Campuchia quan tâm đầu tư phát triển giao thông nông thôn

Campuchia quan tâm đầu tư phát triển giao thông nông thôn

Campuchia có kế hoạch đến năm 2030 sẽ bêtông hóa và nhựa hóa 75% tuyến đường giao thông nông thôn trên cả nước trong tổng chiều dài toàn tuyến gần 50.000km.

Bộ Phát triển Nông thôn Campuchia có kế hoạch đến năm 2030 sẽ bêtông hóa và nhựa hóa 75% tuyến đường giao thông nông thôn trên cả nước trong tổng chiều dài toàn tuyến gần 50.000km, nhằm góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội và cải thiện đời sống của người dân nông thôn ở quốc gia Đông Nam Á này.

Tại diễn đàn thảo luận chuyên đề về phát triển nông thôn do Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia (CCJ) và Bộ Phát triển Nông thôn nước này phối hợp tổ chức hôm 4/6 ở thủ đô Phnom Penh, Bộ trưởng Chhay Rithisen cho biết mạng lưới đường giao thông nông thôn được trải nhựa và đổ bêtông ở Campuchia hiện có tổng chiều dài khoảng 10.000km, chiếm khoảng 17% so với tổng chiều dài 50.000km trên phạm vi toàn quốc.

Theo ông Chhay Rithisen, trong năm 2024, Bộ Phát triển Nông thôn Campuchia được cấp ngân sách 75 triệu USD, khá hạn chế so với nhu cầu sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng và làm mới các tuyến đường theo phân cấp quản lý.

tm-img-alt
Ông Chhay Rithisen, Bộ trưởng Bộ Phát triển Nông thôn Campuchia phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Trong bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu và tầm nhìn đề ra trong chiến lược Ngũ giác của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Bộ Phát triển Nông thôn sẽ nỗ lực triển khai bêtông hóa, nhựa hóa hệ thống đường giao thông nông thôn theo điều kiện và khả năng có thể, kể cả huy động các nguồn xã hội hóa.

Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2030, toàn bộ hoặc ít nhất 75% trong tổng 14.577 thôn, ấp trong cả nước có đường nhựa và đường bêtông kiên cố, có khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Phát triển Nông thôn Campuchia đang triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn nhằm kết nối giao thông đến tất cả các thôn ấp, nhất là những khu vực giàu tiềm năng phát triển kinh tế; cải thiện điều kiện sống của các cộng đồng nông thôn thông qua hoạt động cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh, truyền thông giáo dục để người dân nông thôn thay đổi nhận thức và hành vi, có lối sống hợp vệ sinh và tiện nghi; đa dạng hóa các hoạt động kinh tế nông thôn thông qua công tác đào tạo các kỹ năng chuyên môn cơ bản và kỹ năng sống, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập, gắn với chương trình xây dựng các thôn ấp kiểu mẫu trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, du lịch, nông nghiệp của từng cộng đồng nông thôn…

Tính đến đầu năm 2024, Campuchia có 16.674 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 49.105km.

Trong số này, có 708 tuyến đường liên huyện với tổng chiều dài 10.092km, 1.149 tuyến đường huyện tổng chiều dài 8.970km, 2.988 tuyến đường liên xã tổng chiều dài 12.364km và 11.829 tuyến đường liên thôn liên ấp với tổng chiều dài 17.679km.

Thực hiện mục tiêu trong chiến lược ngũ giác của Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ VII, Bộ Phát triển Nông thôn Campuchia đang triển khai củng cố chất lượng 70% và mở rộng quy mô 30% hệ thống đường giao thông nông thôn trong cả nước, hướng tới tầm nhìn Campuchia trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và có thu nhập cao vào năm 2050.

An Đông (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích