Cận cảnh cầu Thủ Thiêm 2 sau khi hợp long
Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn vừa được hợp long, nối liền hai bờ sông giữa quận 1 và TP Thủ Đức.
Cầu Thủ Thiêm có quy mô 6 làn xe, dài hơn 1,4 km, với phần cầu dài gần 890 m. Trụ tháp chính cao 113 m, nghiêng về phía Thủ Thiêm.
Đại điện Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (nhà đầu tư) cho biết công trình đã hoàn tất lắp đặt đốt dầm cuối mang ký hiệu AS16 theo đúng tiến độ vào dịp Quốc khánh 2/9.
Chiều 2/9, dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành lắp đặt 17/17 đốt dầm thép băng ngang sông Sài Gòn, giúp kết nối với cầu dẫn tuyến chính phía quận 1.
Phía quận 1 (TP.HCM), sau nhiều tháng dừng hoạt động vì không được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, hai nhánh N1 và N2 (dẫn xuống phía bến Bạch Đằng và đường Nguyễn Hữu Cảnh) đang được nhà đầu tư khẩn trương thi công trở lại.
Nhà đầu tư và đơn vị thi công dự kiến triển khai căng cáp, cân chỉnh và đổ bê tông mặt cầu vào ngày 15/9 tới.
Phía TP Thủ Đức, phần đường dẫn hướng về tuyến đường Trần Bạch Đằng đã gần hoàn thành các hạng mục chính như trải nhựa, lặp đặt biển báo, ốp đá vỉa hè…
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 là một trong những công trình giao thông trọng điểm, cấp bách được UBND TP.HCM cho phép thi công theo nguyên tắc đảm bảo phòng, chống dịch.
Để vừa thi công vừa chống dịch hiệu quả, nhà thầu đã thực phương án “3 tại chỗ”, tổ chức xét nghiệm định kỳ cho toàn bộ cán bộ kỹ thuật và công nhân.
“Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn vị đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cố gắng đảm bảo dự án triển khai theo tiến độ đề ra. Dự án là một trong những công trình trọng điểm hiếm hoi đảm bảo tiến độ trong giai đoạn này”, đại diện nhà đầu tư Đại Quang Minh cho biết.
Cầu Thủ Thiêm 2 khởi công năm 2015 với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng nhiều lần trễ hẹn. Sau lần gia hạn đến tháng 9/2021, Cầu Thủ Thiêm 2 tiếp tục phải lùi kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2021 và đưa vào sử dụng vào quý II/2022.
Chiều 2/9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình có buổi làm việc với đại diện các nhà thầu công trình. Ông Bình nhận định vấn đề khó khăn nhất của công trình là một mặt đảm bảo đủ nguồn lực công nhân, mặt khác phải đáp ứng tiêu chí phòng, chống dịch.
Khi đưa vào sử dụng, công trình được kỳ vọng sẽ kết nối giao thông khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố, giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn, đường hầm vượt sông Sài Gòn.
Nguồn: Báo xây dựng