Cần bộ tiêu chí đánh giá thống nhất cho các chỉ số thống kê
Trong phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê tại Tổ 10, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh văn hóa là nền tảng phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, hiện Luật Thống kê chỉ đề cập đến một tiêu chí di sản văn hóa quốc gia. Dẫn ví dụ khi Hà Nội lập hồ sơ công nhận Thành phố sáng tạo, thì việc khó khăn đó chính là xác định chỉ số văn hóa. Từ thực tế này, đại biểu đề nghị, Bộ Văn hóa cần xây dựng bộ chỉ số về văn hóa, để qua đó có sự đầu tư thỏa đáng cho văn hóa.
Các đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. |
“Thực tế cho thấy, văn hóa có sự đóng góp lớn đối với sự phát triển của đất nước, nhưng việc đánh giá các chỉ số phát triển văn hóa lại chưa đề cập trong Luật Thống kê. Vì thế, tôi cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung các chỉ số thống kê về phát triển văn hóa để qua đó có sự đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực quan trọng này”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Đưa ra quan điểm đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) nêu rõ, thực trạng hiện nay chưa có sự liên thông giữa các tỉnh, thành phố trong việc đánh giá Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), GRDP của các tỉnh nên trong quá trình thống kê, đánh giá vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, cần có bộ tiêu chí đánh giá chung của cả nước, tránh tình trạng mỗi bộ, ngành, địa phương có tiêu chí riêng, không thống nhất trong đánh giá.
“Không thể các ngành nào cũng đưa vào vài chục tiêu chí. Cần tạo thành sự thống nhất, chủ trương chính sách phát triển cho hội nhập. Phải xác định rõ các tiêu chí ấy để đánh giá GDP của đất nước, GRDP của các tỉnh, cần tạo sự thống nhất”, đại biểu Trương Xuân Cừ cho hay.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội). |
Cũng đề cập nội dung này, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cơ quan soạn thảo cần chú trọng đến nội dung thống kê liên quan đến kinh tế biển và môi trường của Việt Nam. “Về vấn đề môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, trong đó có các sự cố về môi trường hoặc các tranh chấp liên quan đến môi trường. Vì thế, chúng ta cần có các chỉ tiêu về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu”, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị.
Trước đó, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định sự cần thiết xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia xuất phát từ thực tiễn nhằm bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phản ánh tình hình mới, bối cảnh mới phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, chỉ tiêu thống kê được sửa đổi, bổ sung bảo đảm cung cấp thông tin kinh tế – xã hội ở tầm vĩ mô (tầm quốc gia); phản ánh, đánh giá thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030; chính sách về phát triển bền vững; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số…
Chiều 20/10, Quốc hội lắng nghe Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. |
Mục đích sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng.
Trình bày Báo cáo Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê như các lý do đã nêu trong Tờ trình số 378/TTr-CP của Chính phủ nhằm thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Nguồn: Báo lao động thủ đô