Cân bằng sinh thái trong môi trường đô thị và câu chuyện về những “viên gạch tổ ong”

Ngôi nhà cho những “cư dân biết bay”

Đô thị hóa với tốc độ chóng mặt trong nhiều thập kỷ qua đã để lại những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường, hệ sinh thái và các loài động vật. Việc con người lấy mất không gian sống và sinh trưởng tự nhiên của động vật để phát triển nền văn minh đã khiến số lượng động vật giảm nhanh, tỷ lệ phục hồi chậm cùng nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến chu trình tiến hóa. 

Hơn hết, trong một quần thể tự nhiên, mỗi loài động vật đóng một vai trò nhất định và có tầm quan trọng riêng đến sự phát triển của loài khác và của cả hệ sinh thái. Không có bất cứ loài động vật nào tồn tại trên Trái Đất mà chỉ có ý nghĩa sống còn với bản thân nó. Con người cũng vậy. Vòng tuần hoàn của tự nhiên đặt tất cả sinh vật vào những quy luật phức tạp, bắt buộc chúng phải sống dựa vào nhau, liên quan đến nhau và không thể tách rời. Chuỗi thức ăn từ vi sinh vật đến thực vật, động vật ăn thực vật, động vật ăn thịt và con người là một trong những biểu hiện điển hình của quy luật tuần hoàn tự nhiên. 

Côn trùng, loài động vật nhỏ bé, thường bị xem là có hại cho con người, cũng là một trong những nhóm sinh vật bị ảnh hưởng sâu sắc bởi quá trình đô thị hóa. Tuy là loài động vật đông nhất, nhưng số lượng côn trùng suy giảm nghiêm trọng mỗi năm. Với vai trò là mắt xích nền tảng cho hàng ngàn chuỗi thức ăn, việc số lượng côn trùng suy giảm có thể ảnh hưởng tới sự tồn tại của con người. 

Nhà sinh vật học hàng đầu của Mỹ, ông Edward Osborne Wilson đã viết trong một bài báo của mình rằng: “Nếu côn trùng biến mất thì gần như tất cả các loài thực vật có hoa và mạng lưới thức ăn mà chúng hỗ trợ cũng biến mất. Sự mất mát này sẽ gây ra sự tuyệt chủng của các loài bò sát, lưỡng cư, chim, động vật có vú và gần như tất cả các loài động vật trên cạn. Sự biến mất của côn trùng cũng sẽ kết thúc quá trình phân hủy nhanh chóng các chất hữu cơ và do đó làm ngừng chu trình dinh dưỡng. Con người sẽ không thể tồn tại”.

Do đó, con người buộc phải đề cập đến sự tồn tại của sinh vật tự nhiên trong đô thị như một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái mà chính bản thân con người cũng là một thành phần trong đó. Không chỉ là con người, thiên nhiên cũng cần được cung cấp một “ngôi nhà đô thị” như một cư dân hợp pháp. Vấn đề này đã thúc đẩy công ty Green & Blue của Anh phát triển sáng kiến về những viên gạch xây dựng đặc biệt dành cho loài ong – loài côn trùng có vai trò quan trọng trong việc thụ phấn và sản xuất lương thực cho con người. 

Ong thụ phấn cho hơn 25.000 loài thực vật có hoa và 60% số lượng hoa quả mà con người sử dụng mỗi năm cần được ong thụ phấn mới có sản lượng. 90% các vụ mùa lớn trên thế giới cần có sự tham gia của loài ong để tồn tại. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng loài ong tự nhiên suy giảm rõ rệt, làm dấy lên những lo ngại và tranh cãi về việc con người chặt cây, xây nhà và lạm dụng thuốc trừ sâu. 

gạch tổ ong, gạch ong, môi trường đô thị, sinh thái đô thị, biến đổi khí hậu, vật liệu bền vững
Ong thụ phấn cho hoa. (Ảnh: Internet)

Chỉ tính riêng ở Anh, kể từ năm 1900, Vương quốc Anh đã mất 13 loài ong và 35 loài khác đang bị đe dọa tuyệt chủng. Số lượng tổ ong mật trong diện quản lý ở Anh đã giảm 50% trong 20 năm, từ năm 1985 đến năm 2005. Loài ong phải đối diện với hàng loạt nguy cơ tận diệt đến từ sản phẩm hóa học nông nghiệp, việc con người nuôi nhân tạo và lai giống ong bừa bãi, thiếu môi trường sống, nguồn thức ăn tự nhiên, điều kiện sinh sản…

Để cung cấp cho loài ong một “ngôi nhà” ở thành phố, Green & Blue đã cho ra đời sản phẩm Bee Bricks (gạch tổ ong). Gạch tổ ong là những khối đá thay thế một viên gạch trên tường, với những lỗ to nhỏ không đều nhau, phục vụ nhu cầu làm tổ của những con ong đơn độc – nhóm ong không làm tổ cố định. Gạch tổ ong cần được đặt ở vị trí quay mặt về hướng Nam (ở Bắc bán cầu) và cao hơn mặt đất ít nhất 1m. 

gạch tổ ong, gạch ong, môi trường đô thị, sinh thái đô thị, biến đổi khí hậu, vật liệu bền vững
Gạch tổ ong thay thế một hoặc vài viên gạch của công trình. (Nguồn: Green & Blue)

Ong sống đơn độc làm tổ vào mùa xuân hoặc mùa hè, chứa từ 6 – 12 quả trứng, mỗi quả nằm trong một ô kín. Gạch tổ ong với kết cấu rắn ở mặt sau, có các hốc để ong đẻ trứng và lối vào được bịt kín bằng bùn hoặc cỏ. Trong những chiếc tổ này, ấu trùng sẽ lớn lên và tiếp nối vòng đời của những chú ong. Chỉ riêng trong số 267 loài ong ở Anh, 90% trong đó được nhận định là ong sống đơn độc. Với sự hỗ trợ từ con người, ong sống đơn độc có thể có điều kiện thích hợp để thích nghi với môi trường đô thị và duy trì vai trò sinh thái. 

gạch tổ ong, gạch ong, môi trường đô thị, sinh thái đô thị, biến đổi khí hậu, vật liệu bền vững

gạch tổ ong, gạch ong, môi trường đô thị, sinh thái đô thị, biến đổi khí hậu, vật liệu bền vững

gạch tổ ong, gạch ong, môi trường đô thị, sinh thái đô thị, biến đổi khí hậu, vật liệu bền vững
Nguồn: Green & Blue 

Để sản xuất ra gạch tổ ong, công ty Green & Blue đã sử dụng 75% vật liệu từ nguyên liệu tái chế có sẵn, kết hợp với nguồn năng lượng xanh và sử dụng nước mưa tích trữ. Không chỉ sản xuất ra gạch làm tổ cho ong, công ty này còn phát hành sản phẩm Swift Blocks – nhà làm tổ cho bầy chim, tích hợp trong thiết kế của các công trình để cung cấp chỗ ở cho loài chim trong thành phố. 

gạch tổ ong, gạch ong, môi trường đô thị, sinh thái đô thị, biến đổi khí hậu, vật liệu bền vững
Mô hình Swift Block làm tổ cho chim. (Nguồn: Green & Blue)

gạch tổ ong, gạch ong, môi trường đô thị, sinh thái đô thị, biến đổi khí hậu, vật liệu bền vững

Sáng kiến của Green & Blue đã được chính quyền ủng hộ. Hội đồng thành phố Brighton đã thông qua một điều kiện quy hoạch, yêu cầu bất kỳ tòa nhà xây mới nào cao hơn 5m sẽ phải cung cấp không gian làm tổ và ngủ đông cho những con ong đơn độc. Ý tưởng này được Ủy viên Hội đồng, ông Robert Nemeth đề xuất vào năm 2019 và có hiệu lực chính thức từ ngày 01/04/2020. 

Bà Faye Clifton, Giám đốc Công ty Green & Blue chia sẻ: “Vật liệu, phương pháp và phong cách xây dựng hiện đại đã phá hoại môi trường sống tự nhiên và đây là một trong những yếu tố dẫn đến sự suy giảm các loài, chẳng hạn như số lượng chim yến đã giảm mạnh hơn 50% trong 20 năm qua. Sản phẩm của chúng tôi được tạo ra để làm nơi trú ẩn cho động vật hoang dã, để đưa môi trường sống của chúng tích hợp trong những tòa nhà”.

Nhưng đó chưa phải là tất cả…

Tuy nhiên, gạch tổ ong cũng không hoàn toàn nhận được sự ủng hộ từ phía các nhà khoa học. Trong một bài báo đăng trên tờ The Guardian ngày 18/01/2022, các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ gây hại của gạch tổ ong. Họ cho rằng, động thái yêu cầu bắt buộc những tòa nhà trên 5m phải áp dụng gạch tổ ong có thể không tạo ra bất cứ sự khác biệt nào đối với sự đa dạng sinh học. Một số người còn cho rằng, nếu các lỗ trên gạch tổ ong không được làm sạch, chúng sẽ thu hút bọ ve và làm lây lan dịch bệnh. 

Ông Dave Goulson, Giáo sư sinh học tại Đại học Sussex cho biết, ông đã thử lấy một con ong từ viên gạch ra ngoài và đánh giá các lỗ trên gạch không đủ sâu để trở thành “ngôi nhà lý tưởng cho ong”. Giáo sư Adam Hart, nhà côn trùng học tại Đại học Gloucestershire cũng cho rằng, đôi khi “những can thiệp có ý nghĩa tốt có thể gây ra những hậu quả không mong muốn”. Trái lại, ông Francis Gilbert, Giáo sư sinh thái học tại Đại học Nottingham cho rằng, gạch tổ ong không cần phải làm sạch, bởi lũ bọ sẽ rời tổ sau 1 đêm và năm sau ong sẽ quay trở lại. 

Giáo sư sinh thái học tại Đại học Queen Mary, ông Lars Chittka giải thích rằng, loài ong sống đơn độc “sở hữu hành vi vệ sinh một cách tự nhiên cho phép chúng giảm thiểu rủi ro ít nhất ở một mức độ nào đó, hoặc chúng sẽ đánh giá trạng thái của các lỗ trước khi sử dụng chúng”. Do đó, điều này có thể trở thành đối trọng với nguy cơ mất vệ sinh của gạch tổ ong. 

gạch tổ ong, gạch ong, môi trường đô thị, sinh thái đô thị, biến đổi khí hậu, vật liệu bền vững

Không kể đến cuộc tranh luận rốt cuộc gạch tổ ong đem lại lợi ích hay rủi ro, các chuyên gia đều phản ánh rằng, gạch tổ ong không phải là phương pháp có thể giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến đa dạng sinh học trong môi trường đô thị. Nếu con người chỉ tập trung vào loài ong và nghĩ rằng khi có một vài viên gạch tổ ong trên tường nhà mình thì vấn đề về môi trường hay hệ sinh thái của thành phố đã được giải quyết triệt để, điều đó có thể dẫn đến tình trạng tồi tệ hơn do con người chủ quan hơn. 

Những viên gạch tổ ong có thể rơi vào nguy cơ được các nhà phát triển nó sử dụng như một công cụ greenwashing – đánh bóng tên tuổi bằng các sáng kiến xanh, sản phẩm xanh, tuyên truyền thông tin sai lệch, một chiều để khách hàng tin rằng công ty của họ thân thiện với môi trường. Về bản chất, giống như câu chuyện của ống hút giấy trong cuộc chiến giảm rác thải nhựa, nếu kiến trúc, xây dựng chỉ tập trung vào gạch tổ ong và tuyên truyền nó như một giải pháp toàn năng của vấn đề suy giảm đa dạng sinh học, thì đó chỉ là sự cải cách bề ngoài, không thể đạt được tính bền vững. 

Theo bà Clifton, công ty Green & Blue muốn “chứng kiến sự tái sinh trong môi trường đô thị: thực phẩm được trồng theo cách tự nhiên, trẻ em được dạy về động vật hoang dã và thiên nhiên với sự tập trung và tầm quan trọng ngang với môn toán học hay khoa học”. Bà khẳng định, sự mất kết nối của con người với thiên nhiên cần một cuộc cách mạng và suy nghĩ con người là loài thượng đẳng cần được thay đổi vĩnh viễn. 

Con người cần ý thức được rằng sự can thiệp của mình vào hệ sinh thái gây bất lợi cho những đối tượng khác bao nhiêu thì cũng gây bất lợi cho chính mình bấy nhiêu. Biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, mất cân bằng sinh thái… là những vấn đề mà con người không thể giải quyết bằng những biện pháp tạm thời, manh mún, hình thức hoặc chỉ có lợi cho mình. Sự phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi tất cả sinh vật trên trái đất đều được cung cấp một môi trường sống lành mạnh, an toàn và phù hợp với chu trình tiến hóa./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích