Cần cải thiện hạ tầng số để phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

Cần cải thiện hạ tầng số để phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Việt Nam hiện nay cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp.

Tại hội thảo “Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức, các đại biểu đều cho rằng cần cải thiện hạ tầng số để có thể phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Cần cải thiện hạ tầng số để phát triển nông nghiệp xanh, bền vững
Ảnh minh hoạ: Hiệp hội Thanh long Bình Thuận.

Ý kiến được đưa ra sau khi các đại chuyên gia cùng tham gia thảo luận về các nội dung có liên quan đến chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp các bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu. Đó là: Tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; Khai thác các nền tảng kỹ thuật số để giám sát và theo dõi dấu chân các bon trong các lĩnh vực xuất khẩu quan trọng; Thúc đẩy chuỗi cung ứng phát thải các bon thấp, thân thiện môi trường cho các sản phẩm như thanh long và tôm; Triển khai các hệ thống kỹ thuật số để tăng cường quản lý sản xuất lúa; Thiết lập kiến trúc dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn…

Theo thông tin chia sẻ tại Hội thảo, chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Việt Nam hiện nay cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp. Các lý do được đưa ra đó là: Hiện nay cơ sở hạ tầng số ở khu vực nông thôn của Việt Nam vẫn cần được cải thiện; Quy mô ứng dụng chuyển đổi số vẫn cần được mở rộng và đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương; Nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế, diện tích canh tác nhỏ; doanh nghiệp nông nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi số.

Cũng tại hội thảo trên, lần đầu tiên UNDP và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giới thiệu mô hình hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử bằng cách quét mã QR có thể biết rõ lượng khí carbon trong từng công đoạn sản xuất, biết được mức độ thực hành “xanh” hoặc thân thiện với môi trường của từng trái thanh long sản xuất tại Bình Thuận.

Trong hệ thống này, các thiết bị thông minh lắp đặt tại vườn trồng sẽ tự động đo lường phát thải khí carbon và cập nhật lên không gian mạng, cho phép theo dõi và thống kê dấu chân carbon theo thời gian thực. Đặc biệt, công nghệ này còn phân tích để đưa ra các giải pháp giảm phát thải carbon trong sản xuất.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích