm tiếp theo (từ 01/3/2025 đến 01/3/2027), nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi…
Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm giá thành
Dù có nhiều tiềm năng, song để phát triển ô tô xanh, Việt Nam vẫn gặp nhiều rào cản. Ông Võ Minh Lực, Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam cho rằng, quy hoạch phát triển trạm sạc tại các đô thị chưa hợp lý khiến cho các nhà đầu tư khó triển khai; kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi của người dân. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe dùng động cơ truyền thống sang xe năng lượng mới vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ và lộ trình chưa rõ ràng, đặc biệt tại các thành phố lớn. Chính sách đầu tư hệ sinh thái xe điện vẫn chưa rõ ràng nên khó thu hút nhà đầu tư…
Để phát triển ô tô xanh, các chuyên gia đề xuất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Cụ thể, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách ưu đãi; có lộ trình phát triển xe điện hóa phù hợp với điều kiện tại Việt Nam; có ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư trạm sạc, như về đất đai, tiếp cận vốn vay… Các bộ, ngành cũng cần có quy định về quy chuẩn, quy trình đầu tư trạm sạc thống nhất để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Về phía người tiêu dùng, cần thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng phương tiện giao thông xanh; muốn vậy, cần tăng cường truyền thông để người dân hiểu thêm về lợi ích của xe điện. Song, ô tô xanh sẽ khó phát triển nếu thiếu chính sách cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước diễn ra mới đây, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) xác nhận, ngành ô tô đang có nhiều thay đổi về công nghệ, đặc biệt ô tô sử dụng năng lượng mới hướng đến xanh, sạch.
Hiện, THACO đang xây dựng trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng xe quốc tế tại Việt Nam và bán ra các khu vực, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. THACO đã bán linh kiện phụ tùng ô tô cho các nhà sản xuất ô tô trong nước như Hyundai, Ford, Toyota, Isuzu, mang về doanh thu 13 triệu USD trong năm nay và dự kiến gia tăng doanh thu trong năm tới.
Tập đoàn ưu tiên cho phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm giá thành ô tô, bao gồm khung thân vỏ, nội ngoại thất, đặc biệt là các thiết bị điện tử và nền tảng số về thông minh, an toàn… Tuy vậy, ông Dương xác nhận, công nghiệp hỗ trợ chưa có chiến lược rõ ràng. Vì thế, ông mong muốn Chính phủ cần xem đây là cơ hội để phát triển công nghiệp nền tảng của Việt Nam cũng như xuất khẩu để từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Nguồn: Báo xây dựng